dd/mm/yyyy

Gần 9,5 ha rừng ở Sa Pa bị lấn chiếm trồng su su

Hạt Kiểm lâm thị xã Sa Pa (Lào Cai) vừa có báo cáo giải trình về tình trạng lấn chiếm rừng trồng su su tại thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn.
Gần 9,5 ha rừng ở Sa Pa bị lấn chiếm trồng su su  - Ảnh 1.

Diện tích rừng bị người dân lấn chiếm trồng su su ở xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa (Lào Cai). Ảnh: Mùa Xuân.

Sa Pa nỗ lực đôn đốc, kiểm tra

Thực hiện văn bản số 420/UBND-TH ngày 17/2/2023 của UBND thị xã Sa Pa về việc kiểm tra nội dung thông tin Báo NTNN/điện tử Dân Việt/Trang Trại Việt phản ánh tình trạng lấn chiếm rừng trồng su su tại thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn.

Sau khi tổ chức kiểm tra, Hạt Kiểm lâm thị xã Sa Pa đã có báo cáo số 08/BC-HKL do Phó Hạt Trưởng Kiểm lâm thị xã Sa Pa Vũ Anh Linh ký gửi Thường trực Thị ủy, UBND thị xã Sa Pa. Cụ thể, báo cáo nêu rõ, từ năm 2019 trở về trước, khu vực thôn Can Hồ Mông, xã Bản Khoang nay là xã Ngũ Chỉ Sơn sau khi sáp nhập xã có tình trạng người dân trồng su su vào đất rừng và một phần diện tích trên đất ngoài quy hoạch lâm nghiệp là có và đúng như Báo Dân Việt/Trang Trại Việt đã phản ánh.

Nguyên nhân là do trước đây người dân trồng thảo quả tại khu vực trên. Tuy nhiên mấy năm gần đây do biến đổi khí hậu, cây thảo quả cho kinh tế thấp, vì vậy người dân phá bỏ cây thảo quả để trồng su su. Tổng diện tích lấn chiếm 9,49 ha, trong đó, 8,09 ha do Ban Quản lý rừng phòng hộ quản lý; 1,4 ha do UBND xã quản lý.

Khi có hiện tượng trên, Hạt Kiểm lâm thị xã Sa Pa đã nắm bắt chỉ đạo Kiểm lâm địa bàn tham mưu cho chính quyền cơ sở kiểm tra lập hồ sơ xử lý theo quy định.

Tháng 7/2017, UBND xã Bản Khoang cũ (nay là xã Ngũ Chỉ Sơn) đã kiểm tra, lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính về hành vi phá rừng trái pháp luật và buộc cưỡng chế phá dỡ dàn su su lấn chiếm đất rừng đối với 14 hộ gia đình, cá nhân.

Thế nhưng, sau khi cưỡng chế phá dỡ các dàn su su trên thì xảy ra tình trạng tài sản của các thành viên trong tổ bảo vệ rừng thôn Can Hồ Mông bị phá hoại không rõ nguyên nhân. Các cơ quan chức năng đã xác minh nhưng không phát hiện đối tượng. Do đó, UBND xã Bản Khoang đã đề nghị tạm dừng cưỡng chế để tiếp tục xác minh đối tượng phá hoại.

Từ năm 2019 -2022, Hạt Kiểm lâm thị xã Sa Pa đã lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý hình sự 1 đối tượng vụ khai thác rừng trái pháp luật, phạt tù 2 đối tượng. UBND xã Ngũ Chỉ Sơn lập hồ sơ xử lý 3 vụ việc lấn chiếm đất rừng trồng su su phát sinh, phá dỡ 36m đường bê tông và 1,038 ha diện tích giàn su su.

Đồng thời, tổ chức rà soát diện tích rừng trồng su su tại khu vực trên thì có 19 hộ dựng giàn su su từ những năm 2015-2017; đã mời các hộ dân làm việc để vận động, tuyên truyền. Qua làm việc các hộ dân cho rằng diện tích trồng su su là của hộ gia đình canh tác từ trước, không phải của Ban Quản lý rừng phòng hộ. Các hộ chỉ di chuyển khi Nhà nước có chính sách hỗ trợ phù hợp về kinh tế.

Nan giải lấn chiếm rừng trồng cây ngắn ngày ở Sa Pa

Cũng theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm thị xã Sa Pa, tình trạng lấn chiếm trồng su su, hoa màu tại khu vực thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn xảy ra từ nhiều năm trước. Những diện tích phát sinh mới đã được UBND xã, Hạt Kiểm lâm và các cơ quan chức năng lập hồ sơ và tham mưu chính quyền xử lý theo quy định.

Tuy nhiên, việc xử lý gặp khó khăn do người đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng. Các hộ gia đình đã trồng cây thảo quả dưới tán rừng thì nghiễm nhiên coi diện tích đó là của gia đình. Khi vi phạm thường lôi kéo, tập trung đông người đe dọa, chống đối.

Vậy trước thực trạng và những khó khăn trên các cấp, các ngành của tỉnh Lào Cai và thị xã Sa Pa sẽ có những biện pháp như thế nào để giải quyết dứt điểm việc người dân lấn chiếm diện tích rừng trồng su su và có giải pháp gì giúp người dân cải thiện sinh kế?

Báo NTNN/điện tử Dân Việt/Trang Trại Việt sẽ tiếp tục thông tin.

Mùa Xuân