Mục tiêu khó nhưng huyện Mường Ảng quyết làm vì người nghèo
Chia sẻ với phóng viên, ông Tô Trọng Thiện, Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết: "Trong chương trình, kế hoạch toàn khóa của BCH Đảng bộ Mường Ảng, đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 35 triệu đồng/người/năm. Mỗi năm giảm từ 5,5% tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn (theo chuẩn nghèo đa chiều).
Để thực hiện được Nghị quyết của Đảng bộ huyện đã đặt ra, chúng tôi tập trung giải pháp đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, lao động là hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Như vậy sẽ giải quyết được nguyên căn từ gốc của vấn đề giảm nghèo bền vững". Theo quan điểm của ông Tô Trong Thiện, Mường Ảng có nguồn lao động phổ thông rất lơn, nhưng hầu hết chưa qua đào tạo, thiếu kỹ năng lao động chuyên nghiệp. "Lao động chủ yếu vẫn là làm việc phổ thông, thiếu kỹ năng và kiến thức chuyên sâu về các ngành nghề. Nhiều lao động không có bằng cấp hoặc chứng chỉ nghề, dẫn đến khó khăn trong việc tiếp cận các công việc yêu cầu kỹ thuật hoặc các công việc có mức lương cao hơn. Lao động tại Mường Ảng phần lớn vẫn làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp truyền thống. Thiếu các ngành công nghiệp phụ trợ hoặc dịch vụ khác khiến lao động không có nhiều lựa chọn nghề nghiệp và phải phụ thuộc vào mùa vụ" ông Thiện cho biết thêm
Để giải bài toán việc làm cho người lao động, thời gian qua, huyện Mường Ảng đã tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Sau khi hoàn thành các khóa đào tạo nghề, nhiều lao động tại Mường Ảng có thể tiếp cận các công việc mới với thu nhập cao hơn so với công việc nông nghiệp trước đây. Ví dụ, những người được đào tạo nghề chăn nuôi, trồng trọt công nghệ cao, hoặc các ngành dịch vụ như sửa chữa máy móc nông nghiệp có thể nhận được mức lương cao hơn từ 1,5 đến 2 lần so với làm nông truyền thống. Những người lao động đã qua đào tạo thường có kỹ năng áp dụng công nghệ, kiến thức mới vào sản xuất, giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Điều này giúp họ tăng thu nhập thông qua việc bán sản phẩm có giá trị hơn hoặc với sản lượng cao hơn. Ví dụ, người được đào tạo về kỹ thuật trồng trọt theo hướng hữu cơ hoặc công nghệ cao có thể thu được lợi nhuận cao hơn từ nông sản.
Tăng tỷ lệ việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp cho lao động nông thôn
Nhờ có các kỹ năng mới, nhiều lao động sau khi hoàn thành khóa học đã tìm được việc làm không chỉ tại địa phương mà còn ở các khu vực lân cận. Những ngành như cơ khí nông nghiệp, chế biến thực phẩm, hoặc chăn nuôi hiện đại mở ra cơ hội cho họ làm việc tại các cơ sở sản xuất hoặc tự khởi nghiệp. Đào tạo nghề giúp lao động không còn phải phụ thuộc hoàn toàn vào công việc nông nghiệp thời vụ. Nhiều người sau khi học nghề đã tìm được việc làm quanh năm trong các lĩnh vực dịch vụ hoặc sản xuất, từ đó đảm bảo thu nhập ổn định, giúp tỷ lệ thất nghiệp giảm đi đáng kể.
Đề cập mục tiêu "hàng năm giảm từ 5% hộ nghèo, trong đó hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 5,5% trở lên", ông Tô Trọng Thiện, Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng khẳng định: "Đây là mục tiêu xuyên suốt, trụ cột trong ba chương trình mục tiêu quốc gia, gồm: Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và chương trình phát triển kinh tế - xã hội vừng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030 mà cấp ủy, chính quyền huyện Mường Ảng đã xác định. Đây cũng chính là mục tiêu căn bản được BCH Đảng bộ huyện đề ra trong giai đoạn 2020-2025".
Theo ông Tô Trọng thiện thì để thực hiện mục tiêu này, UBND huyện Mường Ảng đã giao đầu việc, chỉ tiêu, số lượng, nguồn vốn cụ thể theo kế hoạch từng năm, cả giai đoạn cho các phòng, ban, đơn vị trực thuộc. Trong đó, huyện đặc biệt coi trọng giải pháp đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, lao động là đồng bào dân tộc thiểu số giúp người lao động nâng cao trình độ lao động, sản xuất đồng thời nâng cao ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo.
Là một trong những đơn vị được huyện giao đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Mường Ảng đã tổ chức 18 lớp đào tạo nghề trồng, chăm sóc, chế biến cà phê và phòng, trị bệnh cho vật nuôi (cụ thể là con lợn), thu hút 324 người lao động tham gia. Trong đó có 9 lớp với tổng số 162 người lao động học trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến cà phê trong thời gian 3 tháng; 9 lớp với 162 người học kĩ thuật chăm sóc vật nuôi (con lợn) cũng học, thực hành trong thời gian 3 tháng.
Ông Hoàng Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Mường Ảng, cho biết: Xác định việc tổ chức các lớp học là phục vụ người học, đảm bảo đào tạo gắn với việc làm để khi kết thúc mỗi khóa học có ít nhất 80% người học nghề có việc làm hoặc tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập từ nghề đã học, do vậy trước khi tổ chức các lớp học thì cán bộ Trung tâm phải về từng xã phát phiếu khảo sát nhu cầu, căn cứ số người đăng ký, nguyện vọng Trung tâm tiến hành tổ chức đào tạo theo từng xã, từng cụm xã. Việc tổ chức lớp đào tạo nghề tại xã, cụm xã để tạo thuận lợi cho người học, để người học không phải đi lại xa, được ăn ở tại nhà nên họ yên tâm theo học.
Anh Lò Văn Lả ở bản Xuân Nứa, xã Mường Lạn, cho biết: Gia đình tôi có một ít đất trồng cây cà phê đã cho thu hoạch nhưng năng suất không cao, vì không biết cách chăm sóc, phòng trị bệnh cho cây. Vừa qua, được tham gia đào tạo nghề trồng, chăm sóc cà phê do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức tôi đã hiểu được đặc tính sinh vật học, chu kì sinh trưởng, phát triển trong từng giai đoạn của cây và tôi còn biết cách nhận biết các loại sâu bệnh hại cây theo từng giai đoạn sinh trưởng, từng mùa theo năm. Sau khi học nghề, tôi đã có thêm kiến thức để thực sự yên tâm khi quyết định vay thêm vốn mở rộng diện tích cà phê của gia đình.
Nhận xét chung về khả năng tiếp nhận kiến thức, vận dụng vào thực tiễn sản xuất của gia đình, ông Trần Ngọc Sơn, Giám đốc Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Mường Ảng cho biết: 100% học viên học nghề là người dân tộc thiểu số ở địa phương, dù khả năng nhận thức hạn chế nhưng với phương thức đào tạo lý thuyết kết hợp thực hành bằng cách "cầm tay chỉ việc", lấy dẫn chứng là vật nuôi, cây trồng tại địa phương thì người học đã hiểu, đáp ứng tốt yêu cầu đào tạo. Do vậy, kết thúc mỗi khóa học, người lao động đều áp dụng cơ bản kiến thức vào thực tiễn, đem lại hiệu quả cao hơn, góp phần quan trọng giúp người dân nâng cao thu nhập, khuyến khích người dân tích cực tham gia các mô hình sản xuất, hỗ trợ giảm nghèo đã và đang được triển khai tại địa phương.