Về vùng chăn nuôi vang tiếng một thời của huyện Bình Lục là xã Ngọc Lũ, chúng tôi vẫn thấy những ngôi cao tầng nằm xen kẽ những biệt thự khang trang. Nhưng khác trước, trong nhiều ngôi nhà đẹp đẽ ấy không một bóng người qua lại. Họ là chủ những trang trại lợn vì vỡ nợ, phá sản đã bỏ xứ đi biệt tích.
Từng nuôi đàn lợn gần 300 con, giờ đây trong chuồng của gia đình bà Hoàng Thị Tuyết, hộ chăn nuôi ở Ngọc Lũ chỉ còn 100 con lợn. Hơn 1 tỷ đồng cùng nhiều sổ đỏ của gia đình đã “đội nón” ra đi sau đợt bùng phát dịch tả lợn châu Phi năm 2019, “gối” sau đó là dịch Covid-19 và bão giá thức ăn chăn nuôi.
Bà Hoàng Thị Tuyết than thở: "Tôi cạn kiệt lắm rồi. Vay ngân hàng cũng không được vì mình vẫn còn nợ, chưa trả hết được. Nên họ cũng không cho mượn.”
Rủi ro liên tiếp ập đến khiến các hộ sản xuất chao đảo. Ngậm ngùi nhớ lại thời đỉnh cao của nghề, ông Nguyễn Ngọc Luyến, thôn đội, xã Ngọc Lũ cho biết, thời ấy, cứ có mảnh đất nào là người dân trong thôn làm chuồng nuôi lợn. Lợn từ trại giống về đến nhà là có đại lý cung ứng thức ăn đến tận chuồng mà không cần thanh toán trước. “Nhưng giờ thì khác rồi”, chỉ còn những hộ có tiềm lực kinh tế bám trụ được với nghề này.
“Nói chung sản lượng so với đợt trước dịch giảm đi nhiều. Trước kia mỗi hội nghị của huyện mình mà không có bài phát biểu của Ngọc Lũ là các lãnh đạo không vui rồi vì chăn nuôi lớn nhất nhì miền Bắc cơ mà. Nhưng do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, giờ chỉ còn những hộ có tiềm lực kinh tế họ nuôi lợn lướt, còn đại đa số giảm nhiều” - ông Nguyễn Ngọc Luyến chia sẻ.
Tại các địa bàn khác của huyện Bình Lục, tình hình cũng không mấy khả quan khi phần lớn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã treo chuồng hoặc giảm quy mô đàn.
Theo anh Hoàng Văn Thường, thôn Đích Triều, xã Tiêu Động, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, giá lợn hơi hiện nay đang ở mức thấp (dao động 55.000 - 57.000 đồng/kg) trong khi giá thức ăn chăn nuôi rất cao khiến gia đình anh không dám tái đàn.
“Cách đây 2019 đến nay khi có dịch tả châu Phi, lợn xuống giá nhiều người nghỉ không nuôi nữa. Vì dịch tả châu Phi này con lợn rủi ro hơi lớn” - anh Hoàng Văn Thường nói.
Hiện tổng đàn lợn trên địa bàn huyện Bình Lục đã giảm hơn 1 nửa so với thời kỳ cao điểm năm 2015.
Theo ông Nguyễn Xuân Đức, phó Chủ tịch UBND huyện Bình Lục, để phát triển chăn nuôi bền vững, Huyện ủy, UBND huyện đã khuyến khích các hộ dân phát triển chăn nuôi lợn, chăn nuôi gia cầm, chăn nuôi bò thịt, nuôi trồng thủy sản quy mô tập trung. Huyện chỉ đạo các phòng, ban và các xã, thị trấn vào cuộc hỗ trợ bà con nông dân xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi lợn, gia súc, gia cầm.
“Cơ cấu chăn nuôi chiếm 58% trong ngành nông nghiệp địa phương. Hiện nay thì tổng đàn lợn hiện có khoảng 129.000 con. Thời điểm cao điểm của những năm trước đây thì có khoảng 220.000 con do là đàn lợn bị ảnh hưởng của bão giá cũng như dịch tả lợn châu Phi” - ông Nguyễn Xuân Đức cho biết.
Do cạn vốn nên nhiều hộ gia đình ở Bình Lục chọn phương án nuôi lợn “lướt sóng”, tức là không nuôi từ nhỏ mà mua lợn thương phẩm nuôi 20-30 ngày để chớp thời cơ tăng giá cao. Tuy nhiên phương án này cũng tiềm ẩn rủi ro bởi giá cả thị trường chăn nuôi hiện nay rất bấp bênh.
Nuôi lợn “lướt sóng” cũng giống như đầu tư chứng khoán, người nuôi cần phải có kinh nghiệm, nhạy bén với thông tin thị trường, chọn nuôi đúng thời điểm để xuất chuồng được giá cao.