Phát huy vai trò của người có uy tín
Qua lời giới thiệu, đến với xóm Vìn Bái, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, chúng tôi được gặp ông Bùi Hồng Thanh (70 tuổi). Ông Thanh là người có thâm niên làm người uy tín được 15 năm.
Qua câu chuyện với ông Thanh được biết, người dân sinh sống trên địa bàn xã Phú Cường chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường và Thái, còn nhiều hủ tục lạc hậu. Những hủ tục đấy đã ăn sâu, bám chặt trong nhận thức, tiềm thức của người dân gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế, tinh thần của bà con.
Năm 2008, ông Thanh được bà con trong xóm tin tưởng bầu làm người có uy tín. Từ đấy đến nay, ông luôn cố gắng trong việc tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, thuyết phục đồng bào chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Ông Thanh thường xuyên kết hợp cùng chính quyền đến từng nhà, hộ dân trong xóm để tuyền truyền về luật hôn nhân. Nhờ đó, nhiều vụ kết hôn khi chưa đủ tuổi đã được ngăn chặn kịp thời, nhận thức của người dân đã có sự thay đổi rõ rệt.
Bên cạnh đó, ông cũng thường nhắc nhở người dân trong xóm về chấp hành luật an toàn giao thông, không tham gia các tệ nạn cờ bạc, rượu chè mà tập trung phát triển kinh tế gia đình để cải thiện cuộc sống, vươn lên xóa đói giảm nghèo.
Ngoài việc là người có tiếng nói tại địa phương, ông Thanh còn là một thầy mo của xóm Vìn Bái. Ông thường có mặt tại các tang lễ để nhắc người dân về việc tránh để người chết trong nhà quá 48 tiếng, phải làm đám tang và tiến hành chôn cất ngay để đảm bảo an toàn.
Ông Bùi Đức Phương, Chủ tịch UBND xã Phú Cường, huyện Tân Lạc cho biết, theo quyết định phê duyệt danh sách người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2023 – 2027, xã Phú Cường có 11 người có uy tín. Ông Bùi Hồng Thanh là một người có uy tín rất nhiệt tình ở xã, luôn tích cực trong việc tuyên truyền pháp luật để người dân biết và thực hành theo. Do có nhiều đóng góp, năm 2020, ông Thanh được UBND xã Phú Cường tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước.
Người có uy tín - "cầu nối" trong đồng bào dân tộc thiểu số
Nói về người có uy tín ở địa phương, bà Bùi Thị Hảo (dân tộc Mường, xóm Vìn Bái, xã Phú Cường) bộc bạch: “Những người có uy tín như ông Thanh đang thực sự trở thành cầu nối giữa chính quyền và người dân, giúp người dân chúng tôi nâng cao hiểu biết về các chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ bỏ các hủ tục lạc hậu, các tệ nạn xã hội. Giờ đây, bà con đã chấp hành hành tốt pháp luật, không vướng vào các tệ nạn xã hội, vươn lên phát triển kinh tế".
Ông Bùi Tiến Lực, Trưởng phòng Dân tộc huyện Tân Lạc nhấn mạnh, bằng uy tín và sự ảnh hưởng của mình, những năm qua, người có uy tín trên địa bàn huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình luôn gương mẫu đi đầu thực hiện, tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, thuyết phục đồng bào chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Bên cạnh đó, người có uy tín trên địa bàn huyện tham gia giải quyết các vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân, không để các phần tử xấu tuyên truyền, kích động, gây mất an ninh trật tự, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Tham gia có hiệu quả vào việc cảm hóa, giáo dục đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, góp phần quan trọng xây dựng và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự.
Họ không chỉ là người đứng đầu một bộ phận dân cư, cánh tay nối dài của chính quyền, mà còn là "cầu nối" quan trọng để các cấp chính quyền phổ biến thông tin đến với người dân.