dd/mm/yyyy

Dấu ấn trong công tác giảm nghèo ở Mường Ảng

Là một trong những huyện nghèo của tỉnh Điện Biên với điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhưng với nhiều giải pháp mang tính sáng tạo, đột phá trong công tác chỉ đạo, điều hành, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, huyện Mường Ảng đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo.

Với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng phù hợp, huyện Mường Ảng đã đẩy mạnh phát triển cây cà phê và xác định đây là loại cây "xóa đói giảm nghèo" của huyện. Linh hoạt sử dụng các nguồn vốn từ 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia, nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi để hỗ trợ người dân về giống, kỹ thuật nhằm cải tạo diện tích cà phê già cỗi và trồng thêm mới. Đến nay, huyện đã phát triển được hơn gần 2.200 ha cây cà phê, chủ yếu là cà phê Arabica.

Dấu ấn trong công tác giảm nghèo ở Mường Ảng   - Ảnh 1.

Để hương vị cà phê Mường Ảng "bay xa", chính quyền huyện đã vào cuộc, tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm. Ảnh: Thanh Tùng

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Đạt, Bí thư Huyện ủy cho biết: "Trong những năm qua, cây cà phê của huyện đã cho chất lượng và sản lượng tốt, chúng tôi cũng kỳ vọng cây cà phê là cây chủ lực trong xóa đói giảm nghèo của huyện. Hiện nay, cây cà phê của huyện Mường Ảng cũng được người dân chăm sóc rất tốt. Để người dân có nơi tiêu thụ, huyện đã kết nối nhiều đơn vị kinh doanh, sản xuất cà phê đến thu mua của người dân. Đảm bảo người trồng cà phê không bị ép giá, tránh tình trạng được mùa mất giá như trước đây".

Để hương vị cà phê Mường Ảng "bay xa", chính quyền huyện đã vào cuộc, tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm. Ngay tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 7/2023, đích thân Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tiến Đạt đã về giới thiệu cà phê Mường Ảng bên hành lang kỳ họp Quốc hội. Như vậy chính quyền cùng doanh nghiệp đồng hành cùng người dân, trong việc quảng bá sản phẩm. Đây là cách nghĩ, cách làm táo bạo của những người đứng đầu huyện Mường Ảng.

Cây cà phê phát triển tốt, đời sống người dân được nâng lên. Bà Trần Thị Nhất, tổ dân phố 4, thị trấn Mường Ảng chia sẻ: "Từ khi giá cà phê tăng và giữ ổn định trong nhiều năm, gia đình tôi đã vay vốn ngân hàng để trồng, mở rộng diện tích cà phê. Không những thế, nhiều gia đình cũng vay vốn để trồng. Khi được vay vốn, chị em phát triển kinh tế rất tốt, cà phê nhà nào cũng vài ha, có nhà 7- 8 ha có nhà 22 ha".

Cùng với phát triển cây cà phê, huyện Mường Ảng cũng triển khai nhiều dự án giảm nghèo, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, đưa các loại cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Điển hình như dự án trồng thí điểm gần 10 ha cây gai xanh ở xã Búng Lao, Xuân Lao…

Ông Lò Văn Ngưng, Phó Chủ tịch UBND xã Búng Lao chia sẻ: "Có chủ trương thực hiện thí điểm mô hình trồng cây gai xanh. Xác định cây gai xanh có giá trị kinh tế, tăng thêm thu nhập cho người dân, xã cũng triển khai trồng thí điểm cho người dân với diện tích là 5 ha".

Xác định phát triển hạ tầng nông thôn là một trong những đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, từ năm 2020 đến nay, huyện Mường Ảng  đã đầu tư xây dựng 6 dự án thủy lợi, 27 dự án giao thông, 5 dự án cấp nước sinh hoạt, 3 dự án hạ tầng xã hội.  Đến nay, huyện đã có gần 180km đường nội bản được cứng hóa, có 113/118 bản có điện, gần 97% người dân được dùng điện lưới; gần 98% số hộ nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh. Để nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo, huyện Mường Ảng đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về tinh thần phát huy nội lực, tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, thay đổi tư duy, nhận thức, từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.

Dấu ấn trong công tác giảm nghèo ở Mường Ảng   - Ảnh 3.

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 7/2023, đích thân Bí thư Huyện ủy Nguyễn Tiến Đạt đã giới thiệu cà phê Mường Ảng bên hành lang kỳ họp. Ảnh: Thanh Tùng

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Bí thư Huyện ủy thì, tỷ lệ hộ nghèo của Mường Ảng bình quân giảm 5-6%, hiện nay còn 30,45%. Trong đó, huyện tập trung vào nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, giữ vững 2.200 ha cây cà phê, tập trung phát triển diện tích cây ăn quả có giá trị kinh tế. Hiện nay đang triển khai các dự án trồng cây mắc ca, trồng rừng phục vụ nhà máy điện sinh khối và một số dự án khác để phục vụ đời sống nhân dân".

Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, song diện mạo nông thôn, đời sống của Nhân dân huyện Mường Ảng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 30%, giảm bình quân hơn 5,%/năm, huyện có gần 2.300 lao động được tạo việc làm mới trong giai đoạn 2020-2023, thu nhập bình quân đầu người đã đạt trên 29 triệu đồng/người/năm. Nỗ lực giảm nghèo bền vững, từ nay đến cuối nhiệm kỳ, cấp ủy, chính quyền huyện Mường Ảng sẽ tiếp tục tuyên truyền chính sách giảm nghèo, huy động nguồn lực thực hiện hoạt động trợ giúp xã hội, tiếp tục nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả. Đồng thời, kiểm tra, giám sát, đánh giá đúng thực chất Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, khơi dậy ý chí lao động, ý thức vươn lên của từng hộ gia đình.

Thanh Tùng