Clip: Vẻ đẹp nguyên sơ và bình yên của "làng nguyên thuỷ 3 không" Hang Táu.
Từ Quốc lộ 6, chúng tôi rẽ lên con dốc cao đi vào bản Tà Số (xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, Sơn La). Con đường đã được "cứng hoá", không rộng rãi nhưng cũng đủ để cho mỗi "tay lái" yên tâm chinh phục con dốc cao, dài khoảng 6km này. Hai bên đường cây xanh phủ bóng, không khí trong lành, thi thoảng lại gặp những cây hoa ban đang thì nở rộ, vươn cành hoa rực rỡ tô điểm thêm sắc Xuân cho cung đường vào "làng nguyên thuỷ 3 không" nơi cao nguyên Mộc Châu. Từ trên đỉnh dốc nhìn xuống các bản làng của xã Chiềng Hắc, thấp thoáng những mái nhà sàn ẩn hiện, nép bên những vườn mận xanh tươi mỡ màng.
Lần đầu vào bản Tà Số, chúng tôi lạ đường nên ghé vào nhà anh Mùa A Vang (người dân bản Tà Số) hỏi chuyện. Anh Mùa A Vang nói sõi tiếng phổ thông, dù đang tiếp khách, vẫn xởi lởi mời chúng tôi chén nước chè xanh.
Nhà anh Vang ngay gần khu đầu bản, có sân bãi to rộng. Anh Vang kể: Nhà tôi và một số nhà khác quanh đây là nơi để khách nghỉ chân ăn uống, gửi xe hoặc đổi phương tiện xe máy cho phù hợp với việc trải nghiệm khi đến Hang Táu. Hang Táu là nơi cư trú của nhiều hộ dân nhưng vì sự cách biệt của núi rừng nên đường vào bản vừa nhỏ, vừa dốc cao, ngoằn nghèo, đá hộc… chỉ có xe ô tô 2 cầu và "tay lái lụa" mới lọt vào được một cách an toàn. Nhưng bản cũng có đội xe ôm "rất lụa", gồm cả nam và nữ để phục vụ quý khách. Mọi chuyện ăn uống, an ninh, giao thông ở đây, quý khách chỉ ới 1 câu là chúng tôi đáp ứng liền. Bản có Hợp tác xã du lịch Hang Táu nên mọi khó khăn đều có thể giải quyết nhanh chóng.
Đường vào "làng nguyên thuỷ 3 không" dốc cao, ngoằn nghèo, đá hộc… chỉ có xe ô tô 2 cầu và "tay lái lụa" mới "lọt vào" an toàn. Ảnh: Thanh Tâm.
Gọi giúp chúng tôi hai "tay lái" xe máy cừ khôi trong bản, anh Vang dặn trước: Từ nhà anh sóng điện thoại đã yếu, chỉ bắt được sóng Viettel nhưng cũng chập chờn. Vào đến Hang Táu thì đúng là "3 không": không sóng điện thoại, không mạng internet và không cả điện lưới nữa.
Từ chỗ nhà anh Vang đi vào "làng nguyên thuỷ 3 không" Hang Táu dài khoảng 3km. Đường đi không dài nhưng hiểm, nhiều chỗ xói lở, trơ mặt đá, lại có những đoạn dốc tưởng như dựng đứng. Khi lên dốc, xe máy phải rồ ga hết cỡ rồi lại trượt xuống dốc đứng, cảm giác như tim hẫng một nhịp. Vượt qua cung ấy, đến khu đất bằng phẳng, hai bên đường cảnh sắc dịu dàng và yên ả, xanh mướt những vườn mận, vườn đào đương độ đơm trái.
Vào đến cổng "làng nguyên thuỷ 3 không" Hang Táu, hai "tay lái" tạm biệt chúng tôi để quay lại đón những đoàn khách mới. Cổng "làng nguyên thuỷ 3 không" Hang Táu được dựng lên đơn giản, cái tên Hang Táu được viết bằng sơn trắng trên gỗ mộc, ngay cổng có treo biển ghi một số lưu ý với du khách. Cạnh cổng có lán nhỏ, mái phủ cỏ, rơm khô, thanh niên trong làng ngồi đó để đón khách.
Người dân "làng nguyên thủy 3 không" đón khách du lịch, cho thuê trang phục dân tộc, bán đồ lưu niệm, bán đặc sản địa phương. Ảnh: Thanh Tâm.
Ngay sau cổng Hang Táu là hai dãy lán được dựng bằng khung gỗ, lợp mái prô xi măng để tránh nắng. Dãy bên phải từ cổng vào trưng bày trang phục dân tộc Mông, sặc sỡ sắc màu thổ cẩm. Nhân dịp thảnh thơi, những bà, những mẹ và các cô gái trong làng tranh thủ ngồi thêu thùa; làm thêm những bộ áo, váy mới. Váy áo được trưng bày đa dạng, đính cườm lấp lánh. Giá thuê ổn định, váy ngắn là 50.000 VNĐ/bộ, váy dài là 100.000 VNĐ/bộ, bao gồm cả mũ đội, trang sức…
Dãy bên trái từ cổng vào là khu ăn uống, khách đến có thể nghỉ ngơi, thưởng thức các món ăn nhẹ như: bánh sắn chiên, nước mía, xúc xích… Bàn ghế tại đây đều được làm từ gỗ mộc, ghế là khúc thân cây to, mài mặt cho phẳng, nhìn rõ từng đường vân, thớ gỗ. Bên ngoài hai dãy lán treo những chùm bắp ngô khô vàng rộm hay những trái bí, trái bầu khô như nậm rượu trong huyền thoại Tây Du Ký.
Đúng như lời anh Vang, tại đây, chúng tôi không bắt được sóng điện thoại, không có mạng 3G, 4G... Hai dãy nhà cũng không có đèn điện. Dân bản và du khách chỉ sinh hoạt nương theo ánh nắng mặt trời. Các em bé người Mông nô đùa trên con đường đất.
Đang thưởng thức hương vị ngọt bùi của miếng bánh sắn chiên, chúng tôi gặp anh Mùa A Cho, giám đốc HTX Du lịch Hang Táu. Anh Cho mặc trang phục dân tộc Mông, đầu đội mũ cối, da rám nắng, khuôn mặt thật tươi với nụ cười thân thiện. Anh thoăn thoắt dẫn chúng tôi đi tham quan làng.
Làng "nguyên thuỷ 3 không" Hang Táu nằm bình yên, lặng lẽ giữa thung lũng, bốn bề là núi, là đá. Cỏ cây mọc trên sỏi đá, dần dần vươn cao, khép tán, che chở cho những mái nhà nằm rải rác bên sườn núi. Giữa thung lũng, thi thoảng lại xuất hiện những bãi đá xám, có những chỏm đá cao vổng lên, đủ những hình thù kỳ dị được tạo hình bởi năm tháng. Nhà trong bản xây dựng đơn sơ, vách nhà làm từ gỗ, mái lợp prô xi măng. Anh Cho chia sẻ: "Để giữ gìn vẻ đẹp nguyên thuỷ, nhà trong làng đa phần không lắp đèn điện, chỉ có một số hộ hiện nay đã lắp thêm đèn pin năng lượng mặt trời".
"Làng nguyên thuỷ 3 không" Hang Táu nhìn từ trên cao. Ảnh: Anh Đức.
Anh Cho giới thiệu thêm với chúng tôi: "Du khách khi đến Hang Táu trải nghiệm sẽ ăn ở cùng với người dân bản địa. Nhà không lắp đèn điện, wifi nên các hoạt động giải trí chủ yếu diễn ra tại bãi cỏ nằm giữa thung lũng. Du khách có thể đi tham quan, chụp ảnh trong thung lũng, leo núi. Ngoài ra, chúng tôi cũng tổ chức thêm các hoạt động giới thiệu văn hoá dân tộc Mông cho khách trải nghiệm như xát lúa, giã bánh dày, tô sáp ong, thêu thùa, cưỡi ngựa…".
Hoạt động ăn uống được diễn ra chủ yếu ở nhà ăn nằm phía cuối thung lũng. Các bữa chính của du khách được phục vụ theo bữa cơm hằng ngày của người dân bản địa. Các món ăn tại đây được chế biến từ những nguyên liệu có sẵn trong làng, do người dân tự nuôi trồng, thu hái. Nếu muốn thưởng thức các món ăn theo nhu cầu, du khách có thể đặt trước với người dân.
Du khách trải nghiệm vẻ đẹp hoang sơ, cuộc sống bình yên nơi "làng nguyên thuỷ 3 không" Hang Táu . Ảnh: Thanh Tâm.
Không điện, không wifi nên Hang Táu cũng không thể quảng bá thường xuyên như các địa điểm khác. Vì thế, duyên cớ đến với Hang Táu của nhiều du khách cũng rất thú vị. Có người biết đến địa điểm này qua KOLs trên mạng xã hội, có người tìm đến qua báo đài, có người lại qua lời người quen, có người thì tìm đến theo gợi ý của người dân địa phương.
Vô tình biết đến Hang Táu qua mạng xã hội, bạn Minh Trang (thành phố Hà Nội) đã bày tỏ sự ấn tượng với vẻ đẹp độc đáo của địa điểm này: Khi đến đây, em cảm thấy khu vực này vẫn còn rất hoang sơ. Em rất vui vì dù đã có nhiều du khách đến đây nhưng Hang Táu vẫn không trở thành khu du lịch "bê tông hoá", vẫn giữ được vẻ đẹp đặc trưng của vùng đất này. Em đã có những trải nghiệm thú vị. Em cũng sợ khi đi đường đèo, đường dốc vào đây nhưng đến nơi rồi em vẫn thấy quá là xứng đáng.
Được anh Tráng A Chu, ông chủ của A Chu homestay có tiếng trên đất Vân Hồ (Sơn La) giới thiệu đến Hang Táu, anh Quang Thắng (thành phố Hà Nội) cũng cảm thấy thích thú với trải nghiệm tại đây: "Tôi từng đến homestay của anh A Chu vài lần, thích lắm. Sau anh giới thiệu cho tôi thêm Hang Táu để trải nghiệm, đến rồi thì đúng là ấn tượng thật. Ở đây không điện lưới, không sóng điện thoại, không mạng internet, cũng có cái bất tiện, phải nhắn trước thông tin cho người thân rồi mới dám lên. Nhưng vào đến đây thì như để lại hết xô bồ ở phố thị, cứ bình dị, an yên mà qua ngày".
Theo lời anh Mùa A Cho, giám đốc HTX Du lịch Hang Táu thì: Mỗi tháng, Hang Táu đón hàng ngàn du khách. HTX có quy mô 21 hộ với hơn 100 nhân khẩu, trong đó trừ trẻ em trong độ tuổi đi học, có 63 nhân khẩu trực tiếp tham gia lao động. Tất cả đều là người Mông, các hộ đều là anh em trong nhà, thuộc dòng họ Mùa. Người trong Hang Táu không theo đạo, chỉ thờ cúng theo phong tục của dân tộc Mông tự bao đời.
Đứng trên sườn núi giáp thung lũng, anh Cho chỉ cho chúng tôi quy mô của HTX: "Nếu tính hết thì HTX chúng tôi có quy mô khoảng 8 - 9 ha. Chúng tôi sống ở đây từ năm 1979, đều là anh em cùng dòng họ cả. Ngày ấy, chúng tôi đi bộ di cư dần từ huyện, xã khác trong tỉnh về đây. Sau, sống tại Hang Táu, anh em đến tuổi thì đi lấy vợ từ bản khác, dần dần cũng đông đúc".
Con đường dài nhiều km dẫn vào "làng nguyên thuỷ 3 không" Hang Táu cũng là nỗ lực của các thế hệ người dân sinh sống trên mảnh đất này. Những ngày đầu, đường vào Hang Táu trắc trở, lắm dốc cao, nhiều đá lớn. Năm 1989, người dân trong Hang Táu bắt đầu mở đường, mỗi năm lại làm thêm từng đoạn mới, để đến nay, mới có con đường đất dẫn khách vào làng.
Trước đây, nhiều người chưa biết đến Hang Táu, người dân trong "làng nguyên thuỷ 3 không" ít giao lưu với bên ngoài, sống tự cung tự cấp. Người xưa sống không điện, không sóng điện thoại, không mạng internet và người ngày nay vẫn thế. Giờ chủ động hơn, làm du lịch, đón khách tứ phương về nhưng nhà cửa, trang phục đến nếp ăn uống, lao động của hơn 20 hộ trong HTX vẫn giữ nguyên vẻ ban sơ. "Chúng tôi sống như thế này bao năm, sống thế này bao nhiêu đời người rồi, cũng quen rồi. Ngủ không có điện, chúng tôi chỉ thắp một ánh đèn nhỏ để mình nhìn thấy mà ăn cơm, gắp miếng thịt, uống chén rượu, nhiều du khách thấy cũng hay. Đến với Hang Táu là đến với sự yên bình, là đến với môi trường sống trong lành, là sự hoài cổ. Chúng tôi ở đây rất thân thiện và sẵn lòng dành sự thân thiện ấy với mọi du khách", anh Cho bảo như vậy.
Những ngôi nhà tại "làng nguyên thuỷ 3 không" Hang Táu đã nhuốm màu thời gian, nằm lặng lẽ dưới chân núi. Ảnh: Thanh Tâm.
Anh Quang Thắng (thành phố Hà Nội) chia sẻ: "Những trải nghiệm tại Hang Táu làm tôi nhớ đến một dòng thơ trong bài "Nói với con" của nhà thơ Y Phương - "Sống như sông như suối". Người dân và cảnh sắc tại đây đẹp hồn nhiên, mộc mạc. Mình từ miền xuôi lên, nhịp sống khác nên chưa quen với cách sống này. Nhưng sống theo họ vài hôm cũng thấy tâm hồn mình như trẻ lại, trong trẻo hơn".
Bao đời gắn bó với rừng trong sự tĩnh tại, nay làm du lịch, người dân Hang Táu vẫn quyết giữ rừng, nỗ lực bảo vệ vẻ đẹp nguyên sơ tại đây như một nét độc đáo của mình. Anh Cho bảo: "Núi và rừng thì ở Tây Bắc này không hiếm. Nếu có điểm khác biệt giữa chỗ chúng tôi với những địa điểm du lịch khác thì là sự nguyên sơ của vùng đất này. Vẻ đẹp của rừng nguyên sinh được bà con trong Hang Táu giữ gìn, từ cái cây trên đồi, hòn đá trên núi… đến tiếng gió núi ở đây cũng nguyên vẻ hoang sơ".
Người dân "làng nguyên thuỷ 3 không" tích cực hưởng ứng Lễ phát động chiến dịch truyền thông trồng rừng và phục hồi rừng, giảm lượng khí thải nhà kính/ các-bon do Hội Nông dân tỉnh Sơn La phối hợp với UBND huyện Mộc Châu tổ chức tại bản Tà Số, xã Chiềng Hắc. Ảnh: Thanh Tâm.
Khu du lịch Hang Táu vào cuối tháng 3 được Hội Nông dân tỉnh Sơn La và UBND huyện Mộc Châu lựa chọn để trồng thực địa 600 cây giống lê xanh nhân Lễ phát động chiến dịch truyền thông trồng rừng và phục hồi rừng, giảm lượng khí thải nhà kính/ các-bon tại huyện Mộc Châu. Tham gia lễ phát động, bà con trong "làng nguyên thuỷ 3 không" Hang Táu ai ai cũng phấn khởi. Thanh niên trai tráng, chị em trong làng tích cực tham gia hưởng ứng. Giữa cái lạnh se se của buổi sáng miền núi, cán bộ và người dân cùng nhau leo đồi, cuốc đất, trồng cây. Triền đồi vang tiếng người gọi nhau, tiếng cuốc xẻng, tiếng cười của bà con. Anh Cho bảo: "Ở chỗ chúng tôi, không điện lưới, không sóng điện thoại, không internet, thiếu thốn nhiều thứ, nhưng chúng tôi có cái ấm áp của tình người. Du khách đến với chúng tôi, chắc chắn sẽ mang về theo sự ấm áp, chân tình và những kỉ niệm đẹp về một bản Mông hoang sơ mà gần gũi. Khách ở xa, nếu muốn đặt lịch trước, chỉ cần alo cho tôi theo số điện thoại 0377 523 197 là mọi yêu cầu sẽ được đáp ứng".