Ba lần điều chỉnh giá gần nhất, giá dầu đã giảm khoảng 4.000 đồng/lít, từ mức hơn 30.000 đồng xuống chỉ còn hơn 26.000 đồng/lít. Đối với ngư dân, nhiên liệu dầu luôn là chi phí chính mỗi chuyến ra khơi nên giá giảm liên tiếp họ rất mừng.
Tại Kiên Giang, sau thời gian dài tàu nằm bờ do lo ngại thua lỗ vì giá dầu, nhiều ngư dân đã tiến hành ra khơi. Như gia đình ông Nguyễn Xuân Thủy, Chủ tàu Mười Lộc (ở phường Vĩnh Thanh Vân, TP.Rạch Giá, Kiên Giang) sau 3 tháng để cả 3 chiếc tàu đánh bắt phải nằm bờ nay đã bắt đầu cho tàu hoạt động trở lại: “Nhờ nhà nước điều chỉnh giá xăng dầu giảm mà mấy chiếc ghe của gia đình mới có điều kiện ra khơi bám biển, tiếp tục đánh bắt”.
Tuy nhiên, niềm vui của ngư dân chưa thật sự trọn vẹn, bởi giá dầu vẫn ở mức cao hơn khoảng 10.000 đồng/lít so với cùng kỳ. Với chi phí xăng dầu chiếm từ 60 – 80% chi phí mỗi chuyến biển, tùy ngành nghề thì chưa đảm bảo cho ngư dân có lời. Đặc biệt, trong điều kiện sản lượng đánh bắt có chiều hướng ngày càng giảm, ngư dân ra khơi nhưng vẫn rất lo lắng.
“Giá dầu giảm là theo mức giá kỷ lục thôi chứ bây giờ vẫn ở mức cao. Ba chiếc ghe nhà tôi chuyến rồi lấy sở phí 330 triệu tiền dầu. Mấy bữa nay ra làm nói chung khó khăn, ngư trường biển giờ suy giảm. Trước mỗi nước đánh bắt được khoảng 50 tấn cá bây giờ còn khoảng 30 – 35 tấn trở lại”, ông Đoàn Quốc Lượm chủ tàu ở thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, Cà Mau) cho hay.
Toàn tỉnh Cà Mau có khoảng 4.500 tàu cá hoạt động đánh bắt, Kiên Giang có hơn 9.800 tàu. Tỷ lệ tàu ra khơi đánh bắt gần đây đã tăng nhiều, tuy nhiên, vẫn chưa đạt mức cao. Cả Cà Mau và Kiên Giang đều đã thông qua chính sách hỗ trợ cước thuê bao dịch vụ vệ tinh giám sát hành trình tàu cá để bớt khó khăn cho ngư dân. Các tỉnh có thế mạnh về khai thác thủy hải sản trong vùng ĐBSCL cũng đang có những kế hoạch nhằm khuyến khích ngư dân ra khơi bám biển./.