dd/mm/yyyy

Dốc vốn trồng ớt chuông, anh nông dân thu tiền tỷ

"Tôi bắt đầu chuyển đổi cây trồng từ cà phê sang ớt chuông, và từ ngoài trời sang phát triển công nghệ cao để bình ổn giá, cho năng suất, chất lượng cao".

Đó là chia sẻ của anh Bùi Huy Nhung (35 tuổi, xã Tân Hà, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) về mô hình trồng ớt chuông, rau ngắn ngày trong nhà kính, giúp anh thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm.

Chọn về quê làm nông nghiệp

Tốt nghiệp trung học phổ thông, anh Nhung bôn ba khắp nơi với đủ thứ nghề nhưng cuối cùng anh vẫn chọn trở về quê hương, mong muốn sử dụng diện tích đất gia đình đang có để làm nông nghiệp.

Khởi nghiệp từ năm 2013 với các loại củ cải, cà rốt... trồng ngoài trời, anh Nhung không ít lần thất bại do: Sâu bệnh, thời tiết... khiến năng suất bị giảm, lái buôn đến mua với giá thấp hoặc không nhận. Cũng chính từ những lần thất bại ấy, anh đã mạnh dạn, tích lũy nhiều kinh nghiệm, chu toàn hơn về cách làm cũng như cách chăm sóc cho những đợt đầu tư về sau.

Đầu năm 2016, được biết làm nông nghiệp công nghệ cao sẽ tiết kiệm và cho năng suất sản phẩm tốt hơn, nên dù chi phí đầu tư ban đầu gấp đôi so với trồng ngoài trời, anh vẫn quyết định vay mượn, cộng thêm số vốn đang có để làm hệ thống nhà kính, tưới tiêu tự động...

Dốc vốn trồng ớt chuông, anh nông dân thu tiền tỷ - Ảnh 1.

Anh Bùi Huy Nhung tiên phong làm nhà kính và trồng ớt chuông, cho thu nhập kinh tế cao tại xã Tân Hà, huyện Lâm Hà. Ảnh: Thân Hiền

"Anh Bùi Huy Nhung là người đi đầu trong chuyển đổi cây trồng sang nhà kính; đồng thời anh cũng đưa các giống cây trồng mới để bà con trong vùng học hỏi, phát triển kinh tế gia đình ổn định".

Ông Doãn Xuân Tưởng -

Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Hà

Hoàn tất sau thời gian dài, vườn của anh lúc ấy chủ yếu trồng dưa leo baby để bao tiêu sản phẩm cho hợp tác xã và Công ty ớt chuông Hoa ớt tại Đức Trọng. Ngày ấy, anh được chủ công ty ở Đức Trọng giới thiệu về sản phẩm ớt chuông đang chiếm lợi thế và có giá trị cao. "thấy tò mò, tôi thăm hỏi nhưng họ bảo loại này chỉ có những người được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm và phải đầu tư số vốn ban đầu lớn mới có thể thành công được. Mãi sau này, khi tôi gặp được một người chú ở Hợp tác xã Su Su Công Thành tại Nam Ban, chú ấy đã chỉ cho tôi và khuyên tôi nên thay đổi cây trồng. Nghe rồi, tôi "đánh liều" dốc vốn liếng trồng ớt chuông trong nhà kính" - anh Nhung cho biết.

Kiếm tiền tỷ nhờ kiên trì

Từ chỗ là nông dân đang trồng ngoài trời, do chưa nắm được kỹ thuật và cách chăm sóc cây trong nhà kính, ngay từ lần đầu tiên cây đã gặp nhiều sâu bệnh. Thời gian đó, anh thường xuyên tìm đến bạn bè hoặc tham gia các lớp tập huấn của xã, huyện tổ chức để nắm được thêm kiến thức, cách làm hiệu quả. Vực dậy sau những lần thất bại, thời gian về sau, vườn ớt chuông của anh sinh trưởng và phát triển tốt hơn.

Nắm vững kiến thức trồng ớt chuông và thấy giá trị kinh tế mang lại cao, anh dần mở rộng khu nhà kính nhỏ lẻ thành diện tích lớn. Với cách đầu tư có hiệu quả, hiện diện tích đất sản xuất nông nghiệp trong nhà kính của anh đạt hơn 1ha; trong đó, 9.500m2 trồng ớt chuông đỏ.

Với mức giá dao động từ 17 - 20 tấn/năm, việc trồng ớt cho anh thu nhập hơn 200 triệu đồng/sào. Diện tích còn lại anh dùng để trồng rau ngắn ngày hoặc dưa leo baby, sú tim, cà chua... với tổng thu nhập bình quân của hơn 1ha nhà kính là hơn 1 tỷ đồng/năm.

Anh Nhung cho biết thêm, để đảm bảo được chất lượng và số lượng, anh bắt đầu tìm đầu ra cho sản phẩm, chủ yếu là lái buôn ở Đà Lạt hoặc Sài Gòn. Đầu năm 2018, với mong muốn sản phẩm của mình hoàn toàn sạch, đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng và hơn hết là để tránh sâu bệnh nên anh chuyển qua giá thể, trồng chậu cây trong nhà kính. Cụ thể, anh sử dụng các loại phân bón từ tự nhiên bằng cách ủ men vi sinh, phân chuồng... sau đó sẽ trồng ớt chuông vào chậu để cây giảm thiểu sâu bệnh.

Từ mô hình của anh Nhung, đến nay xã có 14ha rau, hoa trong nhà kính. Không những vậy, anh Nhung còn thành lập nhóm gồm những người trong và ngoài xã, thường xuyên tham quan vườn của các hộ gia đình, nhằm chia sẻ và trao đổi các kinh nghiệm trong sản xuất, phòng trừ sâu bệnh và áp dụng hiệu quả. Bên cạnh đó, anh cũng là người năng nổ, sẻ chia, cùng địa phương đóng góp xây dựng nông thôn mới với số tiền 15 triệu đồng. Năm 2019, anh Nhung là 1 trong 2 gia đình tiêu biểu của huyện Lâm Hà vinh dự được UBND tỉnh tặng bằng khen trong phong trào thi đua yêu nước.

Thân Hiền