dd/mm/yyyy

Hải Dương hoàn thành 4 trong tổng số 6 buồng hun trùng vải xuất khẩu sang Nhật Bản

Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa có buổi nghiệm thu, kiểm tra buồng hun trùng vải xuất khẩu sang Nhật Bản của Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ ở xã Việt Hồng (huyện Thanh Hà, Hải Dương).

Hải Dương hiện có 4 trong tổng số 6 buồng hun trùng vải xuất khẩu sang Nhật Bản của 3 công ty: TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ, CP Nông sản Hưng Việt, CP Ameii Việt Nam, nhiều nhất cả nước.

Theo đánh giá, buồng hun trùng vải xuất khẩu của doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn xử lý, bảo quản vải trong quá trình vận chuyển sang Nhật Bản. Cục Bảo vệ thực vật đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giám sát chặt chẽ việc hun trùng, bảo đảm chất lượng các lô hàng.

Để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu quả vải tươi sang Nhật Bản, tỉnh Hải Dương được Cục Bảo vệ thực vật phê duyệt nắp đặt 4 hệ thống xông hơi khử trùng. Trong đó, Công ty Cổ phần sản xuất thương mại Rồng Đỏ nắp đặt 2 hệ thống, Công ty CP Ameii Việt Nam nắp đặt 1 hệ thống và Công ty xuất khẩu nông sản Hưng Việt 1 hệ thống. Mỗi hệ thống có chi phí nắp đặt 420 triệu đồng, xông hơi khử trùng xử lý quả vải bằng Methyl Bromide, công suất mỗi mẻ khử trùng được 2 tấn trong thời gian 3 giờ. Hệ thống xử lý này làm sạch và loại bỏ 100% dịch bệnh trên quả vải.

Hải Dương hoàn thành 4 trong tổng số 6 buồng hun trùng vải xuất khẩu sang Nhật Bản - Ảnh 1.

Buổi nghiệm thu, kiểm tra buồng hun trùng vải xuất khẩu sang Nhật Bản của cơ quan chức năng.

Kiểm tra quy trình nắp đặt, chạy thử, đánh giá thông số kỹ thuật và kiểm tra chất lượng quả vải tươi sau khi khử trùng, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật đánh giá 4 hệ thống khử trùng của Hải Dương đảm bảo quy trình và chất lượng để đưa vào hoạt động. Như vậy, việc chuẩn bị xuất khẩu quả vải tươi sang thị trường Nhật của tỉnh Hải Dương đã cơ bản hoàn thành. Dự kiến vụ vải năm nay toàn tỉnh sẽ xuất khẩu gần 1.000 tấn quả vải tươi sang Nhật Bản. 

Được biết, đến ngày 5/5, thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, đã có 10 doanh nghiệp đặt hàng thu mua vải trong vùng sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế để xuất khẩu sang thị trường khó tính như Mỹ, Australia, Nhật Bản, EU… Mỗi doanh nghiệp dự kiến thu mua từ 300-500 tấn vải. Ngoài ra, một số doanh nghiệp chế biến nông sản cũng có kế hoạch mua từ 500-1.000 tấn vải VietGAP để làm vải cấp đông, thạch vải, giấm vải, siro vải… Các đơn vị cung ứng nông sản lớn trong nước cũng cam kết đưa vải Hải Dương vào các cửa hàng tiện ích, hệ thống siêu thị với số lượng nhiều nhất có thể.

Năm nay, toàn tỉnh Hải Dương có 450 ha vải sản xuất theo quy trình quốc tế GlobalGAP với sản lượng dự kiến khoảng 3.000 tấn. Vải sớm cho thu hoạch từ ngày 15/5, vải thiều từ ngày 5/6.


Dương Tươi