Hội Nông dân trao cần câu cho nông dân
Những năm qua, Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình luôn xác định cho nông dân "cần câu" chứ không cho con cá, các cấp Hội đã hỗ trợ bà con tiếp cận khoa học kỹ thuật, cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh. Việc xây dựng và ký kết chương trình phối hợp với các sở, ngành chuyên môn, Liên minh HTX để tạo nguồn lực và thống nhất chương trình hành động xây dựng kinh tế hợp tác ở nông thôn được đẩy mạnh hơn. Từ đó, Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình đã xây dựng được 322 mô hình kinh tế tập thể (249 tổ hợp tác và 73 HTX). Từ các nguồn vốn vay đã tạo điều kiện thuận lợi cho hàng chục nghìn hội viên trong tỉnh đầu tư vào phát triển sản xuất trên các lĩnh vực như: Trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản... góp phần giảm nghèo, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, XDNTM.
Theo ông Lê Văn Thạch, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình cho biết, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh ủy, UBND tỉnh Hoà Bình, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh đã tập trung thực hiện những chính sách, chương trình nhằm xây dựng người nông dân thời đại mới và đổi mới tư duy nông nghiệp, có kỹ năng sản xuất – kinh doanh theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao năng suất. Đồng thời, Hội cũng nâng cao chất lượng và giá trị sản xuất nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, xây dựng NTM bền vững.
Trọng tâm nhất là kết luận số 61-KL/TW, ngày 3/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương về Đề án "nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân tỉnh trong phát triển nông nghiệp, XDNTM và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020" (Đề án 61). Thực hiện Đề án, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hoà Bình đã ban hành Chỉ thị số 28-CT/TU, ngày 21/4/2014; các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã bám sát nội dung, chương trình hoạt động, tích cực tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy. Phối hợp với chính quyền các cấp, các tổ chức, cá nhân và hội viên nông dân phát huy hiệu quả vai trò trung tâm, nòng cốt; thực hiện tích cực vai trò chủ thể, góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng tổ chức Hội không ngừng lớn mạnh, phát động và đẩy mạnh 3 phong trào lớn của Hội.
Nổi bật và xuyên suốt trong 3 phong trào lớn là phong trào nông dân thi đua sản xuất – kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Hơn 10 năm qua, bình quân hàng năm có 72.000 hộ nông dân đăng ký sản xuất – kinh doanh giỏi các cấp, chiếm khoảng hơn 50% so với hộ nông nghiệp; số hộ đạt danh hiệu SX-KD giỏi các cấp trên 36.000 hộ. Cùng với đó, nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân sau khi được thành lập đã phát huy hiệu quả. Hiện, toàn tỉnh đang quản lý và khai thác tốt trên 37,284 tỷ đồng, có trên 500 mô hình đã được xét duyệt và hơn 6.500 lượt hộ nông dân đã được vay vốn. Dư nợ nhận ủy thác với 3 ngân hàng như: Ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngân hàng Liên Việt của các cấp Hội Nông dânkhông ngừng tăng cả về số lượng, chất lượng các chương trình, dịch vụ tín dụng và ưu đãi. Từ đó, qua các năm xuất hiện ngày càng nhiều điển hình SX-KD giỏi, đời sống của hội viên ngày càng được nâng cao.
Ông Đỗ Văn Chiến, xã Thịnh Minh (TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) đã tạo được vườn trồng bưởi, mít, cà gai leo, xây dựng xưởng chế biến cà gai leo, làm miền dong mang lại công ăn việc làm cho gần như cả xóm. Ông Chiến chia sẻ: Nhờ có sự hướng dẫn, hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh và huyện, tôi đã được tham gia nhiều lớp tập huấn nâng cao kiến thức trồng trọt. Từ đó tôi đã áp dụng trồng bưởi, mít, cà gai leo, miến dong nâng cao nguồn thu nhập cho gia đình. Nhờ bước ngoặt đó cuộc sống của tôi ngày càng khá giả, mối năm sau khi trừ chi phí tôi lãi hơn 1,4 tỷ đồng.
Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững
Thông qua các chương trình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, hiện nay trên địa bàn tỉnh Hoà Bình đã có 447 hộ nông dân mua các loại máy nông nghiệp phục vụ sản xuất, được hỗ trợ lãi suất trên 2,7 tỷ đồng. Phong trào nông dân thi đua sản xuất – kinh doanh giỏi được triển khai hiệu quả tại các địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Trao đổi với PV, ông Lê Văn Thạch, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình nhận định: Hơn 10 năm qua, toàn tỉnh đã thực hiện dồn điền, đổi thửa trên 4.700 ha. Từ đó hình thành những cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất chuyên canh, ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học kỹ thuật tạo nên những nông sản hàng hoá đặc trưng, chất lượng. Đến nay, tỉnh đã hình thành 100 chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản an toàn; giá trị thu được trên 1ha đất sản xuất bình quân đạt trên 140 triệu đồng/ha. Nổi bật nhất, sau cam Cao Phong thì chuối Viba là thương hiệu nông sản thứ 2 của tỉnh được phục vụ trong các chuyến bay của hãng hàng không Vietnam Airline. Theo thống kê, có đến gần 100 hộ hội viên nông dân thu nhập từ 500 triệu đến trên 1 tỷ đồng; số hộ thu nhập từ 100 - 500 triệu đồng lên đến hàng chục nghìn hộ nông dân. Cuộc sống của hội viên nông dân ngày càng đổi thay và sung túc.
Với việc đưa ra chính sách, mục tiêu cụ thể và triển khai đồng bộ từ Hội Nông dân tỉnh đến cơ sở; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với các cấp Hội đã mang lại nhiều thành quả tích cực. Qua đó khẳng định vị thế của tổ chức Hội, vai trò chủ thể, trung tâm, nòng cốt trong các phong trào nông dân và công cuộc XDNTM, thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển nhanh, bền vững tại địa phương. Đồng thời, tạo điều kiện cho các hội viên nông dân nâng cao nguồn thu nhập và làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương của mình.