dd/mm/yyyy

Điện Biên: Sản phẩm OCOP 3 sao có nguy cơ mất chuẩn

Năm 2019, bí xanh Tìa Dình được công nhận đạt chuẩn OCOP xếp hạng 3 sao của tỉnh Điện Biên. Đến nay sản phẩm này có nguy cơ mất chuẩn OCOP ...

Nguyên nhân sản phẩm OCOP 3 sao ở Điện Biên dễ tụt hạng

Sau khi được công nhận đạt chuẩn OCOP, huyện Điện Biên Đông đã khuyến khích, hướng dẫn người dân sản xuất bí xanh Tìa Dình theo hướng hàng hóa, liên kết sản xuất bền vững. Đồng thời, tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, khâu sản xuất gặp nhiều khó khăn dẫn đến tình trạng bí xanh Tìa Dình luôn khan hiếm, khách hàng khó có thể mua, ngay cả khi đang trong vụ thu hoạch.

Diện tích vùng nguyên liệu ngày càng thu hẹp là rào cản lớn nhất trong phát triển bí xanh Tìa Dình. Năm 2022, toàn xã Tìa Dình gieo trồng 32,3/150ha bí xanh, đạt 21,53% kế hoạch UBND huyện giao.

Điện Biên: Sản phẩm OCOP 3 sao có nguy cơ mất chuẩn - Ảnh 1.

Bí xanh Tìa Dình huyện Điện Biên Đông, được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Tuy nhiên đến nay sản phẩm này có nguy cơ mất chuẩn do người dân không mặn mà với việc trồng bí.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chánh văn phòng Điều phối NTM tỉnh Điện Biên để sản phẩm bí xanh Tìa Dình không bị mất chuẩn do người dân trồng ít, không đủ cung ứng cho thị trường; UBND huyện Điện Biên Đông và các cơ quan chuyên môn phải phối hợp với xã Tìa Dình vận động người dân khôi phục lại diện tích cũ và mở rộng diện tích mới.

Ông Giàng A Thái, Chủ tịch UBND xã Tìa Dình cho biết: Người dân chỉ trồng bí xanh trên diện tích đất nương mới phát. Những năm gần đây, diện tích nương phát mới ngày càng ít dẫn đến diện tích trồng bí ngày càng bị thu hẹp. Bên cạnh đó, gần đây người dân ưa trồng sắn hơn trồng bí. Bởi vì, trồng bí phải dành nhiều ngày công lao động hơn, chi phí lớn hơn trồng sắn. Khó nhất là khâu thu hoạch. Đối với sắn, người dân dỡ củ, thái và phơi ngay trên nương, sau đó đóng bao chở về bản bán cho thương lái. Trong quá trình đó, những bì sắn có thể quăng quật thoải mái cũng không ảnh hưởng đến chất lượng và giá bán. Nhưng đối với bí, người dân phải vận chuyển cẩn thận, tránh trầy xước thì quả bí mới bảo quản được lâu và bán được giá. Quan trọng nhất là gần đây hiệu quả kinh tế của cây sắn cao hơn cây bí nên người dân có xu hướng chuyển sang trồng sắn.

Điện Biên: Sản phẩm OCOP 3 sao có nguy cơ mất chuẩn - Ảnh 2.

Bí xanh Tìa Dình được trồng chủ yếu trên nương, những nơi có độ dốc cao. Chất lượng sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 Sao.

Trước đây, bản Tìa Dình 1 và Tìa Dình 2 là vùng trọng điểm trồng bí của xã Tìa Dình. Bình quân mỗi năm, 2 bản này trồng khoảng 20ha bí xanh. Tuy nhiên năm 2022, diện tích trồng bí của cả 2 bản giảm còn 10ha. Nguyên nhân người dân chuyển từ trồng bí sang trồng sắn là để tiết kiệm chi phí đầu tư và hiệu quả kinh tế cao hơn.

Ông Tráng Chờ Thanh, Trưởng bản Tìa Dình 1 cho biết: “Việc vận động người dân duy trì diện tích trồng bí rất khó khăn. Bởi vì trồng bí trên đất nương cũ cho năng suất thấp trong khi đó trồng sắn đơn giản và hiệu quả hơn.”

Hiện nay, liên kết sản xuất theo chương trình OCOP đối với sản phẩm bí xanh Tìa Dình đã bị đứt gãy. Chủ thể kinh tế của sản phẩm là Hợp tác xã CCO đã không còn chịu trách nhiệm hướng dẫn về quy trình sản xuất, cung cấp cây giống cũng như bao tiêu sản phẩm. Chính vì vậy, bí xanh Tìa Dình quay lại thời kỳ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự sản tự tiêu.

Điện Biên: Sản phẩm OCOP 3 sao có nguy cơ mất chuẩn - Ảnh 3.

Hiện nay, liên kết sản xuất theo chương trình OCOP đối với sản phẩm bí xanh Tìa Dình đã bị đứt gãy. Chính vì vậy, bí xanh Tìa Dình quay lại thời kỳ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự sản tự tiêu.

Nông dân Điện Biên là người quyết định OCOP bí xanh

Ông Giàng A Thái lý giải: Liên kết bị phá vỡ nguyên nhân chính là do các hộ dân không tuân thủ hợp đồng ký kết, nhất là trong khâu thu hoạch và bán sản phẩm. Người dân thường ưu tiên bán hàng cho đơn vị trả giá cao hơn.

Năm 2023, xã Tìa Dình được UBND huyện Điện Biên Đông giao kế hoạch trồng 60ha bí xanh, giảm 90ha so với năm 2022. Ngay từ đầu năm, UBND xã tổ chức các tổ công tác xuống từng thôn, bản để vận động các hộ dân đăng ký diện tích trồng bí xanh niên vụ 2023. Tuy nhiên, đến thời điểm này toàn xã mới chỉ có trên 54ha, thấp hơn 6ha so với kế hoạch đề ra.

Chủ tịch UBND xã Tìa Dình Giàng A Thái cho biết: Năm nay, xã triển khai vụ sản xuất bí theo cách hoàn toàn đổi mới so với những năm trước đây. UBND xã đã đăng ký với UBND huyện xây dựng và triển khai mô hình trồng bí trên giàn và áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất với tổng diện tích 10ha, tập trung tại 2 bản: Na Su và Chua Ta. Tham gia mô hình, người dân sẽ được hỗ trợ làm giàn, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật. Mục đích của mô hình này là để người dân thay đổi tư duy sản xuất, thay thế phương thức trồng tự nhiên sang cách trồng giàn có áp dụng khoa học kĩ thuật, dần xóa bỏ thói quen trồng bí trên đất nương mới.

Điện Biên: Sản phẩm OCOP 3 sao có nguy cơ mất chuẩn - Ảnh 4.

Để sản phẩm bí xanh Tìa Dình phát triển, UBND huyện Điện Biên Đông cần có cơ chế chính sách hỗ trợ người dân mở rộng diện tích.

Đối với việc bao tiêu sản phẩm, UBND xã trực tiếp cam kết với các hộ trồng bí về việc bao tiêu. Sau đó, UBND xã kết nối và ký hợp đồng với các đơn vị thu mua để bán sản phẩm cho người dân. Hiện nay, UBND xã Tìa Dình đang hợp đồng với Bưu điện tỉnh và 1 đơn vị tư nhân tại thị trấn Điện Biên Đông bao tiêu sản phẩm.

Ông Lò Văn Dương, Trưởng bản Na Su cho biết: Năm 2022, toàn bộ sản phẩm bí xanh của bản đã bán hết cho các đơn vị thu mua do UBND xã Tìa Dình giới thiệu. Năm 2023, kế hoạch UBND xã giao gần 16ha song đến thời điểm này cả bản đã đăng ký trồng 18,3ha. Năm nay, bản Na Su tiếp tục cam kết chỉ bán sản phẩm cho đơn vị đang ký hợp đồng với UBND xã, không bán cho thương lái ngoài.

Vinh Duy