dd/mm/yyyy

Giá cà phê nội tăng gần gấp đôi so với đầu năm, người mua bán đều chờ vụ thu hoạch mới

Giá cà phê thế giới quay đầu lao dốc. Giá cà phê trong nước chốt phiên cuối tuần trong khoảng 117.800 - 118.900 đồng/kg. Giá trong nước liên tục tăng mạnh từ đầu năm đến nay. Tính đến ngày 6/9, giá cà phê tăng gần gấp đôi so với hồi đầu năm lên mức gần 119.000 đồng/kg như hiện nay.

Giá cà phê thế giới quay đầu lao dốc

Chốt phiên giao dịch cuối tuần này, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe London quay đầu giảm mạnh, kỳ hạn giao hàng tháng 11/2024 giảm 141 USD, giao dịch tại 4.770 USD/tấn. Kỳ hạn giao hàng tháng 1/2025 giảm 129 USD giao dịch tại 4.555 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình thấp .

Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US New York giảm mạnh, kỳ hạn giao hàng tháng 12/2024 giảm 8,20 Cent, giao dịch tại 236,00 Cent/lb. Trong khi, kỳ hạn giao tháng 3/2025 giảm 8,1 Cent, giao dịch tại 234,55 Cent/lb. Khối lượng giao dịch trung bình cao.

Giá cà phê thế giới quay đầu lao dốc bởi xuất hiện nhân tố bất ngờ, đó là thông tin số liệu xuất khẩu do Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) công bố. 

Giá cà phê trong nước chốt phiên cuối tuần trong khoảng 117.800 - 118.900 đồng/kg. Giá trong nước liên tục tăng mạnh từ đầu năm đến nay. Tính đến ngày 6/9, giá cà phê tăng gần gấp đôi so với hồi đầu năm lên mức gần 119.000 đồng/kg như hiện nay.

Trong tuần đầu tháng 9, giá cà phê giảm nhẹ. Cụ thể, giá cà phê Robusta giảm mạnh trong phiên đầu và cuối tuần, kỳ hạn tháng 11 giảm tổng cộng 390 USD và 2 phiên tăng với tổng cộng 212 USD, kết quả cả tuần giảm 178 USD/tấn.

Giá cà phê Arabica trên sàn New York cũng giảm mạnh, kỳ hạn tháng 12 giảm 180,4 USD còn 5.200 USD/tấn và kỳ hạn tháng 3/2025 giảm 178,2 USD xuống 5.170 USD/tấn.

Như vậy là trong vòng 1 tuần, từ thứ Sáu tuần trước đến thứ Sáu tuần vừa qua, giá cà phê Robusta đã trải qua 4 phiên có biên độ giao dịch rất lớn, trong khoảng 250-310 USD/tấn. Riêng giá Arabica thì đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tuần. Nguyên nhân được cho kéo giá giảm vào cuối tuần là do lượng xuất khẩu cà phê toàn cầu tăng mạnh đã gây áp lực lên giá, sau khi Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) báo cáo rằng xuất khẩu cà phê toàn cầu tăng 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 7 lên 11,29 triệu bao và xuất khẩu toàn cầu từ tháng 10 đến tháng 7 tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 115,01 triệu bao.

Tuần trước, giá cà phê Arabica tăng vọt lên mức cao nhất trong 13 năm trở lại đây và giá Robusta đụng mức cao chưa từng thấy là trên 5.100 USD do lo ngại rằng tình trạng khô hạn quá mức ở Brazil kể từ năm 1981. Tuy nhiên, sau đó giá cà phê Arabica đã giảm xuống mức thấp nhất trong 2 tuần sau trận mưa gần đây ở Brazil, điều này cho thấy mặc dù giá luôn duy trì ở mức cao nhưng có xu hướng bất ổn bởi lượng dự trữ thấp, nên rất dễ bị tác động bởi những kiểu thông tin sáng nắng chiều mưa.

Chính phủ Brazil đã báo cáo dữ liệu sơ bộ cho biết xuất khẩu cà phê nhân của nước này trong tháng 8 cao hơn 4,86% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt tổng cộng 3.451.183 bao.

Tổng cục Hải quan Việt Nam báo cáo lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 8 đã được ghi nhận ở mức giảm 14,10% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.216.667 bao. Lượng xuất khẩu tích lũy trong mười một tháng đầu của niên vụ cà phê 2023/2024 được báo cáo là thấp hơn 12,71% so với cùng kỳ năm trước, tổng cộng nằm ở mức 23.441.199 bao. Những số liệu thống kê xuất khẩu hàng tháng thấp hơn này nhằm nhấn mạnh thực tế là sản lượng thấp hơn và tình trạng thiếu hụt nguồn cung từ Việt Nam - nhà sản xuất Robusta hàng đầu trong niên vụ 2023/24, một yếu tố được phản ánh rõ ràng trong các mức giá cao kỷ lục lịch sử được thiết lập trên thị trường London.

Tổng cục Thống kê Việt Nam cũng đồng thời báo cáo giá trị doanh thu cà phê của cả nước trong 8 tháng đầu năm, được báo cáo cao hơn 34,80% so với cùng kỳ năm trước, với tổng giá trị khoảng 4,0 tỷ USD.

Tổ chức Cà phê Quốc tế ICO đã duy trì dự báo về nguồn cung cà phê toàn cầu ở mức thấp hơn 5,83% so với năm trước với tổng cộng 178 triệu bao cho niên vụ cà phê 2023 /2024.

Báo cáo xác nhận mức giảm tương đối trong xuất khẩu từ châu Á khi 3 nước sản xuất hàng đầu của khu vực này là Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia cộng lại ghi nhận mức giảm là 8,10% so với cùng kỳ năm trước, đạt tổng cộng 2,77 triệu bao vào tháng 7, chủ yếu là vì mức giảm 29,10% từ xuất khẩu Việt Nam trong tháng 7.

ICO cũng ghi nhận xuất khẩu từ châu Phi đã tăng 34,70% so với cùng kỳ năm trước lên tổng cộng 1,90 triệu bao, những nước đóng góp chính cho mức tăng xuất khẩu của châu Phi trong tháng 7 là Ethiopia và Uganda.

Lượng cà phê Arabica đã qua phân loại được chứng nhận lưu giữ trên sàn New York đã tăng 11.467 bao vào hôm cuối tuần, đạt 834.792 bao.


Nguyễn Phương