dd/mm/yyyy

Điện Biên: Sử dụng hiệu quả nguồn lực xóa đói giảm nghèo

Những năm qua tỉnh Điện Biên tập trung huy động tối đa các nguồn lực cho công tác giảm nghèo và thực hiện lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

Điện Biên dồn lực xoá nghèo

Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Điện Biên, năm 2021 chỉ còn 34,9%. Bên cạnh ý thức vươn lên thoát nghèo của người dân thì nguồn lực đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy xóa đói giảm nghèo.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2021, Điện Biên được Trung ương phân bổ nguồn kinh phí ngân sách để thực hiện các Dự án thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 11.233 triệu đồng.

Điện Biên: Sử dụng hiệu quả nguồn lực xóa đói giảm nghèo   - Ảnh 1.

Mô hình trồng bưởi diễn của gia đình ông Quàng Văn Phích, xã Noong Luống (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) mang lại hiệu quả kinh tế cao từ nguồn vay của Ngân hàng Chính sách. Ảnh: Vinh Duy

Nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh là nguồn vốn đầu tư năm 2020 kéo dài thực hiện sang năm 2021 với tổng số tiền là 54.172 triệu đồng.

Ngoài nguồn lực Nhà nước, tỉnh đã huy động tổng thể các nguồn lực khác (dưới hình thức lồng ghép), cùng với sự tham gia đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức chính trị, xã hội và người dân để thực hiện. Bên cạnh đó, tỉnh còn tranh thủ nguồn lực từ các tổ chức chính trị - xã hội quyên góp ủng hộ, chủ yếu hỗ trợ vật chất cho địa phương, cộng đồng dân cư, hộ nghèo về trang thiết bị văn hóa, giáo dục, y tế... Đơn cử, năm 2021, thông qua Qũy Vì người nghèo các cấp tỉnh đã vận động được 29,079 tỷ đồng để hỗ trợ làm mới, sửa chữa nhà, tặng quà cho hộ nghèo...

Để sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, các địa phương đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch giảm nghèo của địa phương; kiểm tra, giám sát các chương trình, dự án được đầu tư…

Điện Biên: Sử dụng hiệu quả nguồn lực xóa đói giảm nghèo   - Ảnh 3.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2021, Điện Biên được Trung ương phân bổ 11.233 tỷ đồng để thực hiện các Dự án Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Ảnh: Vinh Duy

Do đó, các nguồn lực huy động đã được triển khai đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, trọng tâm là huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và trẻ em, phụ nữ thuộc hộ nghèo…

Đơn cử, từ nguồn lực chính sách hỗ trợ làm nhà ở cho các hộ nghèo, năm 2021 toàn tỉnh thực hiện hỗ trợ 1.850 nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng kinh phí thực hiện trên 81,4 tỷ đồng. Trong đó, từ nguồn Quỹ Vì người nghèo toàn tỉnh thực hiện xây dựng và sửa chữa 152 căn nhà, với kinh phí thực hiện hơn 3,4 tỷ đồng; từ nguồn xã hội hoá do đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ vận động thực hiện 460 nhà ở đại đoàn kết với kinh phí thực hiện 23 tỷ đồng; Ngân hàng Bưu điện Liên việt thực hiện xây dựng 20 nhà; Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam và Công ty cổ phần địa ốc thành phố 160 ngôi nhà.

Đặc biệt, từ nguồn huy động của Bộ Công an phát động triển khai xây dựng 1.058 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo trên địa bàn huyện Điện Biên Đông với tổng kinh phí 55 tỷ đồng.

Điện Biên: Sử dụng hiệu quả nguồn lực xóa đói giảm nghèo   - Ảnh 4.

Đồng chí Lê Trọng Khôi, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Điện Biên, thăm mô hình trồng cây ăn quả, nuôi gà thịt của gia đình anh Trần Thanh Nam, xã Noong Luống (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) Ảnh: Vinh Duy

Tương tự, từ nguồn vốn chính sách tín dụng, năm 2021, Ngân hàng Chính sách - Xã hội tỉnh đã cho vay 22.500 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi với doanh số 1.075 tỷ đồng. Qua kiểm tra, nguồn vốn cho vay đều được các hộ dân sử dụng đúng mục đích, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo. Nếu tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay, thông qua vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm, tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho hơn 2.000 lao động; đào tạo nghề cho 1.050 người.

Cùng với đó, chính sách trợ cấp, cứu đói cho các đối tượng chính sách xã hội; chính sách hỗ trợ lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 được triển khai kịp thời (đã thực hiện hỗ trợ 736 người sử dụng lao động và 18.537 người lao động) với tổng số tiền gần 20 tỷ đồng… Qua đó đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo; GRDP bình quân đầu người đạt 34,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 34,9% (theo chuẩn nghèo mới).

Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn xoá nghèo ở Điện Biên

Ông Vàng Pá Ly, bản Chống Mông, xã Phì Nhừ (huyện Điện Biên Đông) chia sẻ, những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm xóa đói, giảm nghèo cho người dân bằng việc đầu tư cơ sở hạ tầng, các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, tiền điện, học hành cho con em, hỗ trợ cây giống, vật nuôi… nhờ đó đời sống người dân ngày càng thay đổi. Đặc biệt, trong năm 2021, Bộ Công an vận động, xây dựng hàng loạt ngôi nhà mới cho bà con, qua đó người dân có nhà kiên cố để ở, tạo điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Điện Biên: Sử dụng hiệu quả nguồn lực xóa đói giảm nghèo   - Ảnh 5.

Đại diện xã Pú Hồng (huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) trao nhà, ảnh Bác Hồ tặng hộ nghèo ở bản Phiêng Muông, từ nguồn huy động của Bộ Công an. Ảnh: Vinh Duy

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 4%, huyện nghèo giảm 5,5% trở lên. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều giảm từ 34,9% (năm 2021) xuống còn dưới 18,9% (năm 2025). Để đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, UBND tỉnh Điện Biên giao các sở, ban, ngành địa phương căn cứ theo chức năng nhiệm vụ triển khai thực hiện chương trình một cách đồng bộ, hiệu quả.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội hóa, sử dụng hiệu quả các nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo; tập trung đầu tư, hỗ trợ các xã, thôn, bản khó khăn nhất, giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn và có khó khăn đặc thù; ưu tiên cho các địa bàn còn thiếu hụt cơ sở hạ tầng thiết yếu; phân bổ vốn đầu tư chương trình tập trung, không phân tán, dàn trải, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Vinh Duy