“Đòn bẩy” giúp các hợp tác xã, hộ gia đình ở Lào Cai xây dựng sản phẩm OCOP

Tuấn Hùng, Thanh Nga

04/04/2025 08:02 GMT +7

Nhờ được vay vốn với các chính sách ưu đãi, các hợp tác xã, hộ gia đình ở huyện Bảo Thắng, Lào Cai có điều kiện mở rộng quy mô, đầu tư kỹ thuật, máy móc vào sản xuất, từ đó xây dựng thành công các sản phẩm OCOP, nâng cao thu nhập.

Clip: Xây dựng các sản phẩm OCOP ở huyện Bảo Thắng, Lào Cai.

Địa phương có nhiều sản phẩm OCOP nhất tỉnh Lào Cai

Toàn huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai hiện có 49 sản phẩm được công nhận đạt OCOP 3 sao trở lên, đây là địa phương đứng đầu tỉnh Lào Cai về số lượng sản phẩm OCOP. Các sản phẩm OCOP của huyện Bảo Thắng đa dạng và chất lượng cao, nổi bật với các sản phẩm nông nghiệp như: Chè Shan Tuyết, mật ong rừng, các loại rau củ quả đặc sản vùng cao hay các sản phẩm dược liệu. Những sản phẩm này được các chủ thể chế biến theo quy trình hiện đại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, mang đậm bản sắc văn hóa, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương.

Góp phần vào thành công của chương trình mỗi xã một sản phẩm, những năm qua, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn huyện đã triển khai nhiều gói vay ưu đãi với lãi xuất thấp, giúp nhiều hộ gia đình, hợp tác xã có điều kiện mở rộng sản xuất, xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP, nhờ đó tạo thêm việc tạo việc làm cho lao động ở địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai hiện có 49 sản phẩm được công nhận đạt OCOP 3 sao trở lên, đây là địa phương đứng đầu tỉnh Lào Cai về số lượng sản phẩm OCOP. Ảnh: Thanh Nga

Hợp tác xã Nông sản dược liệu Mạnh Hương hiện đang có 6 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao, để nâng cao chất lượng sản phẩm, từ nguồn vốn vay hơn 1 tỷ đồng, Hợp tác xã đã mạnh dạn đầu tư nhiều máy móc hiện đại, trong đó có máy sấy lạnh để đảm bảo việc lưu giữ tinh chất dược liệu.

Chia sẻ với báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt/điện tử Trang Trại Việt, bà Trần Thị Hương, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản dược liệu Mạnh Hương, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, Lào Cai cho biết: Khi mới bắt tay vào sản xuất, Hợp tác xã chúng tôi gặp khó khăn về nguồn vốn. Từ khi vay được nguồn vốn ưu đãi của Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng, chúng tôi có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thêm máy móc hiện đại, nhờ đó giảm được công lao động, tăng năng suất và chất lượng.

Đưa chúng tôi đi thăm cơ sở sản xuất của Hợp tác xã, bà Hương cho hay: Bên cạnh việc đầu tư mua sắm trang thiết bị máy móc vào sản xuất, chúng tôi còn sử dụng nguồn vốn đầu tư vào phân bón, giống, đồng thời đẩy mạnh việc thu mua nguồn nông sản cho bà con, nhờ đó những hộ gia đình tham gia bán nông sản cho chúng tôi đều có thêm thu nhập.

Nhờ được vay vốn ưu đãi, Hợp tác xã Nông sản dược liệu Mạnh Hương, xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, Lào Cai đã xây dựng thành công sản phẩm OCOP, mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập cho hội viên. Ảnh: Thanh Nga

Chia tay Hợp tác xã Nông sản dược liệu Mạnh Hương, chúng tôi tới thăm Công ty Cổ phần Phong Hải, đây là đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm OCOP từ chè. Hiện công ty đang có vùng nguyên liệu hơn 800 ha và 3 sản phẩm đạt OCOP 3 sao.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Vũ Minh Đức, Giám đốc Công ty cổ phần Phong Hải (Thị trấn Nông trường Phong Hải, huyện Bảo Thắng, Lào Cai) cho biết: Hiện, công suất nhà máy chế biến của chúng tôi có thể sản xuất hơn 60 tấn búp chè tươi mỗi ngày. Hơn 30 tỷ đồng với lãi suất thấp từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng là nguồn lực tài chính giúp chúng tôi có điều kiện đầu tư cho nhà xưởng, máy móc, xây dựng vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn chất lượng. Trong thời gian tới, chúng tôi đặt mục tiêu tiếp tục phát triển thêm sản phẩm chè nội địa; nâng cấp sản phẩm lên 4 - 5 sao.

Sản phẩm OCOP 3 sao của Hợp tác xã Nông sản dược liệu Mạnh Hương, đây là đơn vị thành công xây dựng sản phẩm OCOP nhờ được vay vốn ưu đãi từ ngân hàng. Ảnh: Thanh Nga

"Đòn bẩy" giúp xây dựng sản phẩm OCOP

Từ thực tế, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sản phẩm OCOP của huyện Bảo Thắng, Lào Cai không ngừng phát triển. Số lượng sản phẩm đa dạng, chất lượng được nâng cao, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương và nâng cao đời sống người dân. Việc tiếp cận vốn dễ dàng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã, hộ sản xuất, đây là minh chứng rõ nét khẳng định hiệu quả của chính sách hỗ trợ phát triển nông thôn.

Hiện, dư nợ của Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng đạt hơn 1.600 tỷ đồng, hơn 40% dư nợ được cho vay để phát triển nông lâm nghiệp. Trong đó có hơn 60 tỷ đồng cho các chủ thể, hợp tác xã vay để xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP.

Xây dựng thành công sản phẩm OCOP, thu nhập của người dân và các hợp tác xã tăng cao, thị trường được mở rộng, quy mô sản xuất và chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng lên. Ảnh: Thanh Nga

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Đình Long, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng, Lào Cai cho biết: Những năm qua, Agribank đã đồng hành cùng các hợp tác xã, hộ gia đình có sản phẩm với mục tiêu phát triển, xây dựng thêm các sản phẩm OCOP. Việc triển khai các gói vay ưu đãi luôn được chúng tôi chủ động thực hiện. Hiện chúng tôi đang tập trung vào thẩm định, hỗ trợ vốn vay khách hàng. Thực tế cho thấy, mặt lãi suất đã giảm từ 1-1,5% so với lãi suất thông thường đối với các sản phẩm OCOP.

Có thể nói rằng, việc được vay vốn ưu đãi từ ngân hàng là đòn bẩy quan trọng cho các sản phẩm OCOP. Vốn ưu đãi giúp giảm thiểu rủi ro tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất và tiếp cận thị trường rộng lớn hơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn bền vững. Điều này không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mà còn nâng cao đời sống người dân.