Năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục Điện Biên đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), UBND tỉnh, qua đó đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Quy mô, mạng lưới trường, lớp phát triển khá đồng bộ; tỷ lệ huy động dân số trong độ tuổi đến trường tiếp tục tăng, cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch giao. Chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn tiếp tục được nâng lên. Ngành Giáo dục đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia các môn văn hóa năm nay tỉnh Điện Biên có số giải nhiều nhất từ trước đến nay với 26 giải (tăng 16 giải so với năm học 2022-2023; lần đầu tiên tỉnh có giải nhì môn Toán, 3 năm liền có giải môn Tiếng Anh). Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay, điểm trung bình môn thi cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 toàn tỉnh đảm bảo nghiêm túc, khách quan, an toàn, đúng quy chế.
Công tác phát triển giáo dục vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đặc biệt chú trọng. Đến nay, hệ thống trường phổ thông dân tộc nôi trú, phổ thông dân tộc bán trú phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số có chất lượng cho các địa phương.
Cơ sở vật chất, thiết bị trường học tiếp tục được bổ sung, tỷ lệ kiên cố hóa ngày càng tăng, đạt trên 75%, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học. Tỷ lệ trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia 78,66%; đạt kiểm định chất lượng giáo dục 80,17%.
Trong năm học, có 44 thầy cô được phong tặng danh hiệu "Nhà giáo ưu tú", 1 cô giáo được phong tặng danh hiệu "Nhà giáo Nhân dân". Đây là năm có số lượng nhà giáo được phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú nhiều nhất từ trước đến nay và lần đầu tiên tỉnh có nhà giáo được phong tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân.
Các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao trong trường học tiếp tục được đẩy mạnh. Chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngành Giáo dục đã có nhiều hoạt động tích cực, điển hình như: Chương trình giao lưu văn nghệ, thi đấu thể thao giữa học sinh tỉnh Điện Biên với học sinh 6 tỉnh Bắc Lào; thi Dân vũ - Điệu nhảy đường phố; chương trình Gameshow "Âm vang Điện Biên " trên truyền hình; cử lực lượng lớn (gần 15 ngàn người) tham gia nhiều hoạt động của tỉnh.
Năm học 2024 -2025, ngành giáo dục Điện Biên xác định mục tiêu "Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo", đưa ra 10 nhiệm vụ trọng tâm cụ thể: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về giáo dục. Phát triển mạng lưới trường, lớp học, huy động dân số trong độ tuổi đến trường, đảm bảo công bằng trong tiếp nhận giáo dục cho mọi đối tượng. Nâng cáo giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đảm bảo đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Sử dụng hiệu quả ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng an ninh và giáo dục thể chất, y tế học đường. Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Tăng cường công tác truyền thông giáo dục. Thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua trong toàn ngành.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phạm Đức Toàn biểu dương và chúc mừng những thành tích của ngành Giáo dục và Đào tạo Điện Biên đã đạt được trong năm học vừa qua. Đồng thời, ghi nhận và đánh giá cao sự quan tâm tạo điều kiện, sự phối hợp có trách nhiệm, hiệu quả của các ban, sở, ngành, đoàn thể tỉnh, của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với ngành Giáo dục và Đào tạo.
Năm học 2024-2025 là năm học tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 12 triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, năm đầu tiên tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình mới. Theo đó, ngành Giáo dục và Đào tạo cần tập trung nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức, tăng cường đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Tiếp tục sắp xếp hợp lý quy mô, mạng lưới trường, lớp học theo quy hoạch; xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập cho các cơ sở giáo dục.
Động viên, chăm lo, thực hiện đầy đủ và các chế độ, chính sách đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên trường học, nhất là ở vùng cao, biên giới, địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ về nội dung, phương pháp dạy và học theo hướng phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực của người học chú trọng giáo dục kỹ năng sống, định hướng nghề nghiệp cho học sinh gắn với sự phát triển của thị trường lao động và nhu cầu về nguồn nhân lực tham gia phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đẩy mạnh chuyển đổi số, kết hợp giữa phương pháp dạy và học truyền thống với phương pháp mới, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, hướng tới mục tiêu xây dựng mô hình "Trường học chuyển đổi số" trên địa bàn tỉnh.
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giáo dục trong năm học 2023 – 2024, nhà giáo ưu tú Vũ Thị Tố Loan, giáo viên trường THPT Lương Thế Vinh vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3. Nhân dịp này, UBND tỉnh Điện Biên đã trao danh hiệu "Tập thể Lao động xuất sắc" cho 7 tập thể. Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen cho 3 tập thể và 44 cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm học 2023 – 2024. Liên đoàn Lao động tỉnh Điện Biên trao băng khen cho 3 tập thể và 6 cá nhân.