dd/mm/yyyy

Chủ tịch Sao Ta Hồ Quốc Lực: Tình hình ngành tôm sẽ còn khó khăn

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Sao Ta nhận định tình hình ngành tôm sẽ còn khó khăn đến ít nhất năm 2024.

Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) vừa chấp thuận điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2023 nhưng không nêu rõ lý do điều chỉnh.

Cụ thể, Sao Ta điều chỉnh tổng doanh thu giảm 17% so với kế hoạch cũ, từ 5.900 tỷ đồng xuống 4.870 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế điều chỉnh giảm 25% so với mục tiêu ban đầu, từ 400 tỷ đồng xuống 300 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận trước thuế công ty mẹ điều chỉnh còn 278 tỷ đồng, giảm 25% so với chỉ tiêu cũ.

HĐQT Sao Ta cho biết việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2023 sẽ được trình bày trong báo cáo Đại hội đồng cổ đông gần nhất.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Sao Ta nhận định tình hình ngành tôm sẽ còn khó khăn. Sao Ta đã công bố kết quả kinh doanh quý III/2023 với 1.793 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 2%, lãi sau thuế 89 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Thực phẩm Sao Ta ghi nhận 3.835 tỷ đồng doanh thu giảm 15%, lợi nhuận sau thuế 213 tỷ đồng giảm 11% so với cùng kỳ. So với kế hoạch điều chỉnh, Thực phẩm Sao Ta đã thực hiện được 79% mục tiêu doanh thu, 72% chỉ tiêu lợi nhuận.

Chủ tịch Sao Ta Hồ Quốc Lực: Tình hình ngành tôm sẽ còn khó khăn - Ảnh 1.

Nguồn: Nghị quyết HĐQT Sao Ta.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, trong tháng 9/2023, xuất khẩu tôm đạt 322 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù chưa thoát khỏi tăng trưởng âm, nhưng mức giảm đã thu hẹp dần qua từng tháng. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm đạt 2,5 tỷ USD, giảm 26% so với cùng kỳ.

Được biết theo nhìn nhận của các chuyên gia, xuất khẩu tôm Việt Nam trong tháng 9 năm nay dù khó khăn song đã nhìn thấy tín hiệu tích cực từ các thị trường như Mỹ, Australia, Canada, Bỉ, Đài Loan với mức tăng trưởng dương từ 1%-54%. Các thị trường lớn còn lại như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn ghi nhận tăng trưởng âm từ 10%-26% nhưng mức giảm đã thấp hơn so với những tháng trước đó.

Riêng thị trường Trung Quốc và và Hồng Kông, sau khi tăng trưởng dương trong 3 tháng 6,7 và 8, xuất khẩu tôm sang thị trường này lại tiếp tục xu hướng giảm.

Tháng 9/2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc và Hồng Kông giảm 13% đạt 61 triệu USD. Lũy kế 9 tháng, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 454 triệu USD, giảm 6%.

Sau kỳ nghỉ lễ dài gồm tết Trung thu và ngày Quốc khánh ở Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ tôm ghi nhận giảm mạnh. Tồn kho cao do trước đó, Trung Quốc nhập khẩu nhiều tôm từ Ecuador. Các công ty nắm hàng tồn kho, không muốn giảm giá bán để giải phóng hàng. Dự kiến, trong quý cuối năm nay nhu cầu tiêu thụ tôm của Trung Quốc cũng chưa thể phục hồi.

Mỹ được coi là thị trường có xu hướng tích cực về nhập khẩu tôm từ Việt Nam khi xuất khẩu tôm sang thị trường này tiếp tục tăng trưởng dương trong tháng 9 - đánh dấu tháng thứ 3 liên tiếp tăng trưởng dương. Xuất khẩu tôm sang Mỹ trong tháng 9 ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất so với 2 tháng trước đó với mức tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. 9 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 520 triệu USD, giảm 23%.

Với những tín hiệu tích cực hơn từ các thị trường như Mỹ, Canada, Australia, nhu cầu tôm chế biến sâu có xu hướng tăng vào dịp lễ cuối năm, xuất khẩu tôm Việt Nam trong những tháng cuối năm nay tiếp tục thu hẹp mức giảm và ghi nhận kết quả tích cực hơn nửa đầu năm.

Nguyễn Phương