Clip: Phát triển bền vững, nâng tầm giá trị cà phê
Cà phê cây trồng chủ lực của tỉnh Sơn La
Sơn La có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để canh tác cây cà phê chè - Arabica. Vùng cà phê Arabica Sơn La được đánh giá tương đồng với vùng cà phê của Brazil nên được khách hàng quốc tế rất ưa chuộng, có giá trị hàng đầu Việt Nam và có chất lượng, hương vị sánh ngang với cà phê ngon nhất thế giới.
Từ cuối những năm 1980, tỉnh Sơn La đã triển khai Chương trình phát triển cây cà phê chè - Arabica. Trải qua nhiều thăng trầm, khó khăn của thời tiết sương muối khắc nghiệt, giá cả, thị trường tiêu thụ bấp bênh, nhưng với sự nỗ lực, cố gắng, sáng tạo của người trồng cà phê, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tỉnh, cây cà phê chè - Arabica đã sinh trưởng và phát triển tốt và trở thành cây trồng chủ lực của tỉnh.
Toàn tỉnh Sơn La hiện có trên 20.000 ha (chiếm 41,2% diện tích cà phê Arabica của cả nước và là tỉnh có diện tích trồng cà phê Arabica lớn nhất cả nước) được trồng tập trung chủ yếu ở huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Yên Châu, Sốp Cộp và Thành phố Sơn La. Trong đó, có gần 18.000 ha được cấp chứng nhận bền vững và tương đương, sản lượng đạt trên 204.000 tấn quả tươi.
Hiện nay, tỉnh Sơn La được công nhận 2 vùng ứng dụng công nghệ cao cho cà phê với diện tích 1.039,5 ha và 1.560 hộ gia đình tham gia; xây dựng duy trì, phát triển chuỗi cung ứng cà phê an toàn. Giá trị sản xuất cà phê năm 2022 (tính theo giá so sánh 2010) ước đạt 857,8 tỷ đồng; có 4 sản phẩm cà phê được cấp quyết định công nhận sản phẩm OCOP; trong đó, có 1 sản phẩm đạt 5 sao, 3 sản phẩm đạt 4 sao; toàn tỉnh có 9 cơ sở chế biến cà phê quy mô công nghiệp; 5 đơn vị tham gia chế biến sâu sản phẩm cà phê. Sản phẩm cà phê Sơn La được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê Sơn La, đến nay, duy trì quản lý cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý "cà phê Sơn La" cho 6 tổ chức.
Giải pháp phát triển cà phê bền vững
Nhận thấy vai trò, tầm quan trọng của cây cà phê đối với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho nhân dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La ban hành Kết luận số 863 ngày 11/5/2023 về sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2030; trong đó, mục tiêu đến năm 2030 phát triển 25.000 ha, sản lượng cà phê nhân 40.000 tấn nhân; thực hiện tái canh 9.800 ha; phát triển cà phê đặc sản 5.950 ha; phát triển vùng nguyên liệu cà phê đạt các tiêu chuẩn bền vững 18.000 ha. Hình thành, phát triển 5 vùng cà phê ứng dụng công nghệ cao; xuất khẩu 30.000 tấn cà phê nhân sang thị trường Đức, Mỹ, Brazil, Hà Lan, các nước Nam Mỹ…
Tại Hội thảo, đại diện Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nêu hiện trạng và định hướng phát triển cà phê bền vững của Việt Nam trong tình hình mới. Để phát triển cà phê bền vững, cần tăng diện tích cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản. 100% giống tái canh bằng giống chất lượng cao, chống chịu bệnh rỉ sắt, áp dụng đúng quy trình tái canh. Mở rộng diện tích trồng Arabica ở nơi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp.
Khuyến khích các trang trại, hộ sản xuất hình thành tổ hợp tác/hợp tác xã nhằm liên kết với doanh nghiệp trong đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, thu mua nguyên liệu đầu vào, trao đổi kỹ thuật sản xuất, tiếp cận/chuyển giao khoa học công nghệ và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cà phê. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, cải tạo đất để gìn giữ và duy trì tính chất lý hóa của đất; kiểm soát điều kiện đất đai, nguồn nước và các yếu tố khác để bảo vệ vùng trồng cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản.
Cũng tại Hội thảo, lãnh đạo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam đã thông tin các quy định mới, thách thức và đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng, giá trị xuất khẩu cho cà phê Sơn La. Đại diện Tổ chức hợp tác Phát triển Đức (GIZ) nêu thực trạng sản xuất cà phê chứng nhận; cơ hội và thách thức cho cà phê Sơn La và Việt Nam trong bối cảnh thực thi quy định mới EUDR về cà phê không gây mất rừng.
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Lò Minh Hùng đề nghị các đại biểu, các nhà quản lý, chuyên gia trong và ngoài nước, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà doanh nghiệp trong ngành cà phê tập trung thảo luận đánh giá tình hình phát triển cây cà phê trên địa bàn, phân tích hạn chế, nguyên nhân; định hướng, các giải pháp phát triển vùng nguyên liệu cà phê ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, kỹ thuật cao trong sản xuất, quy trình thâm canh, ứng dụng công nghệ cao; sản xuất cà phê có chứng nhận bền vững; những quy định, thủ tục, tiêu chuẩn để cà phê Sơn La xuất khẩu, tiêu thụ tốt tại thị trường châu Âu...
Qua Hội thảo, giúp tỉnh Sơn La đánh giá kết quả đạt được, nhìn nhận những khó khăn, hạn chế để đưa ra các giải pháp phát triển cà phê chất lượng cao, nâng tầm giá trị, khẳng định vị thế cà phê Sơn La tại thị trường trong và ngoài nước; tôn vinh người trồng cà phê và hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh, xuất khẩu cà phê trên địa tỉnh Sơn La.