dd/mm/yyyy

Chuyển đổi số trong nông nghiệp phải bắt đầu từ nông dân

Đó là những chia sẻ của ông Phạm Quốc Chinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sơn La về quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Sơn La tại chương trình Gala...


Clip: Ông Phạm Quốc Chinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sơn La chia sẻ tại chương trình GaLa.

Chuyển đổi số: Hơn 35.000 hộ được khởi tạo tài khoản trên các sàn thương mại điện tử

Sơn La là một tỉnh có đặc thù về nông nghiệp với khu vực nông thôn chiếm đa số; nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong GDP.

Tuy nhiên, mô hình sản xuất còn nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị vẫn luôn là tồn tại của nền nông nghiệp tỉnh Sơn La trong nhiều năm qua. Vì vậy, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp được xem là một trong những nội dung cần thiết và quan trọng hiện nay, nhất là trong việc đồng hành giữa nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học với nhà nông để đạt được các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 31/08/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.

Thời gian qua, tỉnh Sơn La đã triển khai thí điểm hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các hộ sản xuất nông nghiệp, tập huấn đào tạo trực tiếp cho các HTX trọng điểm của tỉnh, quảng bá xúc tiến thương mại, xuất khẩu nông sản tỉnh Sơn La trên sàn thương mại điện tử.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp phải bắt đầu từ nông dân - Ảnh 1.

Ông Phạm Quốc Chinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sơn La phát biểu tại chương trình GaLa. Ảnh: Mùa Xuân.

Ông Phạm Quốc Chinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sơn La cho biết: Đến nay, tỉnh Sơn La có 33.702 hộ sản xuất nông nghiệp tham gia tổ chức tập huấn, đào tạo kỹ năng số; hơn 35.275 hộ được khởi tạo tài khoản trên các sàn thương mại điện tử. Trong năm 2022, Sơn La đã hỗ trợ 798 sản phẩm đưa lên các sàn thương mại điện tử; trên 23.000 đơn hàng được giao dịch trên sàn; có 59 sản phẩm OCOP của Sơn La được đưa lên các sàn thương mại điện tử với doanh thu khoảng 3,5 tỷ đồng. Đã cập nhật thông tin của 109 sản phẩm; 72 đơn vị sản xuất, kinh doanh lên sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ nông sản tỉnh Sơn La (sannongsansonla.vn).

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, HTX và các hộ nông dân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp đã chủ động ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ số trong các quy trình sản xuất, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản. Đó là sử dụng các thiết bị cảm biến để kiểm tra, đánh giá chất lượng đất, nước, không khí vùng trồng, kiểm soát dinh dưỡng.... để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.

Sử dụng internet, mạng xã hội để quảng bá, bán hàng trực tuyến, tham gia các sàn thương mại điện tử, mở rộng thị trường để cung cấp ra thị trường trong và ngoài tỉnh hoặc xuất khẩu.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp phải bắt đầu từ nông dân - Ảnh 3.

Trang chủ sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ nông sản tỉnh Sơn La (sannongsansonla.vn). Ảnh: Chụp màn hình.

Hiện, tỉnh Sơn La có 1.459 tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn, bản; các tổ công nghệ số công đồng với nòng cốt là đoàn viên thanh niên có am hiểu, thông thạo việc sử dụng, ứng dụng Công nghệ thông tin. Tổ công nghệ số cộng đồng có trách nhiệm hỗ trợ người dân trên địa bàn sử dụng, ứng dụng các nền tảng số (dịch vụ công trực tuyến; tham gia các sàn thương mại điện tử; truy xuất nguồn gốc, ví điện tử...).

Chuyển đổi số cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

Ông Phạm Quốc Chinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sơn La cho rằng: Để chuyển đổi số nông nghiệp phải bắt đầu từ nông dân và phải dựa trên nên tảng số, dữ liệu số, đồng thời các chính sách đều hướng đến nông dân, nông thôn, doanh nghiệp, HTX.

Tiếp tục nâng cao nhận thức, tư duy chuyển đổi số cho người dân, hộ sản xuất, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Điểm nhấn là tiếp tục xây dựng, mở rộng, triển khai các nền tảng học trực tuyến đại trà với các giáo trình trực quan, sinh động, dễ hiểu, để phổ biến kiến thức cơ bản, kỹ năng số, nền tảng số để người dân tự giác tham gia học tập, nâng cao nhận thức và ứng dụng vào thực tiễn.

Phát huy vai trò nòng cốt của hội nông dân, các tổ chức đoàn thể, tính xung kích của đoàn viên thanh niên, nhất là các cháu học sinh phổ thông tích cực tham gia các tổ chuyển đổi số cộng đồng để cầm tay chỉ việc, trực tiếp hướng dẫn người dân tiếp cận và sử dụng các công nghệ số; với sự thông minh và tính cộng đồng cao, với sự hỗ trợ từ truyền thông, mạng xã hội, từ 1 người biết sẽ lan tỏa đến 10 người khác cùng biết, và như vậy hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu nông dân sẽ có tư duy, nhận thức về chuyển đổi số.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp phải bắt đầu từ nông dân - Ảnh 4.

Các doanh nghiệp, HTX sẽ đưa sản phẩm lên sàn giao dịch và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ nông sản tỉnh Sơn La để người tiêu dùng dễ dàng tìm kiếm sản phẩm mình ưa chuộng. Ảnh: Chụp màn hình.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp phải bắt đầu từ nông dân, vì kinh tế hộ chiếm tới 99,89% tổng số các chủ thể sản xuất mới là phần làm nên nền tảng của kinh tế nông nghiệp. Họ buộc phải tự thay đổi nhận thức, đổi mới tư duy để lựa chọn bước đi phù hợp, thực hiện tiến trình ứng dụng công nghệ số vừa có tính tự nguyện, vừa bắt buộc. Phải làm cùng nhau, tất cả cùng làm thì mới thực hiện được chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Cần phải có các nền tảng số để phục vụ cho ngành nông nghiệp với xu thế bỏ qua trung gian, phi tập trung hóa và phi vật thể hóa. Các sàn thương mại điện tử cho nông nghiệp (ví dụ như Voso.vn, ProMart.vn) không chỉ cung cấp nền tảng số, hướng dẫn cách lên sàn, còn phải hỗ trợ các hộ sản xuất đồng bộ các giải pháp từ tiếp thị, truyền thông, đóng gói, vận chuyển, thanh toán…

Chuyển đổi số giúp nông dân tiếp cận thông tin, công nghệ như một doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu đến hộ nông dân, thậm chí đến từng cây – con. "Giải pháp là các doanh nghiệp cung cấp công nghệ, thông tin như một dịch vụ theo yêu cầu cho các hộ, với giá phù hợp mà các hộ có thể tiếp cận".

Chuyển đổi số sẽ hình thành một phiên bản số của thế giới thực, tức là số hóa đất đai, môi trường, cây trồng, vật nuôi… Sau đó, các hoạt động quy hoạch, mô phỏng, đánh giá, phân định sẽ được thực hiện trên thế giới ảo một cách nhanh nhất. Sau khi được tối ưu hóa sẽ "hắt ngược" vào thế giới thực một các thực chất, hiệu quả và tối ưu nhất.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp phải bắt đầu từ nông dân - Ảnh 5.

Chuyển đổi số là xu hướng phát triển tất yếu của thời đại. Ảnh: Luyện Tuấn.

Hiện nay đã có nhiều nền tảng số phục vụ cho ngành nông nghiệp, như nền tảng dữ liệu số nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản, nền tảng sàn thương mại điện tử nông nghiệp, nền tảng tốt ưu hóa chuỗi cung ứng… Nền tảng được hiểu là một phần mềm ứng dụng cho toàn quốc, cho các tỉnh, đặc biệt là xã và hộ nông dân.

Phải có chính sách hướng đến nông dân, nông thôn, doanh nghiệp, hợp tác xã để hỗ trợ quá trình chuyển đổi số: Ngành nông nghiệp, đặc biệt là Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân tỉnh, Liên minh HTX tỉnh nghiên cứu, tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh có chính sách đầu tư, hỗ trợ xây dựng, triển khai các nền tảng số ứng dụng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Đề xuất các chính sách thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX, hộ nông dân có nhu cầu chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh. Chuyển đổi số nông nghiệp muốn thành công cũng cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và phát huy nguồn lực của toàn xã hội.

 

Mùa Xuân