dd/mm/yyyy

Điện Biên: Giám sát công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

Chiều 3/10, Đoàn giám sát của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Điện Biên đã làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về triển khai thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

Trong những năm qua, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ sự giúp đỡ tích cực, hiệu quả của các Bộ, ngành Trung ương, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh có những bước phát triển vững chắc; quy mô lớp và học sinh tăng; đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên bảo đảm chất lượng; các mục tiêu về phát triển giáo dục đào tạo và phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cơ bản đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.

Điện Biên: Phổ cập giáo dục, xóa mù chứ giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2023  - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Đoạt - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên báo cáo công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: Thu Hường

Tỉnh Điện Biên được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi năm 2014; phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 năm 2015; phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và xóa mù chữ mức độ 2 năm 2020; duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi tại thời điểm tháng 12 năm 2020.

Trong công tác phổ cập giáo dục mầm non, từ năm 2021 đến năm 2023: 100% giáo viên dạy các lớp 5 tuổi đạt chuẩn trở lên về trình độ đào tạo và đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non. 100% các lớp 5 tuổi đủ thiết bị, đồ dùng, đồ chơi tối thiểu. Tỉ lệ trẻ 5 tuổi đi học được đánh giá hoàn thành chương trình giáo dục mầm non các năm luôn đạt 100%.

Điện Biên: Phổ cập giáo dục, xóa mù chứ giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2023  - Ảnh 2.

Ông Mùa A Vảng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Điện Biên, Trưởng đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thu Hường

Trong công tác phổ cập giáo dục tiểu học năm 2023: 129/129 xã, 10/10 huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2, tỉ lệ 100%; 128/129 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, tỉ lệ 99,2%; 09/10 huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 tỉ lệ 90%. Tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2. 

Từ năm 2026 duy trì 129/129 xã, 10/10 huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, tỉ lệ 100%. Giáo viên có trình độ đại học, trên đại học tỉ lệ 94,6%. Về cơ sở vật chất đến hết năm 2023, tổng số 3.016 phòng học, phòng học kiên cố đạt 64%. Điều kiện về thiết bị dạy học: 100% trường có đủ thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định.

Trong công tác giáo dục trung học, năm 2023: 129/129 xã, 10/10 huyện duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2, tỉ lệ 100%; 111/129 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3, tỉ lệ 86%; 04/10 huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3, tỉ lệ 40%; tỉnh duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2. Năm 2025, tỷ lệ đơn vị cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 là 100%; Định hướng đến năm 2030 duy trì 100% đơn vị cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3. Giáo viên có trình độ đại học tỉ lệ 97,6%. Về cơ sở vật chất tính đến hết năm 2023, số phòng học kiên cố đạt 88,6%.

Điện Biên: Phổ cập giáo dục, xóa mù chứ giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2023  - Ảnh 3.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, các mục tiêu về phát triển giáo dục đào tạo và phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh Điện Biên cơ bản đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Ảnh: Thu Hường

Về công tác xóa mù chữ từ năm 2021 đến năm 2023: 129/129 xã, 10/10 huyện duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, tỉ lệ 100%. Tỉnh duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Giao đoạn này, toàn tỉnh đã mở được 143 lớp với 3.330 học viên đạt 83.90% so với kế hoạch được giao 176 lớp, 3.669 học viên. Tỉ lệ người trong độ tuổi từ 15-60 đạt chuẩn biết chữ mức độ 1: Năm 2021 là 96,58%; năm 2023 là 97,06%. Định hướng đến năm 2030 là: 98%. Tỉ lệ người trong độ tuổi từ 15-60 đạt chuẩn biết chữ mức độ 2: Năm 2021 là 86,63%; năm 2023 là 90,11%. Định hướng đến năm 2030 là: 91,5%.

Tại buổi làm việc, đại diện thành viên trong đoàn giám sát đã đưa ra các nội dung thảo luận trong công tác triển khai thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ về công tác giảng dạy, trình độ quản lý và giáo viên, cơ sở vật chất trường lớp, thiết bị dạy học, tỷ lệ xóa mù chữ cụ thể các chỉ tiêu chưa đạt, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở... Đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên trả lời ý kiến tham luận, đưa ra kiến nghị, đề xuất đối với các Bộ, ngành Trung ương tạo điều kiện giúp công tác giáo dục trên địa bàn ổn định.

Thu Hường