dd/mm/yyyy

Hội thảo phát triển chuỗi giá trị mây, tre tại tỉnh Sơn La

Ngày 27/4, Hiệp hội hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Sơn La tổ chức hội thảo phát triển chuỗi giá trị mây, tre tại tỉnh Sơn La. Dự hội nghị có đại điện một số sở, ban ngành của tỉnh, lãnh đạo các huyện, thành phố và một số doanh nghiệp chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh.

Clip: Hội thảo phát triển chuỗi giá trị mây, tre tại tỉnh Sơn La

Theo số liệu công bố hiện trạng rừng tỉnh Sơn La năm 2021, tổng diện tích rừng tre nứa là trên 15.500 ha, sản lượng khai thác đạt 16,743 nghìn cây/năm. Đây được xem là cơ hội để tỉnh Sơn La phát triển các sản phẩm liên quan đến mây, tre, hiện nay Sơn La cũng đã có một số HTX, doanh nghiệp phát triển các sản phẩm mây tre.

Tuy nhiên thực trạng phát triển vùng nguyên liệu tre trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn, thách thức như: Chưa hình thành vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ; phát triển vùng nguyên liệu và ngành hàng tre trên địa bàn tỉnh còn tự phát chưa có sự liên kết với doanh nghiệp hợp tác xã; kỹ thuật canh tác còn nhiều hạn chế, chủ yếu là khai thác từ rừng tự nhiên dẫn tới năng suất, chất lượng, sản lượng không đáp ứng yêu cầu của thị trường; hạn chế, khó khăn thách thức về công nghệ chế biến các sản phẩm từ ngành hàng tre...

Hội thảo phát triển chuỗi giá trị mây, tre tại tỉnh Sơn La - Ảnh 1.

Hội thảo phát triển chuỗi giá trị mây, tre tại tỉnh Sơn La. Ảnh: Trung Hiếu

Tại hội thảo đã đưa ra một số giải pháp để nâng cao giá trị sản phẩm mây tre tại Sơn La, vấn đề đào tạo nghề, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, xây dựng các chuỗi giá trị ngành hàng, liên kết bao tiêu sản phẩm; việc cải thiện mẫu mã để nâng cao giá trị.

Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn tre Sơn La cho biết: Năm 2016, Công ty cổ phần tập đoàn tre Sơn La đã sản xuất các sản phẩm từ tre thân thiện với môi trường. Sau khi đưa sản phẩm ra thị trường, nhận thấy những phản hồi tích cực của khách hàng. Tuy nhiên hiện nay, để phát triển các sản phẩm từ mây, tre công ty đang gặp nhiều khó khăn về vùng nguyên liệu, cơ sở vật chất để chế biến, nhân công sản xuất điều quan trọng là việc liên kết trong tiêu thụ sản phẩm.

Cũng theo ông Dũng, để đưa các sản phẩm mây, tre đến với người tiêu dùng cũng như đem lại hiệu quả kinh tế, thời gian tới mong muốn của các doanh nghiệp, công ty được các cấp các ngành quan tâm đến việc phát triển mây, tre của địa phương, xây dựng vùng nguyên liệu, hỗ trợ các doanh nghiệp, công ty trong việc đào tạo nhân lực. Đặc biết là có các cơ chế chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.

Hội thảo phát triển chuỗi giá trị mây, tre tại tỉnh Sơn La - Ảnh 2.

Các đại biểu tham gia hội thảo phát triển chuỗi giá trị mây, tre tại tỉnh Sơn La. Ảnh: Trung Hiếu

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Huy Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La cho biết: Để khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển Lâm nghiệp tại địa phương, trong đó có phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm từ cây tre trên địa bàn tỉnh. Chủ trương, định hướng phát triển Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến 2030.

Tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng xanh, tập trung vào phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; xây dựng Sơn La phát triển nhanh và bền vững; trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng.

Hội thảo phát triển chuỗi giá trị mây, tre tại tỉnh Sơn La - Ảnh 3.

Đến nay trên địa bàn tỉnh Sơn la đã có hàng trăm sản phẩm từ mây, tre đan. Ảnh: Trung Hiếu

Quản lý tốt rừng tự nhiên hiện có và đồng thời phát triển rừng gắn liền với khai thác sử dụng, hưởng lợi từ rừng, kinh doanh, chế biến tiêu thụ lâm sản nhằm phát triển thị trường lâm sản hàng hóa thúc đẩy kinh tế rừng phát triển bền vững, phát huy vai trò hạt nhân của doanh nghiệp, hợp tác xã trong trồng rừng, chế biến và tiêu thụ lâm sản.

Phát triển rừng theo chuỗi giá trị lâm sản từ trồng tới chế biến, tiêu thụ lâm sản để nâng cao giá trị gia tăng của ngành và gắn với các chương trình phát triển nông lâm nghiệp trọng điểm của tỉnh.

Hội thảo phát triển chuỗi giá trị mây, tre tại tỉnh Sơn La - Ảnh 4.

Thời gian tới tỉnh Sơn La sẽ phát triển rừng theo chuỗi giá trị lâm sản từ trồng tới chế biến, tiêu thụ lâm sản để nâng cao giá trị gia tăng của ngành và gắn với các chương trình phát triển nông lâm nghiệp trọng điểm của tỉnh. Ảnh: Trung Hiếu

Tiếp tục thực hiện việc thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực chế biến các sản phẩm nông lâm sản, đặc biệt các lâm sản đặc thù của địa phương gắn với việc phát triển các loại hình du lịch sinh thái, chương trình mỗi vùng một sản phẩm (OCOP) đặc trưng: chế biến tiêu thụ các sản phẩm hoa quả Sơn Tra, Mắc Ca; các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ, dược liệu.

Văn Ngọc