dd/mm/yyyy

Điện Biên: Thay đổi phương thức hỗ trợ, người nghèo thêm động lực vươn lên

Theo Quyết định 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Điện Biên có 7/10 huyện trong nhóm các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025. UBND tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương cùng chung tay vì người nghèo.

Nâng cao nhận thức cho người nghèo của Điện Biên

Điện Biên có 7 huyện huyện nghèo theo Quyết định 353/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, gồm: Điện Biên Đông, Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ. Với dân số chiếm trên 2/3 toàn tỉnh, địa hình không thuận lợi cho phát triển kinh tế. Giao thông đi lại khó khăn, nhận thức của đồng bào các dân tộc còn hạn chế. Phát triển kinh tế người dân chủ yếu dựa vào thiên nhiên là chính, vì thế năng suất cây trồng không cao. Dẫn đến thu nhập của người dân còn thấp.

Theo ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, 7 huyện nghèo theo Quyết định 353 của Thủ tướng Chính phủ đều là các huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số, kém phát triển. Đời sống nhân dân còn khó khăn, tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu, canh tác vẫn theo lối truyền thống… Để nâng cao ý thức của các cấp, ngành trong công tác xóa đói, giảm nghèo thời gian qua UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền các huyện đặc biệt chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, nhân dân về công tác giảm nghèo bền vững. Lựa chọn nội dung thông tin, tuyên truyền phù hợp nhận thức, tập quán của bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số từ đó giúp bà con nâng cao ý thức, nhận thức và khơi dậy ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, cấp ủy, chính quyền các huyện tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, nhất là vốn Chương trình giảm nghèo bền vững để hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân.

Điện Biên: Thay đổi phương thức hỗ trợ, giúp người nghèo có thêm động lực vươn lên - Ảnh 1.

Thông qua các chương trình, dự án của nhà nước. Các hộ nghèo tại tỉnh Điện Biên đã tiếp cận được các nguồn vốn vay để phát triển kinh tế. Ảnh Vinh Duy.

Cũng là huyện nằm trong nhóm các huyện nghèo với nhiều khó khăn, Mường Ảng đã chọn giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bằng việc ưu tiên nguồn lực, kêu gọi thu hút đầu tư.  Ông Tô Trọng Thiện, Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng, chia sẻ: Từ năm 2022 đến nay, Mường Ảng đã huy động hơn 178 tỷ đồng triển khai 35 mô hình hỗ trợ sản xuất cộng đồng về trồng trọt, chăn nuôi gắn với quy hoạch phát triển sản xuất phù hợp với từng địa bàn, với gần 1.000 người tham gia. Cùng với đó, Mường Ảng còn triển khai thực hiện gần 20 công trình, dự án dân sinh, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Các vấn đề y tế, giáo dục, lao động, việc làm... được quan tâm thực hiện có hiệu quả; tỷ lệ hộ nghèo của Mường Ảng giảm còn 38,06%.

Để đạt được những kết quả đó, huyện Mường Ảng đã có nhiều giải pháp giúp đỡ các hộ nghèo để họ có thêm kinh nghiệm trong phát triển trồng trọt, chăn nuôi. UBND huyện Mường Ảng còn phối hợp với các sở, ngành mở các lớp tập huấn, dạy nghề cho nông dân. Từ đó giúp người dân có thêm "cần câu cơm" trong việc xóa đói giảm nghèo. Tại xã Ẳng Nưa, những năm qua, sau khi Trung tâm GDNN - GDTX huyện tổ chức các lớp dạy nghề, người dân trên địa bàn xã đã áp dụng kiến thức, kỹ năng nghề vào phát triển mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình, địa phương. Điển hình như gia đình chị Lường Thị Vui, bản Lé, xã Ẳng Nưa. Sau khi tham gia học nghề kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho lợn, gia đình chị đã mạnh dạn vay vốn đầu tư nuôi lợn nái và lợn thịt. Nắm vững kiến thức từ lớp học, chị Vui áp dụng vào chăn nuôi tại gia đình. Hiện nay gia đình chị Vui đang nuôi 4 con lợn nái và gần 20 con lợn thịt, hàng trăm con gia cầm, thỏ và ao cá, tạo nguồn thu gần 100 triệu đồng mỗi năm. Chị Lường Thị Vui chia sẻ: "Sau khi học lớp chăn nuôi ở xã, tôi áp dụng kiến thức đã học vào chăn nuôi tại gia đình và thấy rất hiệu quả. Tôi biết cách phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm, phun khử trùng chuồng nuôi, do đó đàn vật nuôi phát triển rất tốt, không bị dịch bệnh. Mỗi năm gia đình tôi bán được 2 lứa lợn và hàng trăm con gia cầm các loại".

Điện Biên: Thay đổi phương thức hỗ trợ, giúp người nghèo có thêm động lực vươn lên - Ảnh 2.

Các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ nghèo được các huyện của tỉnh Điện Biên thực hiện đem lại hiệu quả cao. Trong đó phải kể đến các lớp tập huấn của Hội Nông dân các cấp. Ảnh Vinh Duy.

Cầm tay chỉ việc giúp nông dân Điện Biên có thêm kiến thức

Ông Đoàn Thế Quỳnh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mường Ảng cho biết: Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển từ tập quán chăn thả tự do sang chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại, chủ động nguồn thức ăn; kiểm soát, phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật; tạo cơ chế khuyến khích phát triển đối với các hộ nông dân. Nhờ vậy, nhiều hộ đã đổi mới tư duy, đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế gia trại theo hướng đa canh, đa con, ứng dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại vào chăn nuôi mang lại hiệu quả, năng suất, lợi nhuận cao. Nhiều mô hình có doanh thu bình quân đạt từ 50 - 300 triệu đồng/năm

Tủa Chùa cũng là một huyện nghèo của tỉnh Điện Biên, những năm qua chính quyền các cấp đã đồng hành cùng người nghèo. Các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt được UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn mở đến từng thôn bản. Người nghèo được cầm tay chỉ việc, hướng dẫn cách làm kinh tế để họ từng bước thay đổi tư duy sản xuất.

Điện Biên: Thay đổi phương thức hỗ trợ, giúp người nghèo có thêm động lực vươn lên - Ảnh 3.

Từ các mô hình, người nghèo đã học tập được kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế. Ảnh Vinh Duy.

Trước đây, kinh tế gia đình ông Cà Văn Vinh, hội viên nông dân bản Ðun Nưa, xã Mường Ðun chỉ dựa vào hơn 1.000m2 lúa, gia đình đông người nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Gia đình ông vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác qua Hội Nông dân xã để xây dựng chuồng trại và mua giống gia súc, gia cầm về nuôi. Không chỉ được hỗ trợ về nguồn vốn chăn nuôi, ông Vinh còn được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh cho đàn vật nuôi. Từ kiến thức được học cùng với kinh nghiệm nhiều năm chăn nuôi, đàn vật nuôi của gia đình ông sinh trưởng và phát triển tốt. Hiện nay, gia đình ông Vinh đang nuôi hơn 20 con dê, gần 100 con gia cầm các loại. Mô hình chăn nuôi mang đến cho gia đình ông thu nhập ổn định và vươn lên thoát nghèo.

Ông Lò Văn Nhai, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mường Ðun cho biết: Nhằm tạo điều kiện cho hội viên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, Hội Nông dân xã đã vận động hội viên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tạo điều kiện cho hơn 200 lượt hội viên vay để đầu tư mua trâu, bò, dê về chăn thả với tổng dư nợ hơn 9 tỷ đồng. Ðến nay, cơ bản cuộc sống của các hội viên nông dân đã được nâng lên. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục truyên truyền vận động Nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập

Điện Biên: Thay đổi phương thức hỗ trợ, giúp người nghèo có thêm động lực vươn lên - Ảnh 4.

Cùng với phát triển kinh tế thì các huyện đã đầu tư cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm đến các xã đặc biệt khó khăn, giúp người dân có điều kiện hơn trong cuộc sống. Ảnh Vinh Duy.

Theo ông Lường Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện thì sau khi triển khai Quyết định 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Tủa Chùa đã có nhiều mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, đem lại nguồn thu ổn định cho nông dân, như: mô hình khoai sọ tại xã Trung Thu, mô hình liên kết phát triển chè tại Sính Phình, Tả Phình, Sín Chải; mô hình  nuôi vịt bầu tại xã Mường Đun; ngô ở Tủa Thàng. Với nguồn thu trung bình 50 triệu đồng/mô hình/ha, đến nay các mô hình đều được nhân rộng hiệu quả. Kết quả đó đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các xã: Trung Thu, Tả Phình, Sín Chải, Tủa Thàng nói riêng và toàn huyện Tủa Chùa nói chung; từ đó tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện Tủa Chùa đã giảm rất nhiều, hiện chỉ còn 40,72%.

Nhờ hiệu quả các chương trình, chính sách, dự án đặc thù đã tạo động lực cần thiết để người nghèo vươn lên thoát nghèo. Công tác giảm nghèo được triển khai gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án khác đã mang lại hiệu quả. Do vậy, trong 6 tháng đầu năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Điện Biên đã giảm 8,33% so với năm 2021 (giảm từ 30,35% xuống còn 26,57%. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm trên 5,5%; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 5%.

Vinh Duy