Clip: BHXH huyện Sìn Hồ nỗ lực vượt khó mang cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.
BHXH huyện Sìn Hồ: Vượt thách thức, đưa chính sách an sinh tới thôn bản
Những năm qua, công tác đảm bảo an sinh xã hội ở huyện Sìn Hồ được các cấp chính quyền quan tâm, triển khai nhiều giải pháp thực hiện và đạt được những kết quả đáng mừng. Huyện đã coi đây là một trong những nhiệm vụ cấp thiết, trọng tâm cần thực hiện.
Đồng hành cùng các ban, ngành, đoàn thể huyện trong công tác an sinh xã hội ở địa phương, BHXH huyện Sìn Hồ đã và đang trở thành "cánh chim đầu đàn" nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp với mục tiêu mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. Tuy nhiên, do địa bàn khó khăn, công tác an sinh xã hội vẫn còn rất nhiều thách thức đối với cán bộ, công chức của đơn vị.
Chúng tôi có chuyến công tác tới huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu vào những ngày trung tuần tháng 7, đón chúng tôi với nụ cười tươi, sau cái bắt tay thật chặt, ông Lại Ngọc Minh, Phó Giám đốc BHXH huyện Sìn Hồ chia sẻ: Sìn Hồ là huyện miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh Lai Châu. Huyện có địa bàn rộng với 22 xã, thị trấn, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí không đồng đều, địa hình đồi núi chia cắt, mật độ dân cư thấp, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông.
Chúng tôi xác định, công tác an sinh xã hội đang là vấn đề cấp thiết cần được thực hiện trong giai đoạn hiện nay; tuy nhiên việc bảo đảm an sinh xã hội cho người dân vẫn là một thách thức, là bài toán khó không thể giải quyết một sớm, một chiều. Chính vì vậy, đơn vị đã và đang nỗ lực từng ngày nhằm đưa phúc lợi tới cộng đồng, đặc biệt là những vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.
"Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, công tác đảm bảo an sinh xã hội nói chung và công tác triển khai BHXH, BHYT thời gian qua của chúng tôi đã đạt được những kết quả tích cực, các chỉ tiêu đều đảm bảo. Tỷ lệ người tham gia BHXH, BHYT đều tăng theo từng năm…", ông Minh hồ hởi cho hay.
Nhìn từ thực tế, trong giải pháp để nâng tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT trên địa bàn khó khăn như huyện Sìn Hồ, cán bộ, công chức ngành BHXH huyện Sìn Hồ có những cách làm khá hay và hiệu quả.
Với vùng thuận lợi về giao thông, người dân có trình độ dân trí đồng đều và thu nhập ổn định như thị trấn và các xã lân cận đơn vị tổ chức các buổi truyền thông lưu động, in cấp tờ rời, treo băng zôn, khẩu hiệu và mạng xã hội... Bện cạnh đó, đơn vị chú trọng đẩy mạnh việc phối hợp với UBND các xã, thị trấn, đại lý thu tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BHYT, BHXH tự nguyện.
Với những địa bàn xa, khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngành cử cán bộ tới tận thôn, bản, phối hợp với người có uy tín, già làng, trưởng bản, tuyên truyền về những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chính sách BHXH, BHYT tới bà con.
Với cách làm "đi từng ngõ, gõ từng nhà" cán bộ, công chức ngành BHXH huyện Sìn Hồ có góc nhìn thấu đáo hơn về những băn khoăn, lo lắng của bà con khi muốn tham gia các sản phẩm của ngành, bên cạnh đó đây cũng là cơ hội để cán bộ, công chức trong ngành hiểu và chia sẻ với bà con về những khó khăn trong cuộc sống.
Chia sẻ với phóng viên, chị Cao Thị Tâm cho hay: "Việc triển khai truyền thông trực tiếp tận các thôn, bản mang lại hiệu quả khác biệt so với việc kết hợp trong các buổi họp của xã, của bản. Mỗi một gia đình chúng tôi tới đều có những hoàn cảnh riêng, khi được lắng nghe về những băn khoăn của người dân chúng tôi thêm hiểu và có những giải pháp cụ thể để chia sẻ với bà con.
Tuy cuộc sống của nhiều hộ gia đình ở huyện Sìn Hồ còn khó khăn, nhưng qua công tác tuyên truyền, bà con cơ bản nắm rõ được việc tham gia các sản phẩm BHXH sẽ được hưởng những lợi ích lớn theo suốt cuộc đời".
Thực tế cho thấy, 6 tháng đầu năm BHXH huyện đã phát triển mới 179 người tham gia BHYT hộ gia đình, 152 người tham gia BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, ngành đã tổ chức được nhiều buổi truyền thông về chính sách BHXH, BHYT thu hút hàng trăm lượt người tham gia…
BHXH huyện Sìn Hồ: Chuyển đổi số hỗ trợ tối đa cho người dân
Qua câu chuyện với ông Lại Ngọc Minh, Phó Giám đốc BHXH huyện Sìn Hồ, được biết, việc rộng đối tượng tham gia BHXH đặt ra vấn đề cấp thiết về nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ của hệ thống BHXH, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân. BHXH Sìn Hồ đặt mục tiêu hỗ trợ tối đa, tạo ra sự hài lòng cho khách hàng, đặc biệt là người dân ở những vùng khó khăn.
Hiện nay việc áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động đã trở thành một phần không thể thiếu trong lĩnh vực BHXH và BHYT. Áp dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số đã mang lại những lợi ích to lớn. Thông qua việc sử dụng ứng dụng di động, người tham gia bảo hiểm có thể tiện lợi quản lý thông tin cá nhân, tra cứu thông tin về các gói bảo hiểm và thực hiện các giao dịch trực tuyến một cách dễ dàng tiết kiệm thời gian, nâng cao trải nghiệm cho người dùng.
Hồ hởi chia sẻ với chúng tôi, anh Tẩn A San, bản Bành Phán, xã Tả Phìn, huyện Sìn Hồ cho biết: Hiện nay, tôi tham gia gói bảo hiểm tự nguyện để tích lũy cho lương hưu trong tương lai. Với tình hình thường xuyên phải đi làm xa, tôi thực hiện việc đóng tiền và các thủ tục thông qua điện thoại và thấy rất tiện lợi, nhờ đó tôi có thể duy trì lâu dài việc tham gia bảo hiểm, yên tâm lao động, phát triển kinh tế.
Việc thực hiện chuyển đổi số tại BHXH Huyện Sìn Hồ mang đến không chỉ lợi ích cho người dân mà còn tối ưu hóa quy trình và tăng cường hiệu quả hoạt động của cán bộ ngành bảo hiểm. Đồng thời, sự tiện ích của các ứng dụng và công nghệ số đã được lan tỏa trong cộng đồng, khuyến khích người dân vùng sâu, vùng xa tham gia BHXH.
Tỷ lệ khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID tại Huyện Sìn Hồ đã đạt mức 95%, con số này minh chứng rõ việc áp dụng công nghệ số và ứng dụng hiện đại đã thu hút sự quan tâm và tin dùng của người dân. BHXH huyện Sìn Hồ cũng khuyến khích người dân sử dụng thẻ CCCD gắn chip và ứng dụng VssID (BHXH số) để giảm thủ tục hành chính và tận dụng các tiện ích được tích hợp.
Chia sẻ thêm với chúng tôi, ông Minh cho biết, việc triển khai tích hợp thông tin thẻ BHYT lên thẻ CCCD gắn chip điện tử đã đơn giản hóa việc khám chữa bệnh, thu hút sự quan tâm và tin dùng của người dân. Qua ứng dụng VssID, người dân có thể tra cứu lịch sử khám chữa bệnh, thuốc đã sử dụng và quyền lợi bảo hiểm cá nhân, giúp họ nắm bắt và quản lý tốt hơn sức khỏe của mình.
"Chuyển đổi số không chỉ tiết kiệm thời gian và công sức cho người dân mà còn giảm tải các thủ tục hành chính và giấy tờ tùy thân. Sự đơn giản và tiện lợi trong việc sử dụng công nghệ số đã tạo nên một môi trường phục vụ thân thiện với người dân hơn, điều này góp phần không nhỏ vào việc giữ chân khách hàng sử dụng dịch vụ ngành BHXH nói chung và BHXH huyện Sìn Hồ nói riêng, dù địa bàn còn nhiều khó khăn", ông Minh hồ hởi bày tỏ.