dd/mm/yyyy

Hòa Bình: Nhà nông Tân Lạc thất thu bưởi đỏ

Theo chia sẻ của nhiều hộ dân trồng bưởi đỏ ở huyện Tân Lạc (Hòa Bình), thời điểm đầu vụ, khi cây ra hoa, kết trái gặp phải thời tiết nắng mưa thất thường, cộng với sương muối khiến hoa rụng nhiều, ít đậu quả…

Mùa bưởi đỏ buồn ở Tân Lạc

Nhìn những trái bưởi còi cọc, nám đen, xấu mã trong vườn, chị Nguyễn Thị Nga (ở khu Thanh Định, thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc) không khỏi buồn bã. 

Chị bảo: "Năm nay, khi cây ra hoa, kết trái, gặp phải thời tiết nắng mưa thất thường, cộng với sương muối khiến tỷ lệ hoa rụng nhiều, ít đậu được quả".

Chồng chị Nga làm nghề xây dựng, nay đây mai đó. Nhưng từ đầu năm nay do dịch Covid-19 nên chồng chị cũng không có việc, nguồn thu nhập chính trong gia đình gần như đã mất. Ở quê nhà Tân Lạc, chị Nga nuôi trâu vỗ béo và trồng 70 gốc bưởi đỏ.

Nếu như mọi năm, với 70 gốc bưởi, chị Nga thu được 7.000 - 8.000 quả, bán giá 12.000 - 13.000 đồng/quả, chị cũng thu được gần 100 triệu đồng. Nhưng năm nay nhìn đỏ mắt mới thấy trái, "vét" cả vườn chỉ được gần 1.000 quả. Trong khi quả lại bé, xấu mã nên thương lái chỉ trả vo cả vườn 6.000 đồng/quả.

Từ đầu năm, chị Nga phun thuốc bảo vệ thực vật 2 lần, rồi chi phí phân bón, tính cũng hết hơn chục triệu đồng. Dẫn phóng viên đi quanh vườn, chị nói: "Nếu như mọi năm, mỗi cây cho hơn 80 quả, quả nào cũng to, tròn đều, thì năm nay trái còi cọc, bình quân mỗi cây chỉ cho hơn chục quả. Tính ra thất thu mà còn làm không công gần cả năm trời".

Mùa bưởi đỏ buồn ở xứ Mường  - Ảnh 1.

Chị Nguyễn Thị Nga (khu Thanh Định, thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc) buồn bã vì cây bưởi ít quả và quả bé, xấu mã. Ảnh: Minh Ngọc

UBND huyện Tân Lạc đã xây dựng kịch bản hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm chủ lực, bao gồm cây có múi. Đối với bưởi: Thời gian thu hoạch từ tháng 11/2021 - 1/2022, sản lượng khoảng 15.000 tấn. Tiêu thụ thông qua thương lái chiếm 55%, tiêu thụ qua kênh bán lẻ, bán online 35%, bán tại chỗ cho khách vãng lai 5%, bán vào siêu thị 5%.

Đối mặt với mùa bưởi kém vui, trò chuyện với tôi, ông Trần Hồng Năng - Giám đốc HTX trồng bưởi hữu cơ và dịch vụ nông nghiệp Tân Đông, xã Đông Lai cho biết, vụ bưởi năm nay sản lượng của HTX giảm tới 50% (250 tấn). 

"Sản lượng bưởi của HTX vụ này giảm mạnh, lúc sắp được thu thì thời tiết lại mưa kéo dài, độ ẩm cao làm nhiều cây bưởi của các hộ thành viên xuất hiện bệnh thán thư, ruồi vàng đốt quả... ảnh hưởng rất nhiều đến năng suất, mẫu mã" - ông Năng giọng chùng lại.

Được biết, sản phẩm bưởi hữu cơ của HTX trồng bưởi hữu cơ và dịch vụ nông nghiệp Tân Đông được trồng theo phương pháp canh tác hữu cơ tự nhiên nên sản phẩm hoàn toàn sạch. Nếu như mọi năm, thời tiết thuận lợi, bưởi cho trĩu quả, trái bưởi căng mọng, thì năm nay thất thu phân nửa.

Để có những vườn bưởi sai trĩu quả, đạt tiêu chuẩn, tất cả 25 thành viên HTX phải tham gia lớp đào tạo sản xuất nông nghiệp hữu cơ. 

Canh tác theo hướng hữu cơ đòi hỏi kỹ thuật cao, thực hiện nghiêm chỉnh quy định vệ sinh an toàn thực phẩm. Các thành viên HTX tuyệt đối không sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật. 

Thay vào đó sử dụng phân chuồng ủ hoai mục trộn với chế phẩm sinh học EM, sử dụng đậu tương ngâm với cá tươi và ốc trong thời gian khoảng 2-3 tháng để bón cho cây. Ngoài ra, HTX ưu tiên sử dụng các loại thảo mộc thiên nhiên như gừng, ớt, tỏi, rượu ngâm để phòng trừ các loại sâu bệnh.

Ông Năng cho biết, niên vụ 2021 HTX có 20ha bưởi, giá bán trung bình chỉ đạt 20.000 đồng/quả (năm 2020 bán giá 23.000 đồng/quả).

50% diện tích không đạt năng suất

Ông Trần Hùng (ở xóm Tân Hương 1, xã Thanh Hối) - người đầu tiên đem giống bưởi đỏ về Tân Lạc, cho hay, thời điểm bưởi ra hoa thì mưa nhiều cộng sâu bệnh đã ảnh hưởng đến quá trình ra trái. Hiện, mỗi vườn có một giá bán khác nhau, tùy chất lượng quả.

"Vườn bưởi của tôi sai quả nhất miền Bắc này. Cách đây mấy năm có 1 cây bưởi đỏ đạt kỷ lục 800 quả, tiền bán quả lên tới 20 triệu đồng" - ông Hùng kể. 

Ngoài cung cấp bưởi ra thị trường, ông Hùng còn bán cây giống. Ai đến mua cây giống cũng được ông hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc tỉ mỉ. 

Theo ông Hùng, bưởi đỏ tuy không kén đất, nhưng nó lại phải được chăm sóc đúng lúc, nghĩa là khi nào bón phân, khi nào tưới nước, lúc nào dừng bón… phải tuân thủ nghiêm ngặt.

Ông Hùng cho biết, khi trồng cây phải để lá cây chếch theo hướng đông - tây để cây có thể đón nhận được ánh sáng tốt nhất. 

Trước khi trồng, ngoài việc trộn phân chuồng, vôi bột với đất, cần phải bỏ thêm khoảng 2 xẻng cát dưới gốc. Việc này vừa làm mát gốc vừa chống mối xông vào thân cây. Đây là những kinh nghiệm xương máu sau mấy chục năm ông mới đúc rút được.

"Đối với những vườn chủ động phun phòng bảo vệ được đợt ra hoa kết quả đầu năm vẫn giữ được sản lượng, chất lượng quả" - ông Hùng nói.

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Mạnh Thắng - Trưởng phòng NNPTNT huyện Tân Lạc cho biết, diện tích cây có múi trên địa bàn huyện hơn 1.500ha, trong đó có khoảng 1.200ha bưởi, tập trung nhiều nhất ở các xã Thanh Hối, Tử Nê, Đông Lai, thị trấn Mãn Đức. 

Trong niên vụ 2021-2022, sản lượng bưởi dự kiến đạt khoảng 15.000 tấn, số diện tích không đạt năng suất chiếm khoảng 50%.

 Theo ông Thắng, nguyên nhân chủ yếu khiến sản lượng bưởi giảm là do sự thay đổi thất thường của thời tiết, thời điểm đầu vụ mưa kéo dài, mưa axit... khiến tỷ lệ hoa đậu quả thấp, thậm chí có cây khi đã đậu được quả thì quả vẫn bị rụng. 


Minh Ngọc