dd/mm/yyyy

Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình: Thêm điểm tựa, niềm tin để xây dựng tổ chức Hội vững mạnh

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hoà Bình đã ban hành đề án số 01-ĐA/TU về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới”.

Vận động, hỗ trợ hội viên tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế

Thời gian qua đời sống, tư tưởng của cán bộ, hội viên nông dân tỉnh Hoà Bình đều ổn định. Nông dân tích cực tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh chính trị, ổn định cuộc sống. Các thành viên Hội Nông dân phấn khởi được các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo; thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế xã hội gắn với đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các công trình giao thông, thủy lợi, điện, trường học từng bước được xây dựng và hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu đi lại, học tập của con em. Qua đó đã giúp người nông dân có điều kiện phát triển kinh tế và cải thiện đời sống, nông dân đoàn kết, phấn khởi tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.

Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình: Được trao “thanh bảo kiếm” tăng cường, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh - Ảnh 1.

Nhờ sự quan tập giúp đỡ của các cấp Hội Nông dân, ông Đỗ Văn Chiến, xóm Bu Chằm, xã Thịnh Minh, TP. Hoà Bình đã có thu nhập hơn 1 tỷ/năm từ trồng cà gai leo, trồng bưởi, làm miến dong. Ảnh: Hà Hoàng.

Là 1 trong những hội viên nông dân tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh giỏi, ông Đỗ Văn Chiến, xóm Bu Chằm (xã Thịnh Minh, TP. Hoà Bình), sau gần 20 năm gây dựng cơ nghiệp đã tạo được vườn bưởi, mít, cà gai leo bề thế. Ngoài ra, ông còn xây dựng xưởng chế biến miến và cà gai leo, và dong riềng mang lại công ăn việc làm cho cả xóm. Vừa qua, ông còn vinh dự được vinh danh trong tốp 63 nông dân xuất sắc năm 2021. "Nhờ sự quan tâm của các cấp Hội Nông dân, tôi đã được tạo điều kiện tham gia nhiều lớp tập huấn và được đi tham quan nhiều mô hình kinh tế hiệu quả cao. Từ đó, tôi đã tích luỹ và trau dồi kiến thức áp dụng vào sản xuất, nhờ vậy mà tôi đã có thu nhập cao và cơ ngơi lớn như ngày hôm nay", ông Chiến thổ lộ.

Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình: Được trao “thanh bảo kiếm” tăng cường, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh - Ảnh 2.

Ông Lê Văn Thạch, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình (người mặc áo xanh bên phải) tham quan mô hình sản xuất trong nhà lưới của của hội viên nông dân trong tỉnh. Ảnh: Hà Hoàng.

Nhằm tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình trong việc xây dựng tổ chức Hội trong sạch, vững mạnh. Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo hướng hiệu quả, bền vững, tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh. Đồng thời, đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, chuyển từ "chuỗi liên kết sản xuất" sang "chuỗi liên kết giá trị ngành hàng" gắn với xây dựng và phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trách nhiệm, gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh góp phần xây dựng nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại. Ngày 6/8/2021, Tỉnh uỷ Hoà Bình đã ban hành Đề án số 01-ĐA/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình: Được trao “thanh bảo kiếm” tăng cường, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Hương Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình (người mặc áo đen) thăm mô hình trồng cây thanh long tại xã Đông Lai, huyện Tân Lạc. Ảnh: Hà Hoàng.

Thêm điểm tựa, thêm nhiệm vụ để xây dựng tổ chức Hội vững mạnh

Chia sẻ với PV, ông Lê Văn Thạch, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình cho biết: Đề án được Tỉnh uỷ ban hành giống như "thanh bảo kiếm" giúp chúng tôi triển khai các kế hoạch xây dựng tổ chức hội và các mô hình phát triển kinh tế đạt kết quả cao nhất. Từ đó, mang lại những quyền lợi cốt lõi phục vụ cho hoạt động của Hội ngày càng phát triển trong sạch, vững mạnh, nâng cao mức sống và thu nhập cho hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh.

Các chỉ tiêu củ thể của đề án thì đến năm 2025 là mỗi huyện, thành phố phải xây dựng được ít nhất 1 cửa hàng nông sản an toàn được giới thiệu, quảng bá trên Website gắn với các hoạt động kinh doanh, dịch vụ. Kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn, hữu cơ, OCOP của địa phương giao cho Hội Nông dân thực hiện. Bên cạnh đó, 80 sản phẩm an toàn, hữu cơ, OCOP của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chi, tổ hội nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh được tư vấn; hướng dẫn, hỗ trợ sử dụng tem truy suất nguồn gốc và được tuyên truyền đăng tải thông tin trên trang Website của Hội Nông dân tỉnh…

Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình: Được trao “thanh bảo kiếm” tăng cường, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh - Ảnh 5.

Ông Bùi Đức Biên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình (người thứ 2 từ trái sang) và các cán bộ hội viên đi kiểm tra và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho hội viên tại huyện Lạc Thuỷ. Ảnh: Hà Hoàng.

Để tổ chức thực hiện đề án tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, Tỉnh uỷ Hoà Bình đã phân công Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh lãnh đạo nghiên cứu, bổ sung xây dựng Nghị quyết về chính sách hỗ trợ lãi xuất vốn vay cho nông dân; các Hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp để đầu tư phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp hữu cơ, phát triển sản phẩm OCOP. Chế biến nông sản, kinh doanh, dịch vụ tiêu thụ nông sản và bổ sung các cơ chế, chính sách có liên quan, tạo cơ sở pháp lý cho việc nâng cao hiệu quả thực hiện Đề án; chỉ đạo giám sát việc thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh.

Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Hoà Bình căn cứ nội dung của Đề án, thể chế hóa bằng các cơ chế, chính sách để tổ chức thực hiện. Lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành liên quan và các huyện, thành phố tạo điều kiện để Hội Nông dân các cấp trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Xem xét bổ sung Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đảm bảo theo kế hoạch, tạo cơ chế hỗ trợ để Hội Nông dân xây dựng các mô hình phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Các huyện ủy, thành ủy xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện Đề án đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; định kỳ sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm việc thực hiện Đề án theo quy định. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội căn cứ nội dung đề án và chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình xây dựng kế hoạch. Phối hợp với Hội Nông dân cacs cấp trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các nội dung, mục tiêu của Đề án; tham gia giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng trong việc phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đảng đoàn Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình chủ trì, phối hợp với các cơ quan tham mưu giúp việc Tỉnh ủy và các cơ quan liên quan tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Đề án. Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm; khen thưởng, biểu dương các tổ chức, cá nhân, hằng năm tổng hợp, đánh giá kết quả, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo quy định.

Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình: Được trao “thanh bảo kiếm” tăng cường, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh - Ảnh 7.

Những năm qua, nhiều mô hình nuôi cá lồng của các hội viện nông dân trên lòng hồ Sông Đà đã mang lại thu nhập cao, giúp hội viên thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Ảnh: Hà Hoàng.

Theo ông Lê Văn Thạch, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình, việc triển khai đề án này nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân xây dựng, củng cố tổ chức Hội các cấp vững mạnh. Thúc đẩy hội viên phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới. Qua đó ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để Hội Nông dân thực hiện vai trò trung tâm, nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới, là thành viên tích cực của các chương trình phát triển kinh tế, xã hội nông thôn.

Đặc biệt là, tham gia thực hiện các chính sách của tỉnh về tiêu thụ nông sản hàng hóa, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Ưu tiên bố trí nguồn lực phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân, chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hướng tới phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao để tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Ban hành chính sách hỗ trợ lãi xuất vốn vay cho nông dân, các hợp tác xã, chi Hội Nông dân nghề nghiệp, doanh nghiệp nông nghiệp để đầu tư phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, phát triển sản phẩm OCOP, chế biến nông sản, kinh doanh và dịch vụ tiêu thụ nông sản.

Hà Hoàng