dd/mm/yyyy

Đà Bắc nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP

Những năm qua, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) đã có nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo ra hàng hóa chất lượng cao mang đậm thương hiệu của địa phương.


Video: Đà Bắc nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP

Xây dựng các sản phẩm đặc trưng địa phương thành sản phẩm OCOP

Đà Bắc được biết đến là một trong những huyện nghèo của tỉnh Hòa Bình. Kinh tế của người dân trên địa bàn chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp. Nhiều năm qua, tận dụng lợi thế của địa phương là có nhiều sản phẩm đặc trưng về nông nghiệp, nông thôn như du lịch cộng đồng Đá Bia (xã Tiền Phong), rượu ngô Cao Sơn, miến dong Cao Sơn (xã Cao Sơn), rượu thóc Vịnh Xuân (xã Toàn Sơn), thịt lợn bản địa Tân Minh (xã Tân Minh)…, huyện đã định hướng, phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương thành các sản phẩm OCOP, từ đó giúp tăng giá trị các sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.

Xác định thực hiện chương trình OCOP là tạo nguồn lực tại chỗ nhằm hỗ trợ thực hiện nhóm tiêu chí sản xuất - thu nhập - hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, do đó, chương trình OCOP đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở và các chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn quan tâm triển khai thực hiện. 

Đà Bắc nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP - Ảnh 1.

Sản phẩm Thịt lợn bản địa Tân Minh của HTX đa ngành nghề Tâm Cương Tân MInh được được UBND tỉnh Hòa Bình công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Ảnh: Tâm Ken.

Trong giai đoạn 2018 - 2022 toàn huyện Đà Bắc có 7 sản phẩm được UBND tỉnh Hòa Bình công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng từ 3 sao trở lên, gồm: Rượu ngô Cao Sơn; Sản phẩm Miến Dong Đà Bắc; sản phẩm Hạt Sachi Omega 3.6.9; du lịch cộng đồng Đá Bia; sản phẩm Rượu thóc Trúc Sơn; sản phẩm Chè Shan Tuyết Trung Thành; Sản phẩm Thịt lợn bản địa Tân Minh. Trong đó, sản phẩm Du lịch cộng đồng Đá Bia đạt hạng 4 sao.

Các sản phẩm OCOP đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng mẫu mã, bao bì; bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Đến nay, chương trình OCOP đã tạo được sự lan tỏa rộng khắp, góp phần tái cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống người dân nông thôn, bước đầu hình thành được các sản phẩm đặc trưng gắn với từng địa phương.

Nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP ở Đà Bắc

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt điện tử, ông Bùi Khắc Vinh, Trưởng phòng NN & PTNT huyện Đà Bắc, cho biết: Chương trình OCOP góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn, miền núi theo hướng gia tăng giá trị. Để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP của địa phương và tăng cường cạnh tranh, thời gian qua, huyện đã tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm tham gia chương trình OCOP bằng những giải pháp cụ thể như: Định hướng tư vấn nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm theo hướng chuẩn hóa chất lượng; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng; hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm để đưa sản phẩm của địa phương đến với những khách hàng tiềm năng.

Cùng với đó, để mở rộng thị trường tiêu thụ, Phòng NN & PTNT huyện đã phối hợp với Sở NN & PTNT tỉnh, các cơ quan chuyên môn huyện và Hội Nông dân huyện, thường xuyên kết nối các hội chợ, triển lãm về sản phẩm OCOP cho các cơ sở sản xuất trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP; bố trí, sắp xếp các gian hàng OCOP của huyện tại các hội chợ, triển lãm trên địa bàn tỉnh; tổ chức các hội nghị kết nối, giao thương cung cầu hàng hóa ở trong và ngoài tỉnh; xây dựng được điểm giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP; khuyến khích sử dụng sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của huyện làm tặng phẩm cho du khách, làm quà tặng trong các dịp lễ, tết, hội nghị, hội thảo…, bước đầu đã mang lại hiệu ứng tốt, giúp chủ thể tiêu thụ được nhiều sản phẩm.

Đà Bắc nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP - Ảnh 2.

Các sản phẩm OCOP của huyện Đà Bắc được trưng bày, giới thiệu tại cửa hàng nông sản thực phẩm an toàn Tâm Cương. Ảnh: PV Tây Bắc.

Theo Trưởng phòng NN & PTNT huyện Đà Bắc, giai đoạn 2021 - 2025, huyện phấn đấu có ít nhất 6 sản phẩm OCOP đạt hạng từ 3 sao trở lên. Nhằm tiếp tục phát triển cũng như nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, huyện sẽ tập trung chuẩn hóa và phát triển sản phẩm thông qua việc định hướng phát triển các sản phẩm đạt tiêu chí sản phẩm OCOP trên cơ sở khai thác nguồn tài nguyên bản địa, nhất là đặc sản vùng, miền.

Xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, từng bước mở rộng quy mô sản xuất, tham gia liên kết theo chuỗi giá trị, chuỗi an toàn thực phẩm; xác định rõ những sản phẩm lợi thế, có tính cạnh tranh cao, tập trung chuẩn hóa, nâng hạng sản phẩm theo hướng sản phẩm tiềm năng xuất khẩu; khuyến khích các chủ thể tiếp tục đăng ký nâng hạng sao các sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao.

Qua đó, đưa chương trình OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế trọng tâm tại địa phương; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Phạm Hoài - Tuệ Linh