Thời gian qua, nhiều nông dân ở Đồng Nai đã thành công với mô hình "3 cây 1 con" và nhờ đó tạo điều kiện phát triển kinh tế, có nguồn thu nhập tốt. Trong số những người đầu tiên áp dụng mô hình này là ông Trương Hùng Dũng (ngụ ấp Trung Hoà, huyện Trảng Bom).
Mạnh dạn chuyển đổi
"Tôi nuôi bò để lấy phân để có nguồn phân bón cho vườn cây ăn trái. Khi đã đủ phân bón cho cây trồng tôi mới tính đến việc bán bớt bò thịt để tăng thêm thu nhập".
Ông Trương Hùng Dũng
Đến thăm trang trại của ông Dũng ở huyện Trảng Bom đầu năm mới, PV Báo NTNN không khỏi bất ngờ trước khối tài sản "kếch sù" mà ông Dũng đang nắm giữ. Ông Dũng hiện sở hữu vườn cây trái mênh mông gồm: Mía, thanh long ruột đỏ, bưởi và cả đàn bò hơn 400 con.
Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình, ông Dũng chia sẻ, khởi đầu cách đây hơn chục năm ông chỉ biết trồng mía. Tuy nhiên, những năm gần đây cây mía đã qua thời kỳ "hoàng kim" mất giá nghiêm trọng nên ông đã tìm hướng đi mới. Sau đó, ông quyết định giảm diện tích mía, đầu tư và tăng dần diện tích thanh long ruột đỏ.
Thông qua Hội Nông dân, ông tìm tới các vườn thanh long có tiếng trong vùng để học hỏi kinh nghiệm. Nhờ áp dụng tốt các kỹ thuật canh tác, vườn thanh long ruột đỏ của gia đình ông cũng phát triển mạnh, cho năng suất và chất lượng cao, thu nhập ngày càng ổn định hơn.
Thành tỷ phú nhờ "3 cây 1 con"
Ba năm trước đây, ông Dũng nắm bắt thời cơ, bỏ vốn vào nuôi bò sinh sản để lấy phân bón và trồng thêm 5ha bưởi. Tất cả cây trồng, vật nuôi của ông Dũng đều sinh trưởng tốt. Nhờ vậy hiện nay, ông Dũng đang sở hữu hàng chục ha mía, thanh long, trên 5ha bưởi và hơn 400 con bò.
Theo ông Dũng, vật nuôi chủ lực của ông là nuôi bò sinh sản và từ đó lấy phân bón cho vườn cây. Từ hàng chục con bò giống nhập khẩu từ Úc, Mỹ ban đầu, đến nay ông Dũng đã có đàn bò hơn 400 con, cung cấp đủ phân bón cho gần cả trăm ha cây trồng.
"Để đảm bảo lượng thức ăn dồi dào cho chúng, tôi trồng cỏ và tận dụng thêm rơm rạ dự trữ để chăm sóc tốt nhất cho bò. Nhờ vậy đàn bò đã sinh sản tốt, tiết kiệm được nguồn phân bón cho gần trăm ha cây trồng. Thanh long, bưởi, mía cũng cho sản lượng cao, tiêu thụ khá tốt trên thị trường"-ông Dũng chia sẻ thêm.
Ông Dũng cho biết, sẽ mở rộng diện tích trồng bưởi, giảm diện tích trồng mía để đáp ứng nhu cầu thị trường. Ông mong muốn người dân địa phương cũng áp dụng mô hình đa canh để phát triển kinh tế gia đình, địa phương.
Bà Phạm Thị Thuỷ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom chia sẻ: Mô hình trồng cây, nuôi bò của ông Dũng rất phù hợp với mục tiêu chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây, nuôi con có giá trị kinh tế cao. Ông Dũng đã tận dụng tối đa diện tích đất để sản xuất "đa cây, đa con"; tận dụng phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho vật nuôi để có nguồn phân bón hữu cơ bổ sung cho các loại cây trồng.
"Về lâu dài địa phương sẽ có chính sách đồng bộ để phát triển cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao. Chẳng hạn, quy hoạch diện tích các loại cây trồng, đầu tư kinh phí, hướng dẫn kỹ thuật, cải tiến chất lượng cây, con giống, xây dựng vùng kinh tế hàng hóa. Đồng thời, Hội sẽ kết nối, mở rộng các kênh tiêu thụ sản phẩm, tiến tới chế biến nông sản sạch... giúp người dân yên tâm sản xuất, làm giàu và gắn bó lâu dài với nông nghiệp nông thôn"- bà Thủy cho hay.