Bón phân "chuẩn chỉnh", khoai tây vụ đông đạt năng suất ấn tượng

Thiên Ngân Thứ tư, ngày 22/11/2017 15:50 PM (GMT+7)
Năm ngoái, gia đình chị Nguyễn Thị Tài, khu 19 ở xã Tứ Xã (huyện Lâm Thao, Phú Thọ) tham gia mô hình trồng khoai tây sử dụng phân bón NPK Lâm Thao theo quy trình khép kín và thu được kết quả rất ấn tượng. Vì vậy vụ đông năm nay, chị Tài lại tiếp tục trồng khoai tây, đồng thời chọn sử dụng phân bón Lâm Thao theo quy trình khép kín cho toàn bộ diện tích trồng.
Bình luận 0

Bón phân hợp lý, năng suất khoai tây tăng gần 100kg/sào

Chị Tài kể, năm ngoái Trạm Khuyến nông huyện Lâm Thao đã phối hợp triển khai mô hình trồng khoai tây sử dụng phân bón NPK Lâm Thao theo quy trình khép kín trong vụ đông, với diện tích 2,5ha ở địa bàn xã Tứ Xã. Là 1 trong 5 hộ tham gia mô hình, gia đình chị đã trồng thử nghiệm khoai tây giống Hà Lan lõi vàng trên diện tích gần 1ha đất ruộng 2 vụ lúa.

img

Nông dân thu hoạch khoai tây vụ đông trồng theo mô hình. Ảnh: I.T

"Trồng khoai tây sử dụng phân bón NPK theo quy trình khép kín trong vụ đông không những đem lại giá trị thu nhập cao mà còn tận dụng được nguồn rơm rạ sau thu hoạch; làm cho đất tơi xốp, chống xói mòn rửa trôi, hạn chế sự phát triển của cỏ dại; đồng thời cung cấp lượng dinh dưỡng đáng kể cho đất, bảo vệ hệ sinh thái bền vững”.

Ông Hà Ngọc Giang -
Trạm trưởng Trạm Khuyến nông 
huyện Lâm Thao

Đây là vụ đầu tiên gia đình chị Tài sản xuất theo quy mô lớn từ quỹ đất nhận thầu của các hộ dân liền kề nên không khỏi lo lắng. Song nhờ được sự tư vấn, hướng dẫn cặn kẽ của cán bộ khuyến nông, đặc biệt là sử dụng phân bón NPK theo quy trình khép kín, bón đủ, đúng cách, đúng thời điểm nên sau gần 3 tháng trồng, ruộng khoai nhà chị phát triển tốt, cho nhiều củ hơn hẳn so với cách chăm sóc trước đây.

Chị Tài cho biết: “Trồng khoai tây theo quy trình khép kín cũng không có gì quá phức tạp, lại cho năng suất cao, thời vụ thu hoạch đúng vào dịp tết nên giá bán cao hơn so với các cây rau màu khác. Qua thực tế thu hoạch của gia đình tôi, trồng khoai theo mô hình cho năng suất cao hơn, đạt trên 500 kg/sào, cao hơn mô hình bón phân đơn theo cách trước đây gần 100 kg/sào; nhờ đó thu nhập cao hơn gần 900.000 đồng/sào. Vì vậy vụ đông năm nay, chúng tôi tin tưởng tiếp tục nhân rộng cách làm này”.

Theo Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ, khoai tây là cây trồng vụ đông ngắn ngày (85 – 90 ngày), nếu canh tác đúng kỹ thuật có thể cho năng suất trên 30 tấn củ/ha. Đây cũng là loại cây trồng ít tốn công chăm sóc, thích nghi với nhiều loại đất. Củ khoai tây chứa nhiều chất dinh dưỡng như protein, tinh bột, canxi, hydrat cacbon, chất béo, khoáng chất và các vitamin B1, B2, B3, B6… Củ khoai tây có thể chế biến thành nhiều món ăn có giá trị dinh dưỡng, dễ tiêu thụ trên thị trường nên được nhiều bà con lựa chọn canh tác.

Để hỗ trợ bà con nông dân chăm sóc khoai tây đúng kỹ thuật, Trạm Khuyến nông Lâm Thao đã tổ chức tập huấn cho nông dân tham gia mô hình về kỹ thuật trồng, quy trình bón phân bón NPK Lâm Thao khép kín, kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh.

Một số giải pháp kỹ thuật cần lưu ý khi trồng khoai tây

* Giống: Hiện nay có các giống Giống Diamant (Hà Lan); Giống Solara (Đức); Giống Marabel (Đức); Giống Rosagold (Hà Lan).

Giới thiệu giống Rosagold (Hà Lan): Thời gian sinh trưởng 85 – 90 ngày. Chịu nóng tốt, chịu rét khá, chịu vớng tốt, chịu mốc sương trung bình, chống chịu vi khuẩn héo xanh tốt. Năng trung bình 18 - 20 tấn/ha, năng suất cao vụ đông trên 25 tấn/ha, vụ xuân 19- 22 tấn/ha. Chất lượng ngon, thích hợp cho ăn tươi.

img

Nông dân huyện Lâm Thao (Phú Thọ) thu hoạch khoai tây vụ đông năm 2016-2017. Ảnh: I.T

* Thời vụ: Vụ đông: Trồng từ 20.10 -10.11.

Vụ xuân: Trồng từ 5.12 – 5.1.

* Chân đất: Cát pha, thịt nhẹ, không chua, chủ động tưới tiêu.

* Mật độ trồng:

Năng suất có quan hệ chặt chẽ với số thân chính. Muốn có tỷ lệ củ to nhiều cần có 13-20 thân chính/m2. Ví dụ: 1m2 cần 4 củ khoai giống x 4 mầm/ củ = 16 thân chính/m2. Như vậy một sào cần 5.000 - 6.000 thân chính, phải cần 1.400 – 1.500 hốc/sào.

* Xử lý củ giống trước khi trồng:

Nếu củ giống to (40g trở lên) thì cần bổ củ để tiết kiệm giống. Có 2 cách bổ:

- Bổ củ tách rời: Một củ có thể bổ thành 2 hoặc nhiều miếng đảm bảo miếng nào cũng có mầm. Khi bổ củ giống, cứ cắt được 1 số củ hoặc cắt phải củ bị bệnh phải nhúng lưỡi dao vào nước vôi trong hoặc nước xà phòng đặc để tránh lây lan nguồn bệnh. Sau đó chấm củ giống vào xi măng bột (có thể trồng ngay hoặc sau 1 - 2 ngày) hoặc chấm tro bếp đã hoai (bổ trước khi trồng 3 - 5 ngày).

- Bổ củ cắt dính: Cũng giống như bổ củ tách rời bổ dọc củ khoai, nhưng không tách rời 2 mảnh mà để dính với nhau. Nên bổ trước khi trồng 7-10 ngày. Phương pháp này không cần phải chấm xi măng hoặc tro bếp.

Khoai giống sau khi bổ phải để nơi thoáng mát, rải đều, phủ tải ẩm lên trên để giữ ẩm, khi mặt cắt se thì đem trồng.

Khi trồng củ giống đã bổ cần chú ý: Để miếng cắt nghiêng hoặc ngửa, không úp vết cắt xuống dưới. Khi trồng không bón lót phân đạm và kali tránh phân thấm vào vết cắt gây thối củ. Tốt nhất nên trồng riêng vào một luống. Khi tưới nước chú ý tưới vừa đủ ẩm, không tưới đẫm nước gây thối củ.

* Khoảng cách:

Luống đôi: Luống rộng 1,4m; mặt luống 90cm; hàng cách hàng: 35cm; cây cách cây: 25 - 30cm; chiều cao luống 20cm.

Luống đơn: luống rộng 70 -75cm; mặt luống: 35 - 40cm

Sau trồng lấp củ giống sâu 3 - 5cm. Nếu đất khô, thời tiết nóng lấp sâu; nếu đất ẩm, thời tiết mát lấp nông.

img

Quy trình bón phân được thực hiện theo công thức bón phân khép kín của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao.

* Bón phân/sào:

Quy trình bón phân được thực hiện theo công thức bón phân khép kín của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao. (Xem bảng trên)

Cách bón: Nếu đất khô, trời không mưa: Bón lót toàn bộ phân chuồng, phân vi sinh, lân, 30% đạm urê hoặc toàn bộ phân NPK chuyên lót + phân vi sinh.

-Bón thúc lần 1: Sau khi trồng 15 ngày, cây cao 15- 20 cm, bón 50% đạm + 50% kali hoặc 50% lượng phân NPK chuyên thúc.

- Bón thúc lần 2: Sau lần 1 từ 10 -15 ngày. Bón hết lượng phân còn lại

Chú ý: Nếu đất ướt không bón lót phân đạm nhưng ngay sau khi cây mọc 5 - 7 ngày phải tưới hoặc bón 30% lượng đạm, sau đó tiếp tục bón thúc 2 lần như trên.

* Tưới nước:

Tuỳ theo độ ẩm của đất và thời tiết để tưới, có 3 lần tưới quan trọng:

1. Tưới đủ ẩm khi trồng, cho cây mọc đều.

2. Tưới lúc trồng được 25 -30 ngày, để ra tia củ nhiều.

3. Tưới lúc trồng được 50 -55 ngày, để củ phình to.

Không được để ruộng quá ẩm. Dừng tưới sau trồng 60-65 ngày.

* Vun luống: Kết hợp sau mỗi lần bón phân, nhổ cỏ vun cao. Vun lần 1: Cùng với bón phân thúc lần 1. Vun lần 2: Cùng với bón phân thúc lần 2. Sau khi vun 2 lần, đạt cao 35- 40cm để khoai không lộ trên mặt đất.

* Phòng trừ sâu bệnh:

Cây khoai tây thường bị bệnh virus, héo xanh, mốc sương, lở cổ rễ. Các loại sâu hại như nhện đỏ, rệp, bọ trĩ. Cần chọn giống tốt, có chế độ luân canh hợp lý và phun phòng trừ sâu bệnh kịp thời.

Khi cây ngả màu vàng (thời gian trồng khoảng 85-90 ngày) thì tiến hành thu hoạch. Nên chọn những ngày tạnh ráo thu hoạch khoai để tránh thối củ.

Nếu để giống, cần phân loại khoai giống và khoai thương phẩm ngay trên ruộng, thu vào bao riêng để tránh hiện tượng khoai bị trầy xước. Nên chọn củ giống kích thước vừa phải, mã củ sáng đẹp, không bị bệnh, không trầy xước làm giống. Lưu ý: Để chọn khoai giống trước khi thu hoạch cần thu riêng các cây bị bệnh héo xanh, virus, mốc sương không để lẫn vào khoai giống.

Nếu ruộng có nước khi thu khoai cần bới (moi) khoai dính cả đất về nhà hong cho khô để đất tự rơi ra. Tuyệt đối không được rửa khoai sẽ gây thối củ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem