Khoai tây vụ đông được mùa, được giá, nông dân Mường Kim phấn khởi
Có mặt tại bản Nà Dân, xã Mường Kim (Than Uyên, Lai Châu) vào đầu tháng 1, chúng tôi cảm nhận được không khí hăng say, tất bật khi đến vụ thu hoạch khoai tây của người dân nơi đây. Khắp các cánh đồng toàn là màu vàng óng ả của những củ khoai tây vừa được thu hoạch.
Cầm trên tay những củ khoai tây to tròn, vàng óng, ông Lò Văn Nhơi, bản Nà Dân, xã Mường Kim (Than Uyên, Lai Châu) không giấu nổi cảm xúc vui mừng của mình, ông Nhơi cho biết: Mọi năm, vào vụ đông, đất trồng lúa của gia đình tôi thường bỏ trống. Lúc đầu, xã đã tuyên truyền vận động bà con tham gia mô hình trồng khoai tây vụ đông, chúng tôi ai nấy đều không mảy may, mặn mà với mô hình. Sau khi triển khai, chúng tôi thấy hiệu quả kinh tế mô hình đem lại, gia đình tôi mạnh dạn tham gia và trồng 5.000 m2 khoai tây trên đất ruộng.
Thay vì làm thủ công như trước, trong quá trình triển khai thực hiện mô hình, chúng tôi sử dụng toàn bộ máy móc áp dụng từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc giúp giảm thời gian và công sức cho bà con.
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể xã đã tổ chức tuyên truyền, vận động bà con đăng ký tham gia hướng dẫn kỹ thuật xuống giống, bón phân, chăm sóc và thu hoạch. Đồng thời, xã cũng liên kết với các đơn vị bao tiêu đầu ra sản phẩm với giá ổn định và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc khoai tây cho chúng tôi nên bà con ai nấy yên tâm tham gia mô hình.
"Vụ đông năm nay, gia đình tôi thu hoạch được gần 10 tấn khoai tây. So với các năm trước, năm nay, khoai tây có năng suất cao hơn và bán được giá cao hơn. Trừ chi phí, gia đình tôi cũng lãi được hơn 30 triệu đồng. Tôi rất vui vì gia đình có thêm khoản thu nhập để sắm sửa cho ngày tết"- ông Nhơi phấn khởi nói.
Hiệu quả từ mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ khoai tây vụ đông ở Mường Kim
Được biết, mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ khoai tây vụ đông năm 2022 đã được xã Mường Kim triển khai trồng 30ha, với sự tham gia với hơn 40 hộ dân ở các bản: Nà Dân, Nà Đình, Chiềng Ban 1 và 2, bản Lướt, bản Mường 1, trong đó nhiều nhất ở xã Nà Dân và Chiềng Ban 1, 2 với diện tích hơn 20ha. Toàn bộ diện tích trồng khoai tây sử dụng giống Marabel. Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp Trường An (Quế Võ, Bắc Ninh) là đơn vị đứng ra bao tiêu sản phẩm. Thời gian thực hiện mô hình từ tháng 10/2022 đến tháng 1/2023.
Trao đổi với phóng viên, ông Lò Quyết Thắng - Chủ tịch UBND xã Mường Kim (Than Uyên, Lai Châu) chia sẻ: Mô hình trồng khoai tây vụ đông năm 2022 ở xã Mường Kim được triển khai theo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và áp dụng cơ giới hoá. Chi phí đầu tư hơn 53 triệu/ha bao gồm tiền giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công và máy móc. Năng suất trung bình mỗi ha khoai tây thu hoạch từ 20-25 tấn, với giá khoai tây bình quân 8 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người nông dân sẽ thu lãi trên 100 triệu đồng/ha.
Theo Chủ tịch UBND xã Mường Kim, mô hình bước đầu đã hình thành liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm rau củ quả trên địa bàn xã, làm cơ sở mở rộng sản xuất cho các năm, vụ tiếp theo, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và hệ số sử dụng đất trên một đơn vị diện tích, luân canh cây trồng, cải tạo đất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Bên cạnh đó, mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ khoai tây vụ đông đã thực hiện thành công việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, nâng cao nhận thức và trình độ sản xuất của người dân, thay đổi phương thức sản xuất cũ, manh mún, nhỏ lẻ hiệu quả thấp sang sản xuất hàng hoá tập trung có quy mô, chất lượng, hiệu quả cao và bền vững.
"Trong thời gian tới, xã Mường Kim sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất, tập trung khai thác triệt để quỹ đất có khả năng đưa vào sản xuất, mở rộng vùng sản xuất cây vụ đông tại những nơi có điều kiện thực hiện được và sẽ mở rộng lên 50ha"- ông Thắng cho hay.