Tủa Chùa xác định Nông thôn mới là thời cơ bứt phá
Tủa Chùa là một trong những huyện nghèo của tỉnh Điện Biên với đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, sống phân tán, trình độ và phương thức sản xuất còn lạc hậu, đời sống kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính. Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (NTM), đã tạo sự chuyển biến về nhận thức cho cán bộ và người dân.
Nhận thức được xây dựng nông thôn mới với 19 tiêu chí sẽ từng bước nâng cao đời sống vật, chất tinh thần cho người dân, các cấp chính quyền huyện Tủa Chùa đã vào cuộc một cách quyết liệt: thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, phân công các ngành chuyên môn thuộc UBND huyện theo dõi, giúp đỡ các xã đồng thời triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới tại 11/12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền về 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới tới mọi tầng lớp nhân dân.
Nhờ có sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị; sự năng động, sáng tạo của tập thể lãnh đạo đặc biệt là sự đồng thuận cao của nhân dân, kết quả rà soát, đánh giá kết quả thực hiện năm 2021 bình quân các xã trên địa bàn các huyện đạt 9,54/19 tiêu chí tăng 0,18 tiêu chí so với năm 2020, bình quân các thôn, bản trên địa bàn các huyện đạt 6,04/15 tiêu chí.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện và xã đã tổ chức quán triệt, tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu đúng đắn về mục đích ý nghĩa và tầm quan trọng của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn; thống nhất về nhận thức xây dựng nông thôn mới. Trách nhiệm của nhân dân được nâng lên, nhân dân đã xác định được mình là chủ thể chính trong xây dựng NTM nên đã chủ động đóng góp nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ tài sản chung, giữ gìn môi trường "xanh – sạch – đẹp".
Công tác chỉ đạo phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân ngày càng được quan tâm, bước đầu xây dưng thực hiện một số liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, một số xã đã chú trọng bảo tồn, phát triển các giống vật nuôi, cây trồng có tiềm năng, lợi thế để phát triển; các lĩnh vực về văn hóa, giáo dục, y tế, giảm nghèo đã có nhiều chuyển biến tích cực, môi trường, an toàn thực phẩm, quốc phòng và an ninh nông thôn được đảm bảo.
Những kết quả hiện hữu ở Tủa Chùa
Đến thời điểm này, xã Mường Báng (huyện Tủa Chùa) đã đạt chuẩn NTM. Xã đã huy động được gần 29 tỷ đồng; trong đó, nhân dân đóng góp hơn 18 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Đến nay, xã đã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới; tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 96,7%; thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,9%; không còn nhà tạm, nhà dột nát; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 97,4%...
Xác định để thực hiện hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới là một quá trình nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị. Tủa Chùa đã đề ra những giải pháp quyết liệt, đồng bộ từ khâu lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Trong đó tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong cán bộ và các tầng lớp nhân dân về chương trình xây dựng nông thôn mới.
Theo đó, trước mắt, huyện tập trung đánh giá đúng thực trạng, lập quy hoạch và xây dựng đề án, đặc biệt quan tâm đến quy hoạch sử dụng đất và bố trí dân cư. Vận động nhân dân tích cực dồn điền đổi thửa, hiến đất xây dựng các công trình công cộng phục vụ mục tiêu xây dựng nông thôn mới…, tạo thành phong trào sâu rộng, coi đây là bước đột phá phát triển kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, là tiền đề xây dựng nông thôn mới.
Bà Vũ Ngọc Ánh, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: "Đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở huyện Tủa Chùa cần tập trung vào quy mô thôn, bản và duy trì, giữ vững những nội dung, tiêu chí đã đạt chuẩn. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành rà soát lại toàn bộ nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động để tập trung tuyên truyền, phổ biến kế hoạch, nghị quyết đến các thôn, bản, hộ gia đình. Phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng phòng, ban giúp các xã xây dựng NTM. Xác định mục tiêu cụ thể, phù hợp với thực tế địa phương, từ đó đề ra lộ trình thực hiện theo thứ tự ưu tiên; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho Ban chỉ đạo, cán bộ thực hiện NTM cấp xã; tăng cường thanh tra, kiểm tra về thực hiện Nghị quyết về xây dựng NTM".