Thứ Sáu, ngày 17/01/2025 11:59 PM (GMT+7)

Chương trình Mục tiêu quốc gia - "Chìa khóa" mở cánh cửa thoát nghèo ở Tủa Chùa

2024-11-21 18:56:00

Huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên đang từng bước chuyển mình với những chiến lược cụ thể để thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững. Trong một buổi trao đổi với chúng tôi, ông Lường Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa, đã chia sẻ những giải pháp trọng tâm của huyện trong hành trình này.

Khi chính sách tới từng bản làng, người dân Tủa Chùa

Theo ông Lường Tuấn Anh, một trong những giải pháp then chốt mà huyện đang triển khai là tận dụng tối đa các nguồn lực từ Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) và các chương trình hỗ trợ của Nhà nước. Ông Tuấn Anh nhấn mạnh: "Huyện Tủa Chùa đang huy động các nguồn vốn từ chương trình 135, chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cũng như các dự án phi chính phủ để đầu tư vào cơ sở hạ tầng và hỗ trợ sinh kế cho người dân. Đây là những nguồn lực quan trọng giúp cải thiện điều kiện sống và thúc đẩy sản xuất tại địa phương."

Qua câu chuyện với Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa, chúng tôi được biết từ năm 2011 đến nay, huyện đã đầu tư xây dựng hơn 180 công trình với tổng mức đầu tư trên 1.100 tỷ đồng. Hoàn thành đưa vào sử dụng 137 công trình giao thông với tổng mức đầu tư gần 54 tỷ đồng. Xây mới 150,5/240km đường liên xã; 56,6/233,5km đường trục xã và 52,7/356km đường trục thôn được cứng hóa…

Chương trình Mục tiêu Quốc gia: "Chìa khóa" mở cánh cửa thoát nghèo ở Tủa Chùa - Ảnh 1.

Từ năm 2011 đến nay, huyện Tủa Chùa đã đầu tư xây dựng hơn 180 công trình với tổng mức đầu tư trên 1.100 tỷ đồng. Các tuyến đường từ trung tâm huyện đến các xã đã được đầu tư kiên cố hóa, giúp người dân thuận lợi đi lại. Ảnh Vinh Duy.

Cụ thể, huyện đã ưu tiên xây dựng đường giao thông liên thôn, liên xã. Cải tạo hệ thống thủy lợi và triển khai các dự án cấp nước sạch cho đồng bào tại những xã khó khăn như Sính Phình, Lao Xả Phình, và Tả Sìn Thàng…

Trong chiến lược phát triển kinh tế, huyện Tủa Chùa đã tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp để phát huy tiềm năng của địa phương. Ông Lường Tuấn Anh chia sẻ: "Chúng tôi khuyến khích bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập trung vào những sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Huyện đang hỗ trợ nhân rộng các mô hình trồng cây ăn quả ôn đới như mận hậu, lê, cũng như phát triển chăn nuôi gia súc quy mô lớn".

Thời gian qua, huyện Tủa Chùa đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó nổi bật là các chính sách về đất sản xuất, nước sinh hoạt và vay vốn phát triển kinh tế từ các nguồn tín dụng ưu đãi. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã được triển khai đồng bộ tại các xã đặc biệt khó khăn.

Nhằm tạo sinh kế bền vững, huyện Tủa Chùa đặc biệt chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Các lớp học nghề trồng trọt, chăn nuôi, dệt thổ cẩm được mở thường xuyên tại các xã. Nhiều lao động sau đào tạo đã tự mở rộng quy mô sản xuất hoặc tham gia vào các hợp tác xã (HTX) địa phương, từ đó góp phần tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững.

Chương trình Mục tiêu Quốc gia: "Chìa khóa" mở cánh cửa thoát nghèo ở Tủa Chùa - Ảnh 2.

Chương trình Mục tiêu quốc gia đã hỗ trợ cho người dân Tủa Chùa cây, con giống để người dân tập trung phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Ảnh Vinh Duy.

Một số hộ gia đình tiêu biểu đã vươn lên thoát nghèo nhờ kết hợp chăn nuôi gia súc với phát triển nông nghiệp. Anh Thào A Vừ, thôn Bản Phô, xã Trung Thu, chia sẻ: "Năm 2021, gia đình tôi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Điện Biên hỗ trợ đàn dê gồm 9 con dê cái và 1 con dê đực. Sau gần 3 năm chăn nuôi, đàn dê phát triển tốt đã đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình tôi. Được sự hỗ trợ của Nhà nước, gia đình tôi đã xóa đói, giảm được nghèo".

Đồng hành cùng đồng bào dân tộc thiểu số trên hành trình thoát nghèo

Để đảm bảo thành công, huyện thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, các giống cây, con chất lượng cao được cung cấp miễn phí hoặc với mức hỗ trợ lớn, giúp bà con yên tâm phát triển sản xuất.

Người dân đã nâng cao ý thức sản xuất, có sản phẩm bán ra thị trường ổn định. Nhưng để kết nối cho người dân với các thị trường tiêu thụ sản phẩm là một vấn đề quan trọng. Một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Ông Lường Tuấn Anh cho biết: "Chúng tôi đang hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác ở các xã để người dân tập trung sản xuất theo hướng hàng hóa. Đồng thời, huyện đã làm việc với các doanh nghiệp để mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản địa phương".

Chương trình Mục tiêu Quốc gia: "Chìa khóa" mở cánh cửa thoát nghèo ở Tủa Chùa - Ảnh 3.

Tủa Chùa đã có nhiều sản phẩm OCOP đặc trưng của huyện mà ít có địa phương nào sản xuất được. Mật ong lên men Tân Thái Dương được sản xuất đạt chuẩn OCOP 3 sao, được khách hàng đánh giá cao về chất lượng. Ảnh Vinh Duy.

Một trong những tác động lớn nhất của Chương trình MTQG là giúp bà con thay đổi tư duy sản xuất. Các lớp tập huấn kỹ thuật được tổ chức định kỳ tại từng xã, từng thôn bản, giúp người dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc áp dụng khoa học vào canh tác.

Bà con đã biết cách sử dụng phân bón hợp lý, xây dựng chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh, và áp dụng quy trình tưới nước tiết kiệm cho cây trồng. Những thay đổi này không chỉ nâng cao năng suất mà còn bảo vệ môi trường sinh thái tại địa phương.

Ngoài nông nghiệp, huyện Tủa Chùa đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giúp họ có thêm kỹ năng để tìm kiếm việc làm hoặc tự khởi nghiệp. Ông Tuấn Anh chia sẻ: "Mỗi năm chúng tôi đã tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề cho nông dân, tập trung vào các ngành nghề phù hợp với nhu cầu thực tế như dệt thổ cẩm, sửa chữa máy móc, trồng trọt, chăn nuôi. Những lao động sau đào tạo không chỉ giúp gia đình thoát nghèo mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương". Huyện cũng phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổ chức các ngày hội việc làm, kết nối người lao động với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Chương trình Mục tiêu Quốc gia: "Chìa khóa" mở cánh cửa thoát nghèo ở Tủa Chùa - Ảnh 4.

Được sự hỗ trợ của Nhà nước về giống, vốn kỹ thuật chăm sóc, nhiều hộ dân trên địa bàn Tủa Chùa đã đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc cho thu nhập cao. Ảnh Vinh Duy.

Huyện Tủa Chùa không chỉ có tiềm năng phát triển nông nghiệp mà còn sở hữu nhiều nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số. Chính quyền huyện đã khuyến khích bà con tham gia phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa. Tại các xã Xá Nhè, Tả Phìn, du khách được trải nghiệm đời sống của người dân bản địa qua các hoạt động như dệt vải, chế biến món ăn truyền thống, và tham quan các lễ hội đặc sắc. Điều này không chỉ tạo việc làm mới mà còn góp phần gìn giữ giá trị văn hóa của các dân tộc tại địa phương.

Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa nhấn mạnh rằng, bên cạnh các chính sách hỗ trợ, sự quyết tâm và nỗ lực của người dân là yếu tố then chốt. Ông kỳ vọng rằng đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện sẽ tận dụng tốt các cơ hội, mạnh dạn áp dụng những mô hình mới để vươn lên thoát nghèo. "Chúng tôi luôn đồng hành cùng bà con, nhưng cũng cần sự đồng lòng và chủ động từ chính người dân. Khi người dân thay đổi tư duy và quyết tâm làm giàu, tôi tin rằng Tủa Chùa sẽ ngày càng phát triển", ông Lường Tuấn Anh chia sẻ thêm.

Vinh Duy
Xe máy điện VinFast: món quà tinh tế cho phái đẹp

Xe máy điện VinFast: món quà tinh tế cho phái đẹp

Không đơn thuần là một phương tiện di chuyển hàng ngày, với phái đẹp, xe máy điện VinFast còn thể hiện vai trò của món phụ kiện thời trang, thể hiện tuyên ngôn về lối sống "sành" đúng điệu: tinh tế và thông thái.