Từ khi Chương trình Mỗi xã một sản phẩm được triển khai, đến nay phần lớn sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Điện Biên là các sản phẩm về nông nghiệp, trong đó khoảng 85 - 90% là sản phẩm nông nghiệp chủ lực và nông sản đặc trưng các địa phương, các dân tộc. Điển hình như: Gạo Điện Biên, chè Tủa Chùa, cà phê Mường Ảng, bí xanh Tìa Dình, dứa Mường Chà...
Phát triển sản phẩm OCOP, tỉnh Điện Biên ưu tiên xây dựng các sản phẩm đặc trưng, lợi thế của từng địa phương, người dân đã có kiến thức, kinh nghiệm sản xuất nhiều năm. Từ đó dễ thu hút người dân và chủ thể, doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất tiêu thụ, tạo nguyên nguyên liệu tập trung cho sản phẩm, đồng thời góp phần giảm chi phí trong xây dựng sản phẩm OCOP.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới tỉnh Điện Biên cho biết: Theo Đề án sản phẩm OCOP tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Điện Biên có 255 sản phẩm nông nghiệp và phi nông nghiệp có tiềm năng xây dựng sản phẩm OCOP. Trên cơ sở đó, các địa phương tiếp tục xây dựng lộ trình, kế hoạch các sản phẩm OCOP phù hợp với địa phương. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Điện Biên tập trung xây dựng thành công các sản phẩm OCOP trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ gắn với phát triển du lịch của tỉnh, nhất là du lịch ẩm thực các dân tộc, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa.
Tủa Chùa là huyện có nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực và sản phẩm nông sản đặc trưng. Triển khai thực hiện Chương trình OCOP từ năm 2019, đến nay huyện Tủa Chùa đã có 3 sản phẩm với được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, gồm: Chè Tủa Chùa (năm 2019); khoai sọ tím Tủa Chùa (năm 2020) và gạo vai gãy (năm 2021).
Bà Vũ Ngọc Ánh, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Thời gian qua, huyện Tủa Chùa đã sử dụng và lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn để tập trung xây dựng và phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện đạt chuẩn OCOP. Đặc biệt, huyện phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư cơ sở hạ tầng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) như: Hỗ trợ máy móc, công nghệ, kỹ thuật và giúp cho các chủ thể đăng ký nhãn hiệu độc quyền cho các sản phẩm. Sau khi được công nhận OCOP, chất lượng và mẫu mã sản phẩm đã được cải thiện đáng kể, từ đó được người tiêu dùng tin tưởng và đón nhận.
Trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục xây dựng các sản phẩm mới, huyện Tủa Chùa sẽ hỗ trợ cho các chủ thể tiếp tục đổi mới để từng bước thăng hạng cho sản phẩm OCOP. Tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu các sản phẩm theo hình thức liên kết, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo sức bật trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Giống lúa vai gãy được đưa vào gieo cấy tại huyện Tủa Chùa từ năm 2014, đến nay đã trở thành giống được người dân ưu tiên trong cơ cấu giống với diện tích khoảng 200ha/vụ tập trung chủ yếu tại các xã: Mường Báng, Xá Nhè, Mường Đun, Tủa Thàng và thị trấn Tủa Chùa. Năng suất lúa trung bình đạt 110 - 120 tạ/ha; chất lượng gạo không thua kém so với gạo vùng lòng chảo Điện Biên.
Nhận thấy giống lúa vai gãy phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và được đa số người dân sử dụng, năm 2021 huyện Tủa Chùa đã lựa chọn xây dựng sản phẩm gạo vai gãy thành sản phẩm OCOP với việc xây dựng dự án liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm cho giống lúa vai gãy. HTX Dịch vụ nông nghiệp Mường Báng là đơn vị chủ trì thực hiện dự án, với vùng nguyên liệu khoảng 30 ha tại xã Mường Đun.
HTX Dịch vụ nông nghiệp Mường Báng đã hướng dẫn người dân canh tác, sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng cao nhất. Bên cạnh đó, HTX phối hợp với các cơ quan chuyên môn xây dựng mẫu tem, nhãn mác và bao bì sản phẩm. Đến đầu năm 2022, Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh công nhận sản phẩm gạo vai gãy đạt chuẩn OCOP, xếp hạng 3 sao. Sau khi đạt chuẩn, HTX đã tiến hành nâng cấp hệ thống bao bì, nhãn mác, dán tem truy xuất nguồn gốc, đồng thời tổ chức quảng bá, bán sản phẩm tại các thị trường lớn như: Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng. Thời gian tới, HTX dự kiến mở rộng vùng nguyên liệu ra địa bàn các xã lân cận, sản xuất theo hướng an toàn, hàng hóa gắn với công nghệ chế biến.