dd/mm/yyyy

Củ dong riềng ở vùng cao Sơn La được giá, nông dân phấn khởi

Khoảng 5 năm trở lại đây, cây dong riềng ở xã vùng cao Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La được người nông dân trồng theo hướng hàng hóa, giá cả ổn định, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con.
Củ dong riềng ở vùng cao Sơn La được giá cao, nông dân phấn khởi - Ảnh 1.

Nông dân xã vùng cao Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La thu hoạch củ dong riềng. Ảnh: Mùa Xuân.

Củ dong riềng mang lại ấm no ở vùng cao

Đến với xã vùng cao Co Mạ vào những ngày này, ngoài cái rét cắt da, cắt thịt của đầu đông kèm theo mưa phùn vào sáng sớm, chúng tôi còn được cảm nhận không khí vui tươi, phấn khởi của bà con khi đang tất bật đào củ dong riềng bán cho thương lái.

Vụ dong năm nay theo đánh giá của bà con xã vùng cao Co Mạ đây là vụ dong có giá bán cao nhất từ trước tới nay, nếu so sánh bắp ngô thì còn cao hơn gấp nhiều lần, đặc biệt là năng suất và chất lượng củ dong.

Đang chở từng bao củ dong riềng xuống để cạnh đường tỉnh lộ 108 để xếp bán cho thương lái, anh Và Sếnh Vừ, bản Co Mạ, huyện Thuận Châu phấn khởi: Gia đình tôi năm nay chỉ trồng khoảng 5.000 m2 dong riềng bản địa, hiện tại gia đình tôi đã thu được khoảng 15 tấn củ dong riềng, với giá bán hiện đang là 4.000 đồng/kg, thu về 60 triệu đồng.

Củ dong riềng ở vùng cao Sơn La được giá cao, nông dân phấn khởi - Ảnh 2.

Củ dong riềng bản địa ở xã vùng cao Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đẹp, chất lượng cao. Ảnh: Mùa Xuân.

Theo anh Vừ, cách đây khoảng 5 năm trở về trước củ dong riềng ở đây bắt đầu được thương lái ở các tỉnh khác đến thu mua nhưng giá thấp nên người dân không mặn mà trồng và chăm sóc. 

Mấy năm gần đây, khi giá củ dong riềng được mùa, được giá bà con đã chú tâm vào việc trồng loại cây dong này nhiều hơn.

"Với bà con chúng tôi ở vùng đất xa xôi, nghèo khó này, có thu nhập từ 60-100 triệu đồng bằng những giọt mồ hôi, nước mắt sau một năm lao động, sản xuất bám mặt cho đất, bám lưng cho trời là mừng và quý lắm". Anh Vừ tâm sự.

Củ dong riềng ở vùng cao Sơn La được giá cao, nông dân phấn khởi - Ảnh 3.

Những bao tải củ dong riềng được xếp chồng lên nhau để bán cho thương lái. Ảnh: Mùa Xuân.

Còn ông Vàng Chứ Dơ, bản Pha Khuông, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu cũng vui mừng bảo: Vụ dong năm nay, gia đình tôi cũng trồng được khoảng 8.000 m2. 

Hiện gia đình tôi đã thu được khoảng hơn 10 tấn củ dong riềng, với giá bán dao động từ 3,7-4.000 nghìn đồng/kg, thu về khoảng 40 triệu đồng. 

Củ dong riềng ở vùng cao Sơn La được giá cao, nông dân phấn khởi - Ảnh 4.

Người dân xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cân củ dong bán cho thương lái. Ảnh: Mùa Xuân.

Cần có định hướng đúng đắn cho bà con vùng cao trồng cây dong riềng

Ông Vàng A Mai, Trưởng bản Co Mạ, xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, cho biết: Bản Co Mạ hiện có gần 100 hộ dân, với hơn 400 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Trước đây, thu nhập của bà con chủ yếu phụ thuộc vào chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng ngô. 

Vậy nhưng bây giờ giá trâu, bò, ngô xuống rất thấp nên cuộc sống của người dân gặp không ít khó khăn.

Vài năm trở lại đây, củ dong riềng bán được giá bà con nhân dân trong bản đã chuyển đất trồng ngô, lúa kém hiệu quả sang trồng cây dong riềng bản địa. 

Hiện cả bản có hơn 20ha cây dong riềng lai, dong bản địa, bước đầu loại cây trồng này cho năng suất cao, giá cả ổn định, đây là điều rất đáng mừng.

Củ dong riềng ở vùng cao Sơn La được giá cao, nông dân phấn khởi - Ảnh 5.

Giá bán củ dong riềng hiện đang là 4.000 đồng/kg củ tươi. Ảnh: Mùa Xuân.

Theo báo cáo của UBND xã Co Mạ, đến nay, toàn xã Co Mạ có 80 ha trồng cây dong riềng. Dong riềng trồng tập trung ở các bản Co Mạ, Láo Hả, Pha Khuông, Co Nghề A, B…

Sau nhiều năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giá dong riềng đã tăng cao hơn so với năm trước. Bởi vậy, các hộ trồng dong riềng đều mong muốn sẽ tiếp tục duy trì các diện tích hiện có và mở rộng thêm diện tích để nâng cao thu nhập trong những năm tiếp theo.

Có thể thấy từ một loại cây trồng được bà con vùng cao Co Mạ thu hoạch để làm thức ăn cho lợn, giờ đây củ dong riềng đang trở thành cây trồng giúp bà con nâng cao thu nhập, từng bước xóa nghèo. 

Thế nhưng để loại cây trồng này phát triển bền vững mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành tỉnh Sơn La trong việc quy hoạch vùng trồng, liên kết sản xuất cho nhân dân.

Xã Co Mạ, huyện Thuận Châu là xã nằm ở trung tâm của 6 xã vùng cao có đường tỉnh lộ 108 đến trung tâm xã. Do vậy, rất thuận tiên trong việc giao lưu trao đổi hàng hoá giữa các địa phương. Hiện xã Co Mạ có 19 bản, với hơn 1.400 hộ, hơn 7.200 nhân khẩu; gồm dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú cùng sinh sống.

Mùa Xuân