dd/mm/yyyy

Sơn La: Cần xây dựng mô hình điểm trong chuyển đổi số

Theo ông Lê Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sơn La, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình điểm trong chuyển đổi số trong nông nghiệp...


Clip: Ông Lê Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sơn La nói về ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Sơn La.

Ứng dụng chuyển đổi số ở Sơn La còn hạn chế

Chia sẻ về kết quả ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La tại chương trình Gala "Nông dân Sơn La với chuyển đổi số", ông Lê Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sơn La thông tin: Chuyển đổi số trong nông nghiệp đó là ứng dụng toàn bộ những cái công nghệ tiên tiến, trong đó có công nghệ thông tin từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ. Tại tỉnh Sơn La, đối với các doanh nghiệp lớn, họ đã và đang thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất; Với doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã và hộ nông dân thì việc ứng dụng chuyển đổi số còn rất hạn chế.

Theo ông Kỳ, Sơn La mới chỉ phổ biến được chuyển đổi số ở các sản phẩm OCOP của tỉnh được tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử. Đây là cái thành công nhất của một trong những khâu của chuyển đổi số nông nghiệp ở Sơn La. Đó là khâu tiêu thụ sản phẩm. Còn lại khâu sản xuất, chế biến và những nội dung khác còn hạn chế.

Sơn La: Cần xây dựng mô hình điểm trong chuyển đổi số - Ảnh 2.

Theo ông Lê Văn Kỳ, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sơn La, cần phải xây dựng mô hình điểm trong chuyển đổi số trong nông nghiệp... Ảnh: Tuệ Linh.

Ông Kỳ cho biết: Các hộ nông dân và hợp tác xã mới đang dừng ở việc tưới nhỏ giọt, cấp mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên thông tin còn rất hạn chế. Ví dụ tem truy xuất nguồn gốc còn rất đơn giản. Dùng điện thoại soi vào mới chỉ thấy tên sản phẩm, hợp tác xã nào; còn lại sản xuất dùng phân gì, thuốc BVTV ra làm sao thì lại không có. 

Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sơn La thông tin thêm: Với Chương trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, ngày 15/9/2022, Sở NNPTNT tỉnh mới tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch liên quan đến chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021 – 2025. Đến nay mới được 3 tháng nên kết quả thông tin còn rất hạn chế.

Cần xây dựng mô hình điểm trong chuyển đổi số

Theo ông Kỳ, Chương trình Gala "Nông dân Sơn La với chuyển đổi số" do Báo Nông Thôn Ngày Nay phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Sơn La tổ chức ngày 14/12 đã nêu lên những thực trạng và kết quả của chuyển đổi số. 

Thông qua Chương trình Gala, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi sẽ tiếp thu toàn bộ những nội dung mà các đại biểu đã nêu lên về tồn tại chuyển đổi số trong nông nghiệp. Sở sẽ tham mưu với UBND tỉnh đề xuất với HĐND tỉnh Sơn La ban hành cơ chế, chính sách phục vụ 3 nhóm đối tượng: Hộ nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp.

Sơn La: Cần xây dựng mô hình điểm trong chuyển đổi số - Ảnh 3.

Ngành kiểm lâm Sơn La ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý bảo vệ rừng. Ảnh: Tuệ Linh.

"Việc này phải làm rất cụ thể và xây dựng mô hình. Một hộ nông dân để làm được đúng nghĩa của chuyển đổi số, gồm 3 khâu: Sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Chúng ta phải làm cụ thể một hộ gia đình nào đó, hỗ trợ họ ra sao; hoặc một hợp tác xã tiên phong thực hiện chuyển đổi số thì từ vận động thành viên sản xuất cho đến thu mua, chế biến và cuối cùng là tiêu thụ sản phẩm ra thị trường phải làm như thế nào? Sau đó, đánh giá xem họ đã có cái gì rồi, còn thiếu khâu nào thì mình tác động vào việc đó.

Nếu thành công, chúng ta mới phổ biến rộng rãi. Chúng ta phải làm từng bước 1 chứ không thể nhanh được. Nói vậy thôi, chuyển đổi số trong nông nghiệp, cán bộ còn hiểu mập mờ nói gì người nông dân hiểu được. Nên chúng ta phải cầm tay chỉ việc", ông Kỳ nói. 

Ông Kỳ ví dụ: Đối với một diện tích trồng rau, người nông dân phải biết mở máy tính ra và cài đặt phần mềm vào đúng giờ này với độ ẩm bằng này thì tự phun; nếu độ ẩm cao hơn thì tự động ngắt lại. Nếu truy xuất nguồn gốc thì nông dân phải sử dụng phần mềm như thế nào để nhận biết được giống cây này trồng từ ngày nào, chăm sóc ra sao, bón phân gì, ngày thu hái, đóng gói bao nhiêu… Những vấn đề này phải tập huấn, hướng dẫn cho nông dân. Phải làm mô hình cụ thể, chứ cứ nói chung chung và trên lý thuyết thì rất khó để người nông dân làm chuyển đổi số được.

Chúng ta phải có cơ chế, chính sách bài bản vào đến từng hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp. Đầu tiên nông dân phải có máy vi tính và biết sử dụng, phải có mạng internet. Một hộ nông dân có 10 ha nhãn, thay vì dùng bình phun thì chúng ta điều khiển và sử dụng máy bay không người lái phun thuốc đậu quả, trừ sâu bệnh…

Sơn La: Cần xây dựng mô hình điểm trong chuyển đổi số - Ảnh 4.

Các sản phẩm OCOP của tỉnh Sơn La được bán trên sàn thương mại điện tử (sannongsansonla.vn). Ảnh: Tuệ Linh.

Bên cạnh đó, ông Kỳ cũng đề xuất, đoàn thanh niên là những người trẻ nhất, sáng tạo nhất. Vì vậy, những chỉ đạo, định hướng từ Trung ương, tỉnh thì thanh niên sẽ phải là lực lượng dẫn đầu. Bởi đây là tầng lớp tri thức. Họ am hiểu về khoa học kỹ thuật, có trình độ về công nghệ thông tin, nhanh nhẹn.

"Tổ chức đoàn sẽ chọn một chi đoàn nào đó để triển khai thực hiện chuyển đổi số trước. Tương tự, Hội Nông dân, Hội Cựu Chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ cũng vậy", ông Kỳ nói.

Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sơn La lấy ví dụ thêm: Ngày xưa, thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc của tỉnh, chúng ta chỉ đạo thực hiện tuyên truyền cắt ghép cây ăn quả đến cải tạo vườn tạp. Sau đó, có hiệu quả rồi thì không bảo người nông dân vẫn tự làm. Kỹ thuật bây giờ người nông dân giỏi hơn cán bộ chuyên môn.

Ông Kỳ cho rằng, thực tế chuyển đổi số trong nông nghiệp bây giờ đang tập trung vào cơ quan quản lý nhà nước; còn hộ gia đình với hợp tác xã còn ít.

Tại tỉnh Sơn La, ngành nông nghiệp đang ứng dụng chuyển đổi số vào quản lý và bảo vệ rừng. Hiện, ngành kiểm lâm đang làm. Lúc nào cháy, cháy ở đâu thì trong vòng mấy phút là phát hiện và có chỉ đạo ngay. Thứ hai là cảnh báo về phòng chống thiên tai; cơ quan quản lý phòng chống thiên tai của tỉnh có những hệ thống quan trắc tự động, ở đâu có bão lũ, sạt lở là báo ngay. Thứ ba là trạm đo mưa tự động.

Chúng tôi sẽ tiếp thu, nghiên cứu các bài phát biểu, tham luận của các đồng chí để có định hướng tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh Sơn La có cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực, kinh phí cho các tổ chức đoàn thể hoặc cơ quan nào đó để xây dựng những mô hình điểm trong chuyển đổi số. Sớm đưa chuyển đổi số gồm 3: Sản xuất, chế biến và tiêu thụ vào thực tiễn tốt hơn.

Nói gì thì nói chuyển đổi số phải từ hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp lên. Phải có những mô hình thực tế, để người ta nhìn thấy nó khác với mô hình không chuyển đổi số ở đâu. Khi đó, sẽ có người nông dân có thu nhập cao sẵn sàng bỏ kinh phí mua sắm các thiết bị công nghệ trong sản xuất để giảm nhân công, chi phí sản xuất.

Lý giải về khó khăn nguồn nhân lực trong thực hiện chuyển đổi số ở Sơn La, tình trạng lao động trẻ học hết lớp 12, học xong đại học ở Sơn La đi làm công ty, đi làm doanh nghiệp. Rất ít người ở lại vùng quê cùng gia đình trồng cây, chăn nuôi; theo ông Kỳ, lớp trẻ nghĩ làm nông nghiệp vất vả, thu nhập thấp nên lớp trẻ học xong có xu hướng đi làm công ty, doanh nghiệp. 

"Nếu bây giờ chúng ta thực hiện tốt chuyển đổi số, tất cả đều ứng dụng phần mềm, ứng dụng công nghệ để làm nông nghiệp, giúp nâng cao thu nhập thì sẽ thu hút lực lượng thanh niên quay trở lại quê hương làm nông nghiệp".

Tuệ Linh