Hội Nông dân Bắc Giang đẩy mạnh hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất
28/04/2025 09:03 GMT +7
Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã và đang tích cực triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân quảng bá sản phẩm OCOP, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiếp cận vốn vay ưu đãi và đào tạo nghề. Những nỗ lực này góp phần nâng cao năng lực sản xuất, tăng thu nhập cho hội viên, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững.
- Khơi nguồn sức mạnh từ phong trào nông thôn mới và sản xuất nông nghiệp ở Bắc Giang
- Sáp nhập Bắc Ninh với Bắc Giang, nơi có một Á hậu quốc tế là "con nhà nông", từng đăng quang Hoa khôi
- Một loại quả đặc sản giá trị trên 5.000 tỷ của Bắc Giang chuẩn bị vào vụ thu hoạch, sản lượng 165.000 tấn, chất lượng cao nhất từ trước tới nay
Mở rộng tiêu thụ sản phẩm OCOP
Năm 2024, Hội Nông dân các cấp tỉnh Bắc Giang đã tích cực đưa các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tham gia 5 hội chợ, triển lãm lớn với 9 gian hàng, giới thiệu trên 230 lượt sản phẩm OCOP. Nhờ đó, nhiều sản phẩm đã tiếp cận thị trường rộng hơn, tăng sản lượng tiêu thụ và được người tiêu dùng đánh giá cao.
Song song với đó, Hội đã xây dựng 22 mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, hỗ trợ 1.715 hộ nông dân đăng ký tài khoản trên sàn thương mại điện tử (đạt 107,2% kế hoạch). Đây là hướng đi đúng đắn trong bối cảnh chuyển đổi số, giúp nông dân tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng và nâng cao giá trị sản phẩm.

Năm 2022, HTX Dịch vụ tổng hợp Quyết Thắng, xã Xương Lâm (Lạng Giang) được HND xã hướng dẫn, hỗ trợ thành lập. Năm 2023, HTX có sản phẩm thịt chưng mắm tép đạt OCOP 3 sao. Ban đầu, đơn vị sản xuất quy mô nhỏ. Sau khi sản phẩm có thương hiệu, HTX mở rộng quy mô sản xuất và đầu tư nồi nấu tự đảo để tiết kiệm thời gian, chi phí.

Bà Dương Thị Lệ, Giám đốc HTX cho biết: “Nhờ duy trì tốt chuỗi liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ nên chúng tôi bảo đảm được số lượng lớn sản phẩm cung cấp cho thị trường. Hiện bình quân mỗi ngày, HTX tiêu thụ từ 100-150 hộp thịt chưng mắm tép (loại 500gr/hộp), giá bán 150.000 đồng/hộp, nhiều hơn thời điểm chưa được công nhận OCOP từ 70-100 hộp/ngày, có thời điểm sản xuất không kịp các đơn hàng. Chúng tôi đang thực hiện kế hoạch xây dựng, mở rộng xưởng, đầu tư thêm máy móc, công nghệ mới. Vì thế, HTX mong muốn được HND hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại”.
Tăng cường chuyển giao kỹ thuật, khoa học công nghệ
Song song với việc hỗ trợ hội viên, nông dân quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, HND Bắc Giang đặc biệt chú trọng đến công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Năm 2024, các cấp Hội đã tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho 168.646 lượt người. Trong đó có 9 lớp đào tạo kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường cho gần 1.000 nông dân tại 6 huyện.
Một số mô hình tiên tiến như trồng mới 17 ha Ba kích tím tại huyện Sơn Động, hay ứng dụng công nghệ IOT (Internet of things) trong chăn nuôi và thủy sản tại Yên Thế, Yên Dũng đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Đây là minh chứng cho sự đổi mới trong tư duy sản xuất, hướng tới nông nghiệp công nghệ cao, bền vững.

Đặc biệt, chương trình “Bác sĩ nông học” do Hội phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp tổ chức tại Lục Nam và Lục Ngạn đã thu hút 400 đại biểu, cung cấp kiến thức thực tế, kịp thời hỗ trợ nông dân xử lý vấn đề kỹ thuật trong sản xuất.
Việc nâng cao tay nghề cho lao động nông thôn được Hội quan tâm triển khai bài bản. Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh đã tổ chức 11 lớp đào tạo nghề cho 342 người; các cấp Hội phối hợp mở 45 lớp đào tạo nghề cho 1.366 lao động và bồi dưỡng nghề cho 2.045 người. Nội dung đào tạo bám sát nhu cầu thị trường, tập trung vào trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ nông nghiệp.
Ông Lã Văn Đoàn – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang khẳng định: "Chúng tôi đặc biệt chú trọng công tác đào tạo nghề gắn với chuyển giao công nghệ và tiêu thụ sản phẩm. Đó là ba mũi nhọn để nâng cao năng lực sản xuất và cải thiện thu nhập cho hội viên nông dân".