Lợn hơi xuất chuồng ế ẩm
Khảo sát tại nhiều vùng chăn nuôi ở Hà Nội như Ứng Hòa, Thanh Oai, Ba Vi..., chúng tôi nhận thấy nhiều trang trại có lợn xuất chuồng tiêu thụ rất chậm, giá khá thấp.
Ông Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc HTX Chăn nuôi công nghệ cao Hòa Mỹ ở Ứng Hòa, (Hà Nội) cho biết, đơn vị của ông đang duy trì đàn lợn trên 20.000 con, trong đó có khoảng trên 10.000 con đến tuổi bán những vẫn khó tiêu thụ vì Thủ đô đang thực hiện giãn cách phòng chống đại dịch Covid-19 khiến việc di chuyển, lưu thông ra ngoài gặp khó khăn.
"Giá lợn hơi đã giảm nhiều so với trước nhưng việc tiêu thụ của các trang trại vẫn rất khó khăn, thậm chí nhiều trang trại có xe "luồng xanh" vẫn gặp khó trong lưu thông, chi phí phát sinh lớn làm cho bà con rất chán nản", ông Thanh nói.
Ông Nguyễn Trọng Long - Giám đốc HTX Chăn nuôi Hoàng Long ở Thanh Oai cũng đang xoay sở đủ hướng để tiêu thụ lợn hơn, thịt lợn chế biến của đơn vị nhưng đến giờ mọi việc vẫn chưa được cải thiện.
Ghi nhận giá lợn hơi hôm nay tại các vùng miền Bắc, PV Trang trại Việt thấy giá lợn siêu nạc loại 1 bán ra tại các trang trại khép kín từ 54.000 đồng đến 56.000 đồng/kg; giá lợn mỡ thường có trại chỉ bán được dưới 50.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay tại các vùng ở Hà Nội dao động từ 52.000 đồng đến 56.000 đồng/kg, tùy loại.
"Nếu việc lưu thông, tiêu thụ sản phẩm của các trang trại không được tháo gỡ sớm, cộng với chi phí đầu tư mua thức ăn chăn nuôi ngày càng tăng cao, bà con chúng tôi sẽ ngày càng lâm vào đường cùng và sẽ phá sản hết", ông Long bộc bạch.
Hà Nội không lo thiếu thịt lợn
Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, những tháng đầu năm 2021, chúng tôi ghi nhận thấy lĩnh vực chăn nuôi lợn trên địa bàn Hà Nội vẫn ghi nhận mức tăng trưởng khá. Tổng đàn lợn hiện có của toàn thành phố đạt hơn 1,34 triệu con, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2020.
Bên cạnh gia tăng về tổng đàn, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng từ đầu năm đến nay cũng tăng khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2020, đạt xấp xỉ 109.000 tấn. Đàn lợn tiếp tục được duy trì phát triển tại các huyện: Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai, Sóc Sơn…
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 1 tháng của thành phố đạt khoảng 17.500 tấn. Trong khi nhu cầu để bảo đảm đáp ứng tiêu dùng cho khoảng 10,3 triệu người dân hiện đang sinh sống trên địa bàn Thủ đô ước khoảng 18.600 tấn.
“Khối lượng thịt lợn hơi xuất chuồng hiện nay Hà Nội sản xuất đáp ứng được hơn 94% nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô. Gần 6% lượng thịt còn lại (tương ứng gần 1.100 tấn), TP duy trì kết nối với các địa phương lân cận để bổ sung, bảo đảm người dân không thiếu thịt lợn phục vụ tiêu dùng” - bà Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết thêm.
Dù sản lượng thịt lợn hiện vẫn cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô, tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, việc duy trì sản xuất ổn định là nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Thống kê mỗi năm, Hà Nội sản xuất được khoảng 4 triệu con giống lợn. Sản lượng này đủ để đáp ứng nhu cầu tái đàn, tăng đàn của các trang trại, chủ hộ chăn nuôi trên địa bàn TP, nhất là tại các địa phương trọng điểm.
Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, để duy trì nguồn cung tại chỗ, đơn vị đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường sản xuất. Trong đó, tập trung phát triển đàn tại các xã, vùng trọng điểm, trại và trang trại chăn nuôi lợn nằm xa khu dân cư.
Cùng với tăng đàn, tái đàn lợn, các địa phương trên địa bàn thành phố cũng tập trung hướng dẫn, khuyến cáo các cơ sở tăng cường nhiều biện pháp bảo đảm an toàn dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi. Phấn đấu sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng của Hà Nội đạt ít nhất 250.000 tấn trong năm 2021.
Để đảm bảo việc lưu thông vận chuyển hàng hóa thiết yếu thuận lợi, ông Chu Phú Mỹ khẳng định: Sở NNPTNT Hà Nội đề nghị UBND TP chỉ đạo các tổ liên ngành, chốt kiểm soát phòng, chống Covid-19 tạo điều kiện ưu tiên giải quyết nhanh thủ tục để bảo đảm các xe vận chuyển lương thực, thực phẩm trong đó có thịt lợn được lưu thông thuận lợi. Cùng với đó, nghiên cứu, bổ sung đối tượng ưu tiên “luồng xanh” cho xe vận chuyển vật tư nông nghiệp (con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc men…) nhằm duy trì ổn định sản xuất chăn nuôi trong bối cảnh dịch Covid-19.