dd/mm/yyyy

Giá lợn hơi liên tục giảm, sắp mất đầu giá số 6

Giá lợn hơi đã giảm liên tục trong 2 tuần qua, mức giá lợn hơi trung bình toàn quốc đã giảm xuống đáng kể về mốc 60.100 đồng/kg. Ảnh hưởng từ nguồn nhập lợn giá rẻ cộng với lượng lợn bán tháo do dịch ASF (dịch tả lợn châu Phi) cùng thời điểm khiến giá lợn khó trụ vững đầu giá số 6.

Giá lợn hơi hôm nay 27/07/2023, tiếp tục giảm

Giá lợn hơi đã giảm liên tục trong 2 tuần qua, mức giá lợn hơi trung bình toàn quốc đã giảm xuống đáng kể về mốc 60.100 đồng/kg. Ảnh hưởng từ nguồn nhập lợn giá rẻ cộng với lượng lợn bán tháo do dịch ASF (dịch tả lợn châu Phi) cùng thời điểm khiến giá lợn khó trụ vững đầu giá số 6.

Ngày 27/7, giá lợn của Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam đứng ở mức 63.000 đồng/kg (khu vực miền Bắc), giảm 4 giá so với giữa tháng 7 khi giá lợn CP ở mốc 67.000 đồng/kg (khu vực miền Bắc); 60.500 đồng/kg (khu vực miền Trung, miền Đông, miền Tây), tương tự giảm 2 giá. Giá lợn Trung Quốc hôm nay đứng ở mức 49.900 đồng/kg, tăng khá so với mức 45.500 đồng/kg, mức giá hồi giữa tháng 7.

Trung Quốc hiện tiêu thụ khoảng một nửa lượng thịt lợn trên thế giới. Sản lượng thịt lợn quý II/2023 của Trung Quốc tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước, lên 14,4 triệu tấn, cao nhất so với cùng kỳ trong 10 năm qua.

Thông thường, quý II là khoảng thời gian Trung Quốc có sản lượng thịt lợn thấp nhất, do hoạt động giết mổ gia tăng trong dịp Tết Nguyên đán vào tháng 1 và tháng 2, nhưng năm nay, nguồn cung dồi dào, đàn lợn tăng hơn năm trước, ngay cả khi nhu cầu giảm do tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Năm nay giá thịt lợn Trung Quốc giảm, một số nhà sản xuất bắt đầu giảm đàn trong quý II/2023, tăng khối lượng giết mổ. Giá thịt lợn năm nay của Trung Quốc dao động quanh mức 15 nhân dân tệ (2,1 USD)/kg, thấp hơn nhiều so với chi phí sản xuất trung bình là 18 nhân dân tệ/kg. Trong tháng 6/2023, giá giảm xuống dưới 14 nhân dân tệ do nhiệt độ tăng kỷ lục trên khắp đất nước càng làm giảm nhu cầu ăn thịt.

Theo số liệu từ Cục Thống kê Trung Quốc, sản lượng thịt lợn của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái lên 30,3 triệu tấn; lượng lợn giết mổ là 375,48 triệu con, tăng 2,6%, trong khi đàn lợn trong quý II/2023 cũng tăng lên 435,17 triệu con từ mức 430,94 triệu con trong quý I/2023.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho thấy đàn lợn nái của nước này vào cuối tháng 5/2023 tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, các nhà sản xuất lớn cho biết họ sẽ giảm sản lượng trong nửa cuối năm.

Giá lợn hơi liên tục giảm, sắp mất đầu giá số 6 - Ảnh 1.

Giá lợn hơi đã giảm liên tục trong 2 tuần qua, mức giá lợn hơi trung bình toàn quốc đã giảm xuống đáng kể về mốc 60.100 đồng/kg.

Giá lợn hơi liên tục giảm, sắp mất đầu giá số 6 - Ảnh 2.

Giá lợn hơi đã giảm liên tục trong 2 tuần qua, mức giá lợn hơi trung bình toàn quốc đã giảm xuống đáng kể về mốc 60.100 đồng/kg.

Trước đó, giá lợn hơi trong nước ghi nhận mức giảm cao nhất 3.000 đồng/kg và dao động trong khoảng 58.000-63.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi dao động trong khoảng 61.000 - 63.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại Vĩnh Phúc về mức 62.000 đồng/kg. Mức giá này cũng được ghi nhận tại Yên Bái, Tuyên Quang. Ghi nhận tại Phú Thọ lợn hơi có giá 61.000 đồng/kg. Mức giá này cũng được ghi nhận tại Lào Cai, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình. Các địa phương khác trong khu vực không ghi nhận sự biến động về giá, trong đó, mức giá cao nhất khu vực 63.000 đồng/kg được ghi nhận tại Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Nguyên, Thái Bình, Hà Nội.

Tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, giá lợn hơi dao động trong khoảng 59.000 - 61.000 đồng/kg. Theo đó, tại Hà Tĩnh lợn hơi có giá 60.000 đồng/kg. Các địa phương khác trong khu vực không ghi nhận sự biến đổi về giá, trong đó, mức giá cao nhất khu vực 61.000 đồng/kg được ghi nhận tại Thanh Hóa, Lâm Đồng. Ở chiều ngược lại, mức giá thấp nhất khu vực 59.000 đồng/kg được ghi nhận tại Đắk Lắk, Bình Thuận.

Tại khu vực phía Nam, giá lợn hơi dao động trong khoảng 58.000 - 61.000 đồng/kg. Theo đó, tại Đồng Tháp, Cần Thơ lần lượt ghi nhận giá ở mức 60.000 đồng/kg và 58.000 đồng/kg. Còn tại Hậu Giang, giá lợn hơi ở mức 59.000 đồng/kg. Ghi nhận mức giảm giá sâu nhất 3.000 đồng/kg, thương lái tại Bến Tre thu mua lợn hơi với giá 58.000 đồng/kg, ngang bằng với Bến Tre. Đây cũng là mức giá thấp nhất khu vực

Các địa phương khác trong khu vực không ghi nhận sự biến động về giá, trong đó, mức giá cao nhất khu vực 61.000 đồng/kg được ghi nhận tại Long An, Kiên Giang, Bạc Liêu. Các địa phương khác còn lại khu vực ghi nhận giá lợn hơi dao động quanh mức 59.000 đến 60.000 đồng/kg.

Theo các doanh nghiệp chăn nuôi hiện nay giá lợn hơi Việt Nam dù giảm nhưng đang cao hơn Campuchia, Thái Lan 5.000-7.000 đồng/kg, cao hơn lợn hơi Trung Quốc 10.000-15.000 đồng/kg. Do đó, người chăn nuôi rất mong muốn cơ quan chức năng kiểm soát chặt để lợn hơi từ các nước không nhập lậu vào Việt Nam. 

TS. Nguyễn Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, hiện nay giá lợn hơi Việt Nam đang cao nhất trong khu vực. Mặc dù nguồn cung nguồn cung thịt lợn trong nước dồi dào, qua thông tin của hiệp hội cho thấy hiện nay giá lợn hơi của một số nước xung quanh như Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia đang có giá trên dưới 50.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với giá lợn hơi Việt Nam. Vì vậy, có tình trạng lợn từ các nước này đi theo đường tiểu ngạch sang Việt Nam. Do đó, vài ngày nay tại một số tỉnh phía Bắc giá lợn hơi có xu hướng giảm.

Theo ông Đạt, gần một tháng nay chăn nuôi lợn mới có hiệu quả trở lại, giá lợn hơi vừa nhích lên thì bị ảnh hưởng bởi lợn tiểu ngạch sang. Điều này vừa tiềm ẩn rủi ro dịch bệnh cũng như ảnh hưởng đến người chăn nuôi trong nước. Bộ NN&PTN đã có công văn gửi Bộ Công an, Cục Thú y đề nghị tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn tình trạng này. 

Được biết, từ đầu tháng 7, giá lợn hơi tại các tỉnh, thành phố liên tục tăng, có tỉnh đạt ngưỡng 68.000 đồng/kg. Giá trung bình đến ngày dao động 63.000 – 66.000 đồng/kg ở miền Bắc, 60.000 – 62.000 đồng/kg ở miền Trung và 60.000đồng/kg ở miền Nam - đây là mức giá tốt nhất từ đầu năm đến nay.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 2,3 triệu tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2022 (riêng quý II/2023 đạt 1,1 triệu tấn giảm 4,9% so với quý I/2023).

Bên cạnh đó, chăn nuôi chuyển dịch mạnh theo xu hướng giảm chăn nuôi nhỏ lẻ ở hộ gia đình, tăng mạnh các hộ chăn nuôi chuyên nghiệp và trang trại quy mô lớn.

Trong 5 năm vừa qua, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ giảm từ 5-7%/năm, riêng năm 2019-2022, cơ sở chăn nuôi nhỏ quy mô nông hộ giảm 15-20%. Hiện nay sản lượng lợn sản xuất trong nông hộ nhỏ lẻ giảm còn 35-40%; sản lượng lợn sản xuất trong hộ chuyên nghiệp và trang trại đạt chiếm 60-65%.

Cơ cấu nguồn cung thịt lợn năm 2022 cho thấy, doanh nghiệp nội chỉ chiếm 19%, hộ chăn nuôi chiếm 38%, doanh nghiệp FDI chiếm 43%.

Các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong nước (như Dabaco, Masan, Tân Long, Thiên Thuận Trường, Mavin, Greenfeed, Trường Hải, Hòa Phát...) và nước ngoài (CP, Japfa Comfeed, New Hope, CJ, Emivest, Cargill...) đang xây dựng và từng bước hình thành hệ thống trang trại liên kết chuỗi. Đây chính là bước chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi để từng bước hiện đại hóa ngành chăn nuôi.

Từ đầu năm 2023 đến nay, mặc dù giá thức ăn chăn nuôi đã giảm 3 lần nhưng vẫn duy trì ở mức cao so với giai đoạn trước dịch Covid-19. Cùng với sự tăng giá của nhiều mặt hàng đầu vào khác, ngành chăn nuôi chịu nhiều áp lực do chi phí sản xuất, vận chuyển, cung ứng thực phẩm… vẫn ở mức cao.

Với tình hình trên, Bộ NN&PTNT cho rằng, ngành chăn nuôi cần có sự chủ động đảm bảo nguồn cung an toàn thực phẩm cuối năm vì chăn nuôi lợn cần thời gian nuôi dài.



Nguyễn Phương