Clip: Mô hình nuôi dê giúp người dân xã Nánh Nghê, huyện Đà Bắc nâng cao thu nhập.
Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc xây dựng NTM ở Đà Bắc
Là huyện nghèo nhất của tỉnh Hòa Bình, những ngày đầu Đà Bắc bắt tay vào xây dựng NTM với xuất phát điểm rất thấp. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng với sự đồng thuận, chung sức của Nhân dân các dân tộc trong huyện, đến nay, Đà Bắc đã có 4 xã: Tú Lý, Hiền Lương, Cao Sơn, Toàn Sơn đạt chuẩn NTM. Số tiêu chí NTM bình quân đạt 12,56 tiêu chí.
Lý giải những kết quả này, ông Bùi Khắc Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) huyện Đà Bắc cho biết: Khi mới bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, cán bộ, Nhân dân ai cũng đều bỡ ngỡ, bởi đây là chủ trương mới. Sau nhiều cuộc họp bàn, Đà Bắc xác định chỉ có thực hiện tốt Chương trình xây dựng NTM mới thực sự tạo chuyển biến trong nông nghiệp, nông thôn, nông dân.
Theo ông Vinh, với cách xác định như vậy, ngay từ khi triển khai xây dựng NTM, huyện Đà Bắc đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Bộ máy quản lý, chỉ đạo (Ban Chỉ đạo, Văn phòng Điều phối, Ban Quản lý, Ban Phát triển) thực hiện chương trình từ cấp huyện đến cấp xã, thôn được củng cố, kiện toàn hàng năm. Đồng thời, xây dựng lộ trình, kế hoạch chi tiết phù hợp với tình hình thực tế ở cơ sở theo phương châm hành động "dễ làm trước, khó làm sau". Nhờ đó mới đạt được những kết quả như bây giờ.
Trao đổi với PV, ông Hoàng Thế Anh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Đà Bắc chia sẻ: Toàn huyện có 109 doanh nghiệp, hợp tác xã; Hội Doanh nghiệp huyện hiện có 36 hội viên đang tham gia sinh hoạt và đã tạo việc làm cho khoảng trên 1.000 người, thu nhập bình quân người lao động đạt 6 triệu đồng/người/tháng. Qua đó, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, những năm qua Hội doanh nghiệp huyện Đà Bắc luôn tích cực tham gia cùng với huyện làm tốt công tác xóa nhà tạm cho những hộ dân thuộc hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, tham gia đóng góp ủng hộ các công trình phúc lợi xây dựng nông thôn mới… Các hội viên đã tham gia xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, góp phần làm khởi sắc bộ mặt đô thị và nông thôn của huyện Đà Bắc.
Những ngày cuối tháng 8 này, đặt chân đến mảnh đất giàu truyền thống cách mạng – xã Tú Lý, huyện Đà Bắc, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự chuyển mình của vùng đất này; những con đường bê tông hóa khang trang được tô điểm thêm bằng những hàng cây, hàng hoa hai bên đường; nhiều ngôi nhà xây mới khang trang, hiện đại được mọc lên; xuất hiện nhiều mô hình sản xuất cho thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm…
Đây chính là minh chứng cho việc đưa Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đi vào cuộc sống của cả hệ thống chính trị ở huyện Đà Bắc.
Anh Đinh Công Tuyên ở xóm Tình, xã Tú Lý – chủ mô hình trồng nấm bào ngư cho thu lãi cả trăm triệu đồng/năm, phấn khởi: Những năm qua, thực hiện Chương trình xây dựng NTM, huyện Đà Bắc đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm…; chương trình, dự án hỗ trợ vốn, hỗ trợ phát triển sản xuất để phục vụ Nhân dân. Nhờ đó, đời sống vật chất tinh thần của bà con ngày một được nâng cao.
"Được Đảng, Nhà nước quan tâm như vậy, bà con trong xóm luôn bảo ban nhau phải cố gắng, phấn đấu nhiều hơn nữa trong sản xuất, kinh doanh để nâng cao đời sống. Tôi lấy ví dụ đơn giản như này, chỉ cần mỗi hộ dân mỗi ngày cố gắng đổ rác đúng nơi quy định, trồng hoa để làm đẹp vườn tược, đường làng, ngõ xóm chính là đang giúp Đảng, Nhà nước làm nông thôn mới. Mỗi ngày chỉ cần như vậy, trong tương lai không xa, chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng được những miền quê đáng sống", anh Tuyên nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Thanh Xuân, Chủ tịch UBND xã Tú Lý, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình cho biết: Thực hiện Chương trình xây dựng NTM, những năm qua, Tú Lý luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Đà Bắc. Nhờ đó, đến nay, xã Tú Lý đã đạt 19/19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí NTM. Hiện, cấp ủy, chính quyền xã đã và đang đề ra nhiều giải pháp và lộ trình cụ thể để phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao.
Theo ông Xuân, để cụ thể hóa mục tiêu đó, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của xã sẽ phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các ngành đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng NTM thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực.
Đó là tiếp tục hiến đất, góp tiền, góp ngày công lao động để xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương; phát động phong trào "Nhà sạch - Vườn đẹp - Môi trường trong lành - Ngõ xóm văn minh"; triển khai cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" và phát động thi đua "Xã Tú Lý chung sức xây dựng NTM"…
Khởi sắc ở rốn nghèo Nánh Nghê
Nánh Nghê là một trong những xã nghèo, khó khăn nhất của huyện Đà Bắc, nằm cách trung tâm huyện hơn 80km, có tuyến đường tỉnh lộ 433 chạy qua.
Xã có tổng diện tích tự nhiên là 6.755,12ha. Toàn xã có 821 hộ với 3.211 nhân khẩu chủ yếu là dân tộc Mường, Tày. Đời sống bà con nơi đây phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông, lâm nghiệp.
Trước đây, cơ sở hạ tầng giao thông khó khăn, các hạng mục hạ tầng thiết yếu chưa được đầu tư đồng bộ nên đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn. Xuất phát điểm thấp nên hành trình xây dựng NTM ở xã gặp không ít trở ngại.
Ông Đặng Minh Tấn, Chủ tịch UBND xã Nánh Nghê, chia sẻ: Đối với xã Nánh Nghê, chúng tôi luôn xác định xây dựng NTM là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cùng với sự tham gia của toàn thể người dân. Và mục tiêu cuối cùng, đó là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Do vậy, ngay từ khi triển khai, công tác tuyên truyền, vận động đã được triển khai đến tất cả các xóm trên địa bàn xã bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Thông qua đó, đã giúp đông đảo người dân hiểu rõ ý nghĩa, mục tiêu, nội dung, cách làm trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Cùng với đó, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã cũng đã chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch theo lộ trình đối với từng tiêu chí, phù hợp với thực tế ở địa phương. Nhờ đó, chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã đã nhận được sự tin tưởng, ủng hộ tích cực của người dân.
Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân, diện mạo nông thôn Nánh Nghê đang từng ngày khởi sắc.
Đến nay, xã Nánh Nghê đã đạt được 9/19 tiêu chí, gồm: Quy hoạch, thủy lợi, điện, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin và truyền thông, giáo dục và đào tạo, văn hóa, quốc phòng và an ninh. Đời sống vật chất ngày càng được nâng cao. Kết cấu hạ tầng như cơ sở vật chất văn hóa, đường giao thông, trường học, trạm y tế, hệ thống điện… được đầu tư tương đối hoàn chỉnh.
Đặc biệt là tuyến đường tỉnh lộ 433 đi vào trung tâm xã Nánh Nghê đã và đang được đầu tư nâng cấp do Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hòa Bình làm chủ đầu tư và Trung tâm tư vấn giám sát công trình giao thông làm đơn vị giám sát đã góp phần tạo ra bước ngoặt trong sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Ông Bùi Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND xã Nánh Nghê, thông tin: Đối với 10 tiêu chí còn lại xã đang xây dựng kế hoạch và lộ trình từng bước phấn đấu để hoàn thành.
Theo ông Phúc, trong các tiêu chí còn lại, khó khăn đối với xã nằm ở tiêu chí thu nhập và hộ nghèo đa chiều. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã là 25 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chí đa chiều) là 51,28%.
"Đây là 2 tiêu chí cốt lõi trong xây dựng NTM, vì vậy, để giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm tỉ lệ hộ nghèo, xã Nánh Nghê đang triển khai tốt các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; phát triển chăn nuôi, nông lâm nghiệp; đặc biệt là triển khai mô hình nuôi dê sinh sản theo hướng hàng hóa cho các hộ nghèo và cận nghèo, trồng một số loại cây lâm nghiệp phù hợp với điều kiện của địa phương như: Trẩu, quế, bồ đề, xoan", ông Phúc cho biết:
Anh Bùi Văn Huế, xóm Mọc, xã Nánh Nghê, chia sẻ: Năm 2017 – 2018, gia đình tôi là một trong những hộ nghèo của xã. Được nhà nước đã hỗ trợ 9 triệu đồng để mua dê sinh sản và được cán bộ khuyến nông – thú y xã hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi dê. Sau nhiều năm chăm sóc, đàn dê của gia đình luôn sinh trưởng và phát triển tốt. Từ 4 con dê ban đầu đã phát triển lên đến trên 30 con.
Theo anh Huế, mỗi năm, đàn dê đem lại nguồn thu nhập ổn định từ 25 – 30 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình tôi đã thoát nghèo và có nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá hơn.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã giúp diện mạo nông thôn huyện Đà Bắc ngày càng khởi sắc. Chính sự đổi thay ở những vùng quê nghèo như Nánh Nghe và nhiều xã khác ở Đà Bắc đã giúp Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện tin tưởng hơn về chương trình xây dựng NTM của Đảng, Nhà nước là của dân, do dân và vì dân.