Điện Biên đẩy mạnh giao khoán rừng
Hiện nay, toàn tỉnh Điện Biên có 5 Ban quản lý rừng gồm: Ban quản lý rừng phòng hộ các huyện Điện Biên, Tuần Giáo và Mường Chà; Ban quản lý rừng di tích lịch sử và Cảnh quan môi trường Mường Phăng; Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé. Các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng đã tổ chức ký hợp đồng thuê khoán, giao khoản bảo vệ rừng với các tổ chức, cộng đồng các thôn bản trên địa bàn.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, những năm qua, các ban đã tổ chức hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với tổng diện tích trên 48.577ha rừng cho 116 cộng đồng thôn, bản với 7.206 hộ dân tham gia nhận khoán.
Các thôn bản tham gia nhận khoán bảo vệ rừng sẽ được hưởng dịch vụ môi trường rừng đồng thời, được khai thác lâm sản phụ ngoài gỗ để tạo sinh kế, tăng thu nhập. Trên cơ sở hợp đồng ký kết, các thôn bản thành lập các tổ bảo vệ rừng thôn bản để tổ chức tuần tra, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng.
Ông Trần Xuân Tâm, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đánh giá: Việc giao khoán bảo vệ rừng của các Ban quản lý rừng cho các cộng đồng góp phần tăng thu nhập cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng đệm, vùng lõi các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; tạo động lực khuyến khích người dân tích cực tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Thông qua việc giao khoản bảo vệ rừng, các Ban quản lý rừng được tăng cường thêm lực lượng tuần tra bảo vệ rừng giúp hạn chế cháy rừng và các vụ vi phạm, xâm phạm diện tích rừng. Đồng thời, xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa người dân với lực lượng bảo vệ rừng của các Ban quản lý rừng. Từ đó, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Ban quản lý rừng di tích lịch sử và Cảnh quan môi trường Mường Phăng được giao quản lý, bảo vệ 2.221,35ha rừng đặc dụng thuộc 2 xã: Mường Phăng và Pá Khoang (TP. Điện Biên Phủ). Ông Trần Xuân Thắng, Giám đốc Ban quản lý rừng di tích lịch sử và Cảnh quan môi trường Mường Phăng cho biết: Quản lý diện tích rừng lớn, có giá trị lịch sử vô cùng quan trọng, ban xác định nhiệm vụ trọng tâm hàng năm là bảo vệ tốt diện tích rừng được giao.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, những năm qua, ngoài lực lượng của đơn vị, Ban đã tổ chức ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng các cộng đồng thôn, bản trên địa bàn 2 xã: Mường Phăng và Pá Khoang. Hiện nay, ban đang ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với 26 cộng đồng với 1.877 hộ dân tham gia. 26 cộng đồng nhận khoán thành đã thành lập 26 tổ bảo vệ rừng thôn, bản. Số lượng thành viên của tổ bảo vệ rừng từ 10 – 20 người, có thôn bản 100% các hộ đều tham gia vào tổ bảo vệ. Các tổ xây kế hoạch tuần tra, bảo vệ rừng 2 – 4 lần/tháng, ngoài ra còn thường xuyên phối hợp với lực lượng bảo vệ rừng của ban đi kiểm tra rừng.
Tăng cường tuần tra, bảo vệ rừng
Tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, các thôn bản được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng. Năm 2021, Ban đã thanh toán tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2020 cho 26 thôn bản với số tiền gần 1 tỷ đồng. Tiền dịch vụ môi trường rừng giúp các tổ bảo vệ rừng hoạt động hiệu quả và góp phấn tăng thu nhập cho các hộ tham gia nhận khoán.
Thực hiện giao khoán, bảo vệ, thời gian qua trên địa bàn 2 xã: Mường Phăng và Pá Khoang đã hạn chế được tình trạng phá rừng, góp phần duy trì ổn định diện tích rừng được giao khoán; nâng cao đời sống của hộ gia đình nhận khoán, tạo động lực khuyến khích hộ tích cực tham gia vào công tác bảo vệ rừng, đồng thời tiết kiệm ngân sách đầu tư cho công tác bảo vệ rừng tại cơ sở. Ngoài ra, từ những khu vực rừng được nhận khoán, người dân đã kết hợp với việc phát triển kinh tế bằng các hình thức chăn nuôi gia súc, gia cầm và khai thác một số lâm sản phụ như cây dược liệu dưới tán rừng mà không làm ảnh hưởng đến rừng, đem lại nguồn thu nhập cho các hộ gia đình.
Ông Lường Văn Đại, Trưởng bản Phăng 1, xã Mường Phăng cho biết: Thôn Phăng 1 và Phăng 2 có 155 hộ dân cùng nhận khoản quản lý, bảo vệ diện tích 236.05ha rừng đặc dụng. Hai thôn thành lập hai tổ bảo vệ rừng luân phiên đi tuần tra, bảo vệ rừng. Năm 2021, thôn được nhận được gần 107 triệu đồng tiền dich vụ môi trường rừng. Hai thôn đã thống nhất sử dụng phần lớn số tiền trên để phục vụ các hoạt động của tổ bảo vệ rừng, phần còn lại chia đều cho các hộ tham gia nhận khoán.
Từ khi nhận khoán bảo vệ rừng, các hộ dân trong bản đều có ý thức tự giác, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Do đó, nhiều năm nay, diện tích rừng do bản nhận khoán không xảy ra cháy rừng, phá rừng.
Việc giao khoán, thuê khoán rừng cho các cộng đồng thôn bản bảo vệ đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực. Nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ rừng được nâng cao. Rừng được bảo vệ tốt hơn, các vụ cháy rừng, phá rừng giảm nhiều qua các năm. Từ đó, góp phần quan trọng giúp các Ban quản lý rừng thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được UBND tỉnh Điện Biên giao.