Bất thường đàn lợn giảm nhưng giá không tăng
Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, tình hình chăn nuôi lợn cả nước phát triển tốt nhờ dịch bệnh được kiểm soát trong nửa đầu năm 2023. Tổng đàn lợn của cả nước thời điểm cuối tháng 6 ước khoảng 26 triệu con, tăng khoảng 2,5% so với cùng kỳ năm 2022. Còn tính đến thời điểm cuối tháng 7, ước tính tổng số lợn của cả nước tăng khoảng 2,8% so với cùng thời điểm năm 2022.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho rằng con số đàn lợn thực tế thấp hơn rất nhiều so với số liệu của Tổng Cục Thống kê bởi thời gian qua nhiều hộ chăn nuôi, đặc biệt là các hộ nhỏ lẻ bỏ chuồng vì giá lợn hơi quá thấp khiến họ chịu cảnh thua lỗ kéo dài. Đồng thời dịch tả lợn châu Phi khiến đàn lợn của các hộ dân và doanh nghiệp thiệt hại nhiều, ảnh hưởng đến tổng đàn.
Theo đó, CTCP Tập đoàn Dabaco (DBC) cho rằng tổng đàn lợn hơi thời gian qua đã giảm nhiều do dịch bệnh kèm với giá lợn hơi thấp khiến nhiều người bỏ chuồng. Trước đây, tổng đàn lợn cả nước khoảng 28 - 29 triệu con là đủ cho cung cấp, hiện giờ chỉ 23 triệu con nhưng sức mua lại giảm, điều này có nghĩa là tổng cung giảm nhưng tổng cầu theo đó không tăng lên mà cũng giảm theo.
CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (Mã chứng khoán: BAF) cho rằng tổng đàn của Việt Nam bị mất khoảng 20-25% so với bình thường dựa trên số liệu doanh số bán thức ăn chăn nuôi, lợn giống của các doanh nghiệp, thú y, khảo sát đàn lợn của dân và các công ty đối thủ...
Trong quý II, giá lợn hơi đã tăng mạnh khoảng 17,3-25,7% nhờ nguồn cung giảm trong khi nhu cầu phục hồi. Trong tháng 7, giá lợn hơi trên cả nước vẫn biến động có lợi cho doanh nghiệp và người chăn nuôi. Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi tăng 3.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 62.000 – 64.000 đồng/kg. Trong đó, mức giao dịch thấp nhất khu vực là 62.000 đồng/kg, ghi nhận tại Yên Bái, Lào Cai, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Tuyên Quang. Lợn hơi tại Hưng Yên, Vĩnh Phúc và Hà Nội đang được thu mua với giá cao nhất khu vực là 64.000 đồng/kg. Các tỉnh thành còn lại giao dịch lợn hơi ở mức 63.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi ở thị trường miền Trung, Tây Nguyên ổn định hơn nhưng vẫn trong vùng giá tốt, dao động trong khoảng 59.000 – 62.000 đồng/kg. Trong đó, giá lợn hơi được ghi nhận tại hai tỉnh Đắk Lắk và Bình Thuận là 59.000 đồng/kg; giá lợn hơi tại tỉnh Lâm Đồng là 61.000 đồng/kg. Tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh đang neo ở mức 62.000 đồng/kg. Các tỉnh còn lại thu mua lợn hơi chung mốc 60.000 đồng/kg.
Tại miền Nam, giá lợn hơi cũng vậy, dao động trong khoảng 59.000 – 62.000 đồng/kg. Lợn hơi tại các tỉnh Sóc Trăng, Cần Thơ và Đồng Tháp đang được giao dịch chung mức 62.000 đồng/kg. Các tỉnh thành còn lại có giá trong khoảng 59.000 – 61.000 đồng/kg.
Ngày đầu tiên của tháng 8 (ngày 1/8) tại miền Bắc, giá lợn hơi cao nhất vẫn đứng ở mức 62.000 đồng/kg ghi nhận tại Thái Nguyên, Thái Bình và Hà Nội. Các địa phương còn lại đồng giá 61.000 đồng/kg.
Ở miền Trung và Tây nguyên, giá lợn hơi cao nhất khu vực là Thanh Hóa với 61.000 đồng/kg, ngược lại, Ninh Thuận, Bình Thuận và Đắk Lắk thấp nhất với chỉ 59.000 đồng/kg. Các địa phương khác đứng yên với giá 60.000 đồng/kg.
Tại miền Nam, giá lợn hơi cao nhất là 60.000 đồng/kg ghi nhận tại Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Tháp, Cà Mau. Các địa phương còn lại dao động từ 58.000 59.000 đồng/kg; riêng Cần Thơ thấp nhất cả nước với 57.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi bình quân cả nước hôm nay còn 59.800 đồng/kg song người chăn nuôi cho biết, những ngày gần đây, việc tiêu thụ lợn hơi đã thuận lợi hơn trước. Tuy nhiên, điều khiến thị trường bất ngờ là Công ty C.P Việt Nam lại điều chỉnh giá bán lợn giảm 1.000 đồng, ở khu vực miền Bắc còn 62.500 đồng/kg, còn miền Nam 59.500 đồng/kg. Tại Trung Quốc, giá lợn hơi tiếp tục tăng nhẹ lên mức 50.900 đồng/kg.
Giá lợn lên gần 60.000 đồng/kg hơi vẫn không có lãi lớn?
Theo báo cáo cập nhật mới đây của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tính đến ngày 14/6, giá bán heo hơi bình quân của Việt Nam đạt 59.000 đồng/kg, tăng 20,4% so với đáy.
Cùng với sự phục hồi của tiêu thụ thịt lợn trong quý II/2023, xu hướng tăng giá được hỗ trợ bởi nguồn cung thấp sự kết hợp giữa mức tiêu thụ thịt lợn thấp và chi phí nguyên vật liệu đắt đỏ đã hạn chế nông dân địa phương tái đàn đàn trong năm 2022 và quý I/2023 cùng với sự bùng phát của dịch tả lợn châu Phi (ASF) vào đầu năm 2023.
Các nhà phân tích của VDSC cho rằng giá thịt lợn có thể tiếp tục ổn định và có xu hướng tăng nhẹ cho đến hết quý III/2023 do nguồn cung lợn chưa thể tăng tương ứng với nhu cầu trong ngắn hạn. Tại Việt Nam, lợn thường được nuôi dưỡng ít nhất 6 tháng trước khi đưa vào chế biến.
VDSC dự tính giá lợn hơi sẽ ổn định vào quý IV/2023 với giả định rằng dịch ASF sẽ giảm bớt, mang lại nguồn cung lớn hơn.
Với mức giá trên 55.000 đồng/kg, người chăn nuôi lợn sẽ có lãi. Vì thế, VDSC cho rằng giá lợn hơi sẽ mang lại tia hy vọng cho các doanh nghiệp kinh doanh thịt lợn trong năm 2023. Đặc biệt, điều này sẽ thúc đẩy biên lợi nhuận của người chăn nuôi lợn trong các quý còn lại của năm nay, từ đó tạo ra mức tăng trưởng dương về lợi nhuận ròng trong năm 2023.
Trong thực tế, biên lợi nhuận gộp mảng kinh doanh lợn của một số doanh nghiệp Việt Nam như Tập đoàn Dabaco (Mã: DBC), CTCP Hoàng Anh Gia Lai (Mã: HAG), CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (Mã: BAF) hoặc CTCP Masan MeatLife (Mã: MML) đã cho thấy xu hướng giảm từ quý I/2022 đến quý I/2023. VDSC lưu ý rằng có độ trễ giữa giá đầu vào và giá bán lẻ. Do đó, với giả định rằng giá đầu vào sẽ giảm trong năm 2023, lợi nhuận của ngành lợn Việt Nam có thể đã thoát đáy trong quý I/2023 do giá thịt lợn trung bình có xu hướng tăng và mức tiêu thụ ổn định.
Hơn nữa, nhóm phân tích cũng kỳ vọng rằng tác động tích cực của giá bán cao hơn sẽ có lợi đến các công ty chăn nuôi lợn trước, tiếp đến là các nhà bán buôn và sau đó là những công ty bán lẻ. Liên quan đến kế hoạch kinh doanh năm 2023, cả 4 công ty được đề cập ở trên đều đặt mục tiêu tăng trưởng tích cực về cả doanh thu và lợi nhuận.
Kỳ vọng là như vậy song thực tế thì sao? Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG), mảng chăn nuôi lợn của ông lớn này tiếp tục kém khả quan. Công ty của bầu Đức ghi nhận doanh thu từ nuôi lợn chưa bằng bán chuối.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý II của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) cho thấy, doanh thu thuần đạt 1.450 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu bán thịt lợn tăng 185 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022, đạt 445 tỷ đồng.
Doanh thu bán chuối vẫn chiếm ưu thế, khi đạt 561 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, HAG lỗ thuần 163 tỷ đồng trong quý II. Tuy nhiên, nhờ ghi nhận lợi nhuận khác hơn 247 tỷ đồng, HAG báo lãi 113 tỷ đồng.
HAG cho biết trong bối cảnh giá lợn hơi trong nước đã tăng nhẹ nhưng chỉ dao động quanh vùng giá chưa thật cao nên kết quả kinh doanh của công ty tiếp tục chưa được khả quan và chủ yếu đến từ doanh thu của chuối. Năm 2023, ĐHĐCĐ HAG đã thông qua kế hoạch 5.120 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.130 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Một doanh nghiệp nuôi lợn khác là CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam. Theo BCTC hợp nhất quý II/2023, BAF đạt doanh thu hơn 1.600 tỷ đồng, tăng trưởng 15% so với cùng kỳ. Sau khi trừ các chi phí, BAF lãi 11 tỷ đồng, giảm 73% so với cùng kỳ.
BAF cho biết, nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm do quá trình cắt giảm hoạt động kinh doanh nông sản theo lộ trình để tập trung vào hoạt động chăn nuôi chuỗi khép kín (3F – Feed-Farm-Food). Giá lợn mới phục hồi ở giai đoạn cuối quý II chứ hồi đầu năm còn thấp.
Bên cạnh đó, nhiều trại lợn của BAF mới được đưa vào vận hành trong năm nay nên sản lượng lợn bán ra chưa tăng tương ứng với quy mô đàn. Lũy kế 6 tháng đầu năm, BAF đạt doanh thu hơn 2.400 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ 17%, đạt 33% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 16 tỷ đồng, giảm 87% so với cùng kỳ, và mới chỉ đạt 5,3% kế hoạch năm.
Lãi đậm về lợn chỉ có CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) của đại gia Nguyễn Như So là Chủ tịch HĐQT. Theo báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý II/2023, CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC) ghi nhận doanh thu đạt hơn 3.473 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022.
Kết quả kinh doanh ấn tượng này của DBC là nhờ giá lợn hơi tăng, giá một số nguyên liệu sản xuất thức ăn trong nước và nhập khẩu đều giảm, dịch bệnh được kiểm soát. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, DBC ghi nhận doanh thu đạt gần 5.787 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 6 tỷ đồng. Dabaco cũng nhận định, thời gian tới khi dịch ổn định thì giá lợn phải lên nhưng lên bao nhiêu còn tùy thuộc theo giá thị trường.
Dự báo của các chuyên gia, từ nay tới cuối năm, giá lợn hơi có thể sẽ khởi sắc hơn khi nhu cầu ăn uống tăng trở lại trong bối cảnh ngành du lịch, dịch vụ tiếp đà hồi phục và việc Trung Quốc phục hồi kinh tế, giá lợn tại nước này đi lên có thể ảnh hưởng một phần thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, các trang trại chăn nuôi đang vào đàn để phục vụ dịp Tết, thời gian nuôi sẽ mất khoảng 5-6 tháng. Do đó, các chuyên gia cho rằng thời điểm cuối năm số lượng đàn lợn sẽ tăng lên nhằm phục vụ cho thời gian cao điểm. Khi đó, giá lợn hơi sẽ ổn định hơn. Hiện nay đang là giai đoạn giao thời nên giá lợn hơi biến động mạnh.
Theo nhận định hiện tại của một số chuyên gia nông nghiệp và các công ty chứng khoán, giá lợn hơi thời gian tới, nhất là từ giai đoạn từ tháng 8/2023 trở đi, nhiều khả năng sẽ phục hồi trở lại và có thể đạt quanh mức 65.000-70.000 đồng/kg khi thị trường bước qua mùa thấp điểm và nhu cầu cải thiện sau thời gian dài giảm sút do ảnh hưởng bởi kinh tế ảm đạm.
Các cơ quan chức năng cần giám sát chặt hoạt động nhập khẩu lợn theo đường tiểu ngạch, nhất là từ khu vực biên giới với Trung Quốc, Campuchia nhằm giúp giá lợn hơi trong nước duy trì ở mức tốt cho người chăn nuôi trong thời gian tới.