"Đông ấm" và tâm nguyện nối dài yêu thương tới vùng khó khăn ở Tây Bắc
26/04/2025 18:27 GMT +7
Chương trình "Đông ấm" 2024 do Văn phòng Đại diện Tây Bắc (báo Nông thôn Ngày nay) kết nối với chị Xà Thụy Hà Vy và nhóm bạn - những tấm lòng nhân ái đến từ Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội triển khai là hành trình sẻ chia đầy ý nghĩa, mang hơi ấm và tình thương đến với bà con khó khăn ở 2 tỉnh biên giới Sơn La, Lai Châu.
- Cô học trò người Dao đứng trước nguy cơ dang dở giấc mơ đến trường
- Hỗ trợ khẩn cấp viện phí cho cậu bé 14 tuổi bị K máu tại Hòa Bình
- Nông dân Thanh Hóa phấn khởi được tầm soát ung thư gan sớm, miễn phí
"Đông ấm" và câu chuyện vượt khó bằng tình người
Cứ mỗi độ Đông về, khi những cơn gió mùa tràn tới mang theo cái lạnh cắt da, thấu thịt thì những người gắn bó với vùng cao Tây Bắc như chúng tôi lại không khỏi day dứt khi chứng kiến bà con và các em nhỏ nơi đây còn đầu để trần, chân thiếu dép, áo không đủ ấm.
Từ trăn trở ấy, chúng tôi đã kết nối với chị Xà Thụy Hà Vy và nhóm bạn - những tấm lòng nhân ái đến từ Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và chương trình “Đông ấm” ra đời. Từ chương trình "Đông ấm", chị Xà Thụy Hà Vy và nhóm bạn đã thắp lên ngọn lửa yêu thương, mang hơi ấm và hy vọng đến với nhiều hoàn cảnh khó khăn nơi vùng cao Tây Bắc.

Hành trình "Đông ấm" đến với bà con vùng cao Tây Bắc bắt đầu từ bản Co Lắc (xã Chiềng Tương, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La). Tiếp đến, là các điểm trường ở xã Pa Tần (huyện Sìn Hồ), xã Pú Đao, huyện Nậm Nhùn hay xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.
Điểm nổi bật và mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của chương trình "Đông ấm" 2024 chính là sự chu đáo và thấu hiểu trong từng món quà được trao đi. Từ Bình Dương, Sài Gòn, Hà Nội, những chuyến xe nghĩa tình đã mang theo một "mùa Đông đủ đầy" với rất nhiều áo quần các loại, giày dép, ủng, dụng cụ học tập, đồ chơi và cả những món quà "đặc biệt" dành riêng cho các bé gái tuổi mới lớn.
Mỗi món quà nhỏ đều chứa đựng một ý nghĩa lớn. Một chiếc áo ấm không chỉ là vật che chắn thân thể mà còn là sự sẻ chia gánh nặng với gia đình, giúp các em tự tin đến trường. Đôi giày, đôi ủng là động lực để những bước chân nhỏ bé vững vàng hơn trên những con đường dốc lầy lội. Dụng cụ học tập là niềm hy vọng về tương lai. Đồ chơi để các em nhỏ được vui chơi, để tuổi thơ các em thêm trọn vẹn...

Chị Xà Thụy Hà Vy chia sẻ về tâm nguyện của mình: Chúng tôi thường xuyên theo dõi thông tin, đặc biệt là những bài báo, phóng sự về cuộc sống của bà con vùng cao Tây Bắc. Nhìn thấy hình ảnh các cháu nhỏ, các cụ già co ro trong giá rét, thiếu thốn đủ bề, chúng tôi không cầm lòng được. Chỉ một chút sẻ chia của mình thôi cũng có thể mang đến hơi ấm, niềm vui cho các cháu và bà con trong mùa Đông khắc nghiệt.
Chị Hà Vy bày tỏ thêm: "Chúng tôi không chỉ muốn tặng quần áo ấm, mà còn muốn mang theo cả những vật dụng thiết yếu khác... Mỗi món quà đều được chúng tôi lựa chọn bằng cả tấm lòng, gửi gắm yêu thương với mong muốn bà con và các cháu cảm thấy được sẻ chia, được yêu thương từ những người xa lạ ở miền Nam".
Những lời chia sẻ này thể hiện rõ triết lý "Hạnh phúc thực sự nằm ở sự sẻ chia" mà chị Xà Thụy Hà Vy luôn tâm niệm. Đối với chị và những người bạn, việc cho đi không phải là nghĩa vụ, mà là niềm vui, là cơ hội để kết nối những trái tim, xóa nhòa khoảng cách địa lý và hoàn cảnh sống. Sự sẻ chia này đã tạo nên những khoảnh khắc xúc động, mang giá trị tinh thần to lớn, củng cố niềm tin vào tình người và sự quan tâm của cộng đồng.
Chia sẻ niềm vui của các thầy giáo, cô giáo và học trò Trường TH&THCS Pú Đao (xã Pú Đao, huyện Nậm Nhùn, Lai Châu), cô Đỗ Thị Hồng - Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ: Khi những chuyến xe nghĩa tình của chương trình "Đông ấm" 2024 đến với nhà trường, mang theo rất nhiều quần áo ấm, giày dép, ủng, dụng cụ học tập, đồ chơi và cả những món quà rất tinh tế dành cho các em gái đang vào tuổi dậy thì, chúng tôi thật sự xúc động và vô cùng biết ơn. Những món quà này không chỉ có giá trị vật chất, giúp các em có thêm áo ấm để chống chọi với cái rét khắc nghiệt của vùng cao, có giày dép để vững bước trên con đường đến trường, có dụng cụ học tập để tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ con chữ... Quan trọng hơn, những món quà này mang theo hơi ấm của tình người từ miền Nam và Hà Nội xa xôi. Đó chính là biểu tượng của sự quan tâm, sẻ chia từ cộng đồng.

Nhìn thấy ánh mắt rạng rỡ, nụ cười tươi tắn của các em học sinh khi được nhận những chiếc áo ấm, khi được tự tay lựa chọn những món đồ cho bản thân và gia đình, chúng tôi cảm nhận sâu sắc ý nghĩa nhân văn mà chương trình "Đông ấm" và các nhà hảo tâm đã mang lại. Những món quà này không chỉ sưởi ấm cơ thể mà còn sưởi ấm tâm hồn, tiếp thêm động lực để các em cố gắng vươn lên trong học tập, vượt qua hoàn cảnh khó khăn.
Ánh sáng, nước sạch và mùa Đông ấm hơn
Thành công và ý nghĩa nhân văn của chương trình “Đông ấm” 2024 không chỉ dừng lại ở đó. Chứng kiến những nụ cười, ánh mắt hạnh phúc của trẻ thơ và bà con vùng cao, chị Xà Thụy Hà Vy và nhóm bạn của chị càng thêm động lực để tiếp tục hành trình thiện nguyện trong năm 2025. Những tấm lòng nhân ái từ miền Nam và Hà Nội vẫn hướng về Tây Bắc, không chỉ với mong muốn tiếp tục mang hơi ấm mà còn hướng đến giải quyết những nhu cầu thiết yếu, căn bản hơn nữa của bà con vùng khó khăn.
Chị Xà Thụy Hà Vy bộc bạch: "Tôi rất hạnh phúc khi biết những món quà của mình và các bạn đã thực sự mang lại hơi ấm và niềm vui cho bà con vùng cao. Nhìn những bức ảnh các anh gửi về, thấy các cháu cười tươi, tôi như thấy mình đang ở đó cùng các cháu vậy. Tình cảm, sự tri ân của bà con và thầy cô là món quà vô giá đối với chúng tôi".

Năm 2025, chị Xà Thụy Hà Vy và nhóm bạn mong muốn đồng hành với người nghèo, học sinh vùng khó tại các điểm trường ở Tây Bắc thông qua các chương trình mới đầy ý nghĩa - “Mùa thu” 2025. Dự kiến chương trình sẽ triển khai các dự án thiết thực như “Giếng khoan” và “Điện thắp sáng”.
Chương trình “Giếng khoan” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đảm bảo nguồn nước sạch, đủ dùng cho sinh hoạt của nhà trường, góp phần cải thiện vệ sinh, sức khỏe và điều kiện sống cho cả thầy và trò. Cùng với đó, chương trình “Điện thắp sáng” cho các điểm trường vùng cao sẽ mang ánh sáng đến với nơi thiếu thốn, tạo điều kiện học tập tốt hơn cho các em vào buổi tối, đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn cho học sinh và nhà trường.
Nhiều điểm trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn ở Lai Châu nói riêng và Tây Bắc nói chung đang phải sử dụng nước mó tự nhiên từ khe núi, nhưng vào mùa hanh khô (tháng 1 đến tháng 5), nguồn nước này không đủ dùng cho hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.

Không dừng lại ở đó, chương trình “Đông ấm” 2025 cũng đang được ấp ủ. Chị Xà Thụy Hà Vy và những người bạn mong muốn tiếp tục mang đến nhiều phần quà ý nghĩa như quần áo ấm, chăn ấm – những vật dụng thiết yếu giúp bà con và các em nhỏ chống chọi với cái rét khắc nghiệt của mùa Đông Tây Bắc. Bên cạnh đó là những thiết bị dạy học, đồ chơi cho trẻ em...
Bạn đọc Báo Dân Việt đồng hành giúp cụ ông 76 tuổi nuôi hai cháu mồ côi ăn học
Gần một tháng từ khi Báo Dân Việt kết nối hỗ trợ, gia đình ông Toán đã nhận được hơn 10 triệu đồng từ các nhà hảo tâm. Trong căn nhà cũ, người ông nghèo khổ nuôi cháu côi cút được tiếp thêm hy vọng khi con đường học tập của hai cháu gái được rộng mở.
"Tôi cùng quẫn lắm rồi, nếu mình mất đi để con được sống thì tốt quá"
Bà Mơ sinh được 7 người con thì 3 cô con gái cùng với bà bị ung thư buồng trứng. "Nhà cửa, đất đai, mẹ tôi đã bán hết để chữa bệnh cho chồng con", chị Mai Thị Mừng vừa điều trị bệnh, vừa chăm sóc mẹ trong bệnh viện bộc bạch.