dd/mm/yyyy

Gạo tẻ râu hữu cơ bản Bướt ăn một lần nhớ mãi

Đến bản Bướt không ăn gạo tẻ râu, gà chạy đồi và rau rừng của bà con người Thái coi như phí cả một đời người. Thứ gạo ngon nức tiếng đất Tây Bắc đã được bà con người Thái nơi đây canh tác theo phương pháp truyền thống, nên nó có hương vị thơm, đậm và dẻo.

Gạo tẻ râu - đặc sản vùng cao Sơn La

Bản Bướt, xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La nằm cách quốc lộ 6 chưa đầy 2km, nhưng nhiều năm liền bà con người Thái nơi đây sống trong cảnh không đường ô tô, không điện. Họ thường phải gùi nông sản lên trung tâm xã Tân Sơn (Mai Châu – Hòa Bình) trao đổi hàng hóa. Mãi đến đầu năm 2020, con đường bê tông xuống bản mới được hoàn thiện. Từ đây bà con mới thoát cảnh núi cách sông ngăn. 

Gạo tẻ râu hữu cơ bản Bướt ăn một lần nhớ mãi - Ảnh 1.

Bản Bướt nhìn từ trên cao đẹp tựa miền cổ tích. HIện bản Bướt có 25 hộ gia đình. Họ đều tham gia trồng gạo tẻ râu. (Ảnh: Xuân Tuấn)

Có điện, có đường là cơ hội để bà con người Thái buôn bán đặc sản địa phương mà ít nơi có được đó là gạo tẻ râu. Địa thế bản Bướt nằm trên núi cao, nhưng lại lọt thỏm trong thung lũng có nhiều ruộng nước bao quanh. Bà con nơi đây, chẳng bao giờ lo đói ăn. Mùa nào lúa cũng đầy bồ, ngô treo đầy bếp.

 Đứng từ trên cao nhìn xuống cả vùng non nước hữu tình của bản Bướt hiện lên trong tầm mắt. Cánh đồng xanh mướt uốn lượn theo dòng suối, ôm lấy bản Thái xinh xắn. Ông Hà Văn Thiểng năm nay đã ngoài 80 tuổi, ngày ngày vẫn ngồi đan lát bên hiên nhà. Ông là thế hệ thứ hai sinh ra ở bản Bướt. Bản Bướt mới hình thành được trăm năm nay. Các cụ người Thái sinh sống ở thung lũng Mai Châu đã di dân lên đây khai hoang lập bản từ đầu thế kỉ XX. Khi đó chỉ có 3 gia đình rời quê hương lên vùng kinh tế mới lập nghiệp. Trong hành trang của 3 hộ gia đình mang theo cả giống gạo tẻ râu thơm ngon. 

Gạo tẻ râu hữu cơ bản Bướt ăn một lần nhớ mãi - Ảnh 2.

Ông Hà Văn Thiểng, thế hệ thứ hai được sinh ra tại bản Bướt. Theo ông Thiểng, gạo tẻ râu ở bản Bướt ăn rất ngon và có hương vị đặc biệt. (Ảnh: Xuân Tuấn)

Do được canh tác ở miền đất với khí hậu ôn hòa, nên chất lượng gạo tẻ râu ăn ngon hơn hẳn các vùng khác. Từ thuở khai hoang lập bản đến giờ, bà con người Thái chỉ trồng giống gạo tẻ nức tiếng này. Sống ở vùng rừng núi biệt lập với bên ngoài, nên bà con tự cung, tự cấp lương thực, chứ ít khi giao lưu với bên ngoài. Suốt cả một thế kỉ trôi qua, số hộ dân đến với bản Bướt ngày một đông hơn. Đến giờ đã có 25 hộ dân sinh sống, với 6 thành phần dân tộc gồm Thái, Mường, Dao, Kinh, Tày và Mông. Dâu, rể kéo về làm thành viên của bản Bướt cùng uống chung nguồn nước và trồng gạo tẻ râu. Nói như cụ Thiểng: "Người đã trót ăn gạo tẻ râu, không lỡ rời bản nửa bước". 

Gạo tẻ râu hữu cơ bản Bướt ăn một lần nhớ mãi - Ảnh 3.

Bản Bướt có suối bao quanh (Ảnh: Xuân Tuấn)

Quả thực đến bản Bướt mà không thưởng thức gạo tẻ râu coi như phí chuyến đi. Hôm chúng tôi đến bản, bà con vừa thu hoạch xong vụ chiêm và cấy vụ lúa mới. Chị Đặng Thị Lan – thành viên HTX đồng rừng – đơn vị phụ trách bán hàng và canh tác đặc sản gạo tẻ râu đã thết đãi chúng tôi giống gạo quý này. HTX còn mở dịch vụ homestay để đón du khách. Mâm cơm dọn ra toàn đặc sản của bản Bướt. Rau rừng xào tỏi, măng chua nấu vịt suối và món cơm gạo tẻ râu. Cơm gạo tẻ râu dẻo, thơm ngào ngạt và ngọt đậm nơi đầu lưỡi khiến ai ăn cũng thích mê. Chị Lan bảo, phát triển du lịch là cách kết nối nhanh nhất để quảng bá đặc sản đến với mọi miền Tổ quốc. Chẳng thế mà ai đến đây nghỉ lại cũng đều phải tay xách lách mang vài kg gạo tẻ râu về xuôi làm quà. 

Gạo tẻ râu hữu cơ bản Bướt ăn một lần nhớ mãi - Ảnh 4.

Giống lúa tẻ râu ở bản Bướt luôn bán được giá hơn so với gạo tẻ thường. Giá bán hiện tại là 40 đến 50.000đ/1kg gạo, cao gấp 2-3 lần so với gạo thường. (Ảnh: Xuân Tuấn)

Bữa cơm nơi đồng rừng để lại trong lòng du khách thật nhiều dư vị đậm đà. Nghỉ bên căn nhà sàn nằm trên đỉnh đồi phóng tầm mắt theo dãy núi đá phía xa chìm ngập trong sương mù mà lòng mình như dịu lại. Tiếng chim hót líu lo dẫn nhau về tổ bên bìa rừng thật vui tai. Dòng suối nhỏ chạy quanh bản ôm lấy chân ruộng của bà con người Thái tựa như người mẹ hiền bế đứa con bé bỏng trong lòng.

Gạo tẻ râu - gạo của Giàng ban tặng cho bản Bướt 

Dư vị đậm đà của bữa cơm vẫn còn phảng phất đâu đây, tôi chợt nghĩ, linh khí của đất trời nơi đây đã góp phần tạo nên thứ gạo ngon đến vậy. Bếp lửa được nhóm lên. Ông Thiểng cũng đã nghỉ tay đan lát. Ông pha ấm trà xanh được hái trên đồi về. Vị trà nhè nhẹ đưa hương, nước trà xanh biếc, sóng sánh, nhấp một ngụm trà, người lữ khách như được trở về miền cổ tích xa lắc nào đó. Ông Thiểng vẫn giữ cái giọng lơ lớ khi kể về câu chuyện liên quan đến gạo tẻ râu. Thứ gạo ngon nhất nhì đất Tây Bắc này lại có sự gắn bó mật thiết với bà con người Thái. 

Gạo tẻ râu hữu cơ bản Bướt ăn một lần nhớ mãi - Ảnh 5.

Gạo tẻ râu dược bầy bán tại các hội trợ thương mại do UBND tỉnh Sơn La tổ chức. (Ảnh: Xuân Tuấn)

Những người già ở vùng núi Tây Bắc kể lại, xưa có vị quan lang nổi tiếng giàu có ở đất này, nhưng lại mắc bệnh lạ (đi tiểu nhiều, cân nặng tăng đột biến, mắt mờ, chân tay tê nhức). Ông cho người đi khắp nơi tìm thuốc chữa nhưng không khỏi. Một lần, trên đường đi làm việc, vị quan nọ bị lạc giữa rừng già. Trong lúc tìm đường ra, đói, khát, ông gặp một thung lũng xanh tươi, đồng ruộng chĩu những bông lúa vàng óng ả. Ruộng lúa toả ra hương thơm ngọt lịm mà trước đó ông chưa từng ngửi thấy. Những hạt thóc to, dài khác thường, ở đuôi, hạt nào cũng mọc thêm một cái râu rất dài. Ông liền bứt những bông lúa lạ ăn cho qua cơn đói. Và dựng một cái lều nhỏ, ở lại dưỡng sức.

Gạo tẻ râu hữu cơ bản Bướt ăn một lần nhớ mãi - Ảnh 6.

Gạo tẻ râu được trồng tại bản Bướt luôn cho chất lượng ngon hơn nơi khác. Đây là lợi thế mà bà con người Thái nơi đây đang tích cực khai thác. (Ảnh: Xuân Tuấn)

Sau hai tuần trăng, thu hái được một lượng lúa đủ dùng, ông tiếp tục hành trình tìm đường về. Nhờ có những hạt thóc giữa rừng già, cuối cùng vị quan cũng tìm được đường về bản. Kỳ lạ thay, khi về đến nhà, cũng là lúc căn bệnh của ông cũng thuyên giảm. Ông cho người nhà trồng cấy giống lúa quý gặp giữa rừng mà Giàng đã ban tặng, đặt tên là lúa tẻ râu – ý chỉ những cái râu dài trên hạt thóc. Và dùng gạo tẻ râu như một phương thuốc chống đỡ căn bệnh lạ của mình.

Những gia đình khá giả khác trong vùng sau khi được ăn cơm gạo tẻ râu, thấy hạt cơm dẻo, ngọt đậm đà, lại không bị ngấy như ăn cơm nếp cũng xin giống lúa tẻ râu về trồng. Từ đó bà con người Thái sống ở đất Tây Bắc bắt đầu nhân giống lúa trân quý này. Hầu như bản Thái nào cũng canh tác gạo tẻ râu. Nhưng gạo ngon nhất phải được canh tác theo phương thức truyền thống, tức là chỉ bón phân hữu cơ và không phun thuốc. Nước dẫn về ruộng được dẫn từ đầu nguồn. Gạo tẻ râu được nuôi dưỡng ở môi trường gần như thuần khiết mới cho chất lượng hảo hạng.

Kế nghiệp nghề trồng giống lúa do tổ tiên để lại, bà con người Thái ở bản Bướt đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn sản xuất hàng hóa. Mọi công đoạn canh tác vẫn giữ nguyên nếp làm xưa của các cụ. HTX Đồng Rừng sẽ phụ trách việc bán hàng và kiểm tra nghiêm ngặt về quy trình sản xuất.


Xuân Tuấn