dd/mm/yyyy

Giá tăng, nhiều doanh nghiệp cà phê vẫn có lợi nhuận sau thuế giảm, thậm chí thua lỗ

Dù giá cà phê tăng mạnh trong quý III nhưng nhiều doanh nghiệp cà phê vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm, thậm chí thua lỗ so với với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận sau thuế giảm, thậm chí thua lỗ ở nhiều doanh nghiệp cà phê

Kết quả kinh doanh quý III/2023 của các doanh nghiệp cà phê đang giao dịch, niêm yết cho thấy, dù giá cà phê tăng mạnh trong quý III/2023 nhưng nhiều doanh nghiệp cà phê vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm, thậm chí thua lỗ so với với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể: Cà phê Thắng Lợi (Mã: CFV) thua lỗ 1,8 tỷ đồng quý III. Theo báo cáo công bố của doanh nghiệp này, quý III, doanh thu thuần Cà phê Thắng Lợi giảm 49% về 85 tỷ đồng. Việc kinh doanh dưới giá vốn khiến công ty lỗ gộp 582 triệu đồng, cùng kỳ lãi gộp 6,5 tỷ đồng. 

Công ty giải trình do tình hình kinh doanh gặp khó khăn, giá cà phê trong nước tăng đột biến, việc thu mua cà phê khó khăn dẫn đến khối lượng hàng bán giảm. Kết quả công ty lỗ sau thuế 1,8 tỷ đồng so với mức lãi 4,6 tỷ quý III/2022. Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần đạt 381 tỷ đồng, lãi sau thuế 1,2 tỷ đồng, lần lượt giảm 2% và gấp đôi cùng kỳ.

Cà phê Phước An (Mã: CPA) cũng có 9 tháng lỗ gần 14 tỷ đồng. Quý III, doanh thu thuần của Cà phê Phước An tăng 4% lên 7,7 tỷ đồng. Công ty lãi gộp 2,7 tỷ, hơn gấp đôi cùng kỳ. Tuy nhiên do chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 3 tỷ đồng đã ăn mòn phần lãi gộp. Kết quả công ty lỗ sau thuế 1,4 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 4,6 tỷ đồng.

Công ty giải trình do trong kỳ hoàn nhập trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho nên giá vốn giảm 20%. Các chi phí hoạt động giảm nên mức lỗ của công ty thấp hơn so với cùng kỳ. Cuối tháng 9, hàng tồn kho của Cà phê Phước An gần như không đổi so với đầu năm, ở mức 22 tỷ đồng và chiếm 1/6 tổng tài sản. Luỹ kế 9 tháng, doanh nghiệp đạt 15,5 tỷ doanh thu thuần, chỉ bằng ¼ cùng kỳ. Công ty lỗ sau thuế gần 14 tỷ, cùng kỳ lỗ hơn 6 tỷ. 

Ngày 7/12 tới đây, Cà phê Phước An sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường để bàn về phương án xử lý đối với diện tích 255,32 ha vườn cây cà phê của công ty tại vùng An Thuận nhằm thanh lý thu hồi vườn cây. Ngày đăng ký cuối cùng là 10/11.

Giá tăng, nhiều doanh nghiệp cà phê vẫn có lợi nhuận sau thuế giảm, thậm chí thua lỗ - Ảnh 1.

Dù giá cà phê tăng mạnh trong quý III nhưng nhiều doanh nghiệp cà phê ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm, thậm chí thua lỗ so với với cùng kỳ năm ngoái.

Cà phê Gia Lai (Mã: FGL) chưa ghi nhận doanh thu bán cà phê. Song quý III, Cà phê Gia Lai ghi nhận doanh thu gần 25 triệu đồng, giảm 94% so với cùng kỳ. Kinh doanh dưới giá vốn khiến công ty lỗ gộp gần 24 triệu đồng. Trừ các chi phí tài chính và quản lý doanh nghiệp cùng chi phí bán hàng, công ty lỗ sau thuế 3,1 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 2,9 tỷ đồng. Lũy kế 3 quý, doanh thu thuần đạt 91 triệu đồng, giảm 98%. Công ty lỗ sau thuế gần 9,5 tỷ đồng so với mức lỗ 9,2 tỷ đồng 9 tháng 2022. 

Công ty giải trình, 9 tháng đầu năm, công ty vẫn chưa ghi nhận doanh thu bán cà phê nhân xô vì thời gian thu hoạch cà phê nhân xô của công ty bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 12/2023. Trong khi công ty phải chịu chi phí lãi vay gần 6 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp 3,8 tỷ đồng. 

Cuối quý III, dư nợ tài chính của công ty là 60 tỷ đồng. Mặt khác công ty đã thanh lý toàn bộ dự án bán chuối do kém hiệu quả nên không có doanh thu bán chuối như cùng kỳ. Cuối tháng 9, hàng tồn kho của Cà phê Gia Lai hơn 10 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 307 triệu đồng đầu năm và chiếm 6% tổng tài sản.

CTCP Minh Khang Capital Trading Public (Mã: CTP) thì thua lỗ vì giá vốn và chi phí hoạt động tăng. Doanh thu thuần quý III của CTCP Minh Khang Capital Trading Public đạt 4,5 tỷ đồng, giảm 86% so với cùng kỳ. Giá vốn cao nên công ty lãi gộp 117 triệu đồng. Trừ đi các chi phí công ty lỗ sau thuế 134 triệu đồng, cùng kỳ có lãi 129 triệu đồng.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần đạt 65 tỷ đồng, lãi sau thuế 140 triệu đồng, giảm lần lượt 23% và 60% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp giải trình do tình hình bất động sản và nhu cầu tiêu dùng quý III tiếp tục biến động không thuận lợi đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của công ty.

CTCP Vinacafe Biên Hòa (Mã: VCF) là cái tên hiếm hoi có lợi nhuận tăng 50% so với cùng kỳ. Quý III, doanh thu thuần của CTCP Vinacafe Biên Hòa đi ngang, đạt 548 tỷ đồng. Tuy vậy hưởng lợi từ giá cà phê đang tăng mạnh từ đầu năm giúp lợi nhuận gộp Vinacafe Biên Hòa cải thiện 29,4% so với cùng kỳ lên mức 125 tỷ đồng. Bên cạnh đó doanh thu tài chính tăng vọt chủ yếu đến từ thu lãi tiền gửi. Kết quả, lợi nhuận sau thuế đạt 112 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 50% so với cùng kỳ. 

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần Vinacafe Biên Hòa đạt 1.542 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 307 tỷ đồng, tăng 45%. 

Cuối quý, hàng tồn kho đạt 254 tỷ, giảm 32% so với đầu năm và chiếm 10% tổng tài sản. Hơn một nửa tài sản đang nằm ở các khoản phải thu ngắn hạn với 1.404 tỷ đồng, đa số là phải thu từ ngắn hạn khác hơn 1.100 tỷ đồng. Đây là các khoản đặt cọc ngắn hạn cho các bên thứ ba nhằm phục vụ mục đích đầu tư.

Điều đáng nói, lợi nhuận tăng song VinaCafé Biên Hòa vẫn nợ thuế. VinaCafé Biên Hòa có tên trong Danh sách 42 công ty bị kiểm tra thuế của Tổng cục Thuế. 

Giá cà phê sẽ tiếp tục ở mức cao do nhu cầu thị trường vẫn lớn

Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA), kết thúc niên vụ 2022-2023 (từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023), xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt gần 1,7 triệu tấn, giảm 4,5% so với niên vụ 2021-2022. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu vẫn tăng 3,4% lên mức 4,1 tỷ USD nhờ giá tăng cao. Giá xuất khẩu cà phê trung bình của Việt Nam đạt 2.451 USD/tấn, tăng 5,5% so với niên vụ trước.

Xét theo loại có thể thấy cà phê xuất khẩu chủ yếu vẫn dòng Robusta với 1,49 triệu tấn, giá trị trên 3,2 tỷ USD, còn cà phê nhân Arabica chỉ xuất khẩu 41.500 tấn, giá trị 169 triệu USD, cà phê nhân đã khử cafein 36.000 tấn, kim ngạch 136 triệu USD.

Cà phê rang xay và hòa tan xuất khẩu khoảng 90.000 tấn (chưa quy đổi ra cà phê nhân), giá trị xuất khẩu khoảng 510 triệu USD (khối lượng chiếm khoảng 5,4% và kim ngạch chiếm khoảng 12,5% tổng các loại cà phê xuất khẩu trong niên vụ cà phê 2022- 2023).

Tính riêng về xuất khẩu cà phê nhân sống thì 10 doanh nghiệp dẫn đầu về khối lượng xuất khẩu cà phê nhân sống trong niên vụ cà phê 2022-2023 là: Intimex HCM, Vĩnh Hiệp, Simexco Daklak, Intimex Mỹ Phước, Louis Dreyfus Việt Nam, NKG Việt Nam, Phúc Sinh, Tuấn Lộc Commodities, Giao dịch Hàng hóa Tây Nguyên và Olam Việt Nam.

Giá tăng, nhiều doanh nghiệp cà phê vẫn có lợi nhuận sau thuế giảm, thậm chí thua lỗ - Ảnh 2.

VICOFA tin tưởng, khi Việt Nam đáp ứng được các quy định của EU, giá cà phê chắc chắn sẽ tăng và mức tăng không dưới 20 USD/tấn.

VICOFA dự báo, niên vụ cà phê 2023/2024 sẽ thu hoạch muộn hơn niên vụ trước, cùng nguồn cung vụ mới sẽ giảm khoảng 10%, trong bối cảnh nắng nóng kỷ lục khiến sản lượng cà phê Brazil sụt giảm nghiêm trọng chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu thế giới. Đây là những yếu tố giúp xuất khẩu cà phê sẽ được lợi về giá.

Với dự báo này, VICOFA cho rằng giá cà phê sẽ tiếp tục ở mức cao do nhu cầu thị trường vẫn lớn, đặc biệt là EU giai đoạn từ nay đến tháng 4 năm sau. Cùng với đó, tại Trung Quốc, giới trẻ cũng ngày càng ưa thích cà phê hơn trà.

Ngoài ra, ngành cà phê cũng kỳ vọng sẽ biến thách thức thành cơ hội bằng việc đáp ứng các quy định mới của thị trường EU như quy định về chống phá rừng và suy thoái rừng của EU (EUDR); luật Thẩm định chuỗi cung ứng; quy định giảm phát thải khí nhà kính; cơ chế điều chỉnh biên giới các bon (CBAM) và chứng chỉ các bon…

Liên quan đến những quy định này, VICOFA đã có nhiều buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH), tổ chức cà phê 4C, Ban Tư vấn phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) để bàn giải pháp tuân thủ quy định cũng như các biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp ngành cà phê. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhiều lần tổ chức hội nghị để triển khai về EUDR, cũng như đã làm việc trực tiếp với Tổng vụ trưởng Vụ Môi trường Liên minh châu Âu về việc Việt Nam cam kết luôn có trách nhiệm cao đối với việc bảo vệ thiên nhiên và bảo vệ môi trường qua việc thực hiện khẩn trương EUDR và CBAM theo quy định của Liên minh châu Âu.

VICOFA cho rằng, khi Việt Nam đáp ứng được các quy định của EU, giá cà phê chắc chắn sẽ tăng và mức tăng không dưới 20 USD/tấn.

Hiện Việt Nam đứng thứ 6 thế giới về diện tích cây cà phê. Tuy nhiên, nhờ năng suất cà phê của Việt Nam cao nhất thế giới, nên Việt Nam đạt sản lượng cà phê thu hoạch hàng năm lớn thứ nhì thế giới.

Được biết, hiện giá cà phê trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay khoảng 58.500 đồng/kg, giá mua cao nhất tại tỉnh Đắk Lắk 58.800 đồng/kg.

Cụ thể, giá cà phê thu mua tại tỉnh Gia Lai, tỉnh Kon Tum ngày 20/11/2023 ở mức giá khá với 58.500 đồng/kg; Tại tỉnh Đắk Nông, cà phê được thu mua tương ứng với giá 58.500 đồng/kg.

Giá cà phê nhân xô (cà phê nhân, cà phê nhân tươi) tại tỉnh Lâm Đồng ở các huyện như Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà, cà phê được thu mua với giá 58.100 đồng/kg.

Giá cà phê hôm nay tại tỉnh Đắk Lắk được mua cao nhất; ở huyện Cư M'gar cà phê được thu mua ở mức 58.700 đồng/kg, còn tại huyện Ea H'leo, thị xã Buôn Hồ được thu mua cùng mức 58.800 đồng/kg.


Nguyễn Phương