dd/mm/yyyy

Bộ trưởng Bộ TN&MT: Sẽ đánh thuế dự án bỏ hoang

Bộ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết trường hợp nhà bỏ hoang sẽ bị đánh thuế rất cao là thuế không sử dụng.Về các loại đất, thì đất nào không sử dụng cũng lãng phí.

Sẽ đánh thuế vào hạn mức sử dụng đất

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đất đai hiện nay bỏ hoang hóa rất nhiều do dự án treo, đất nông nghiệp không đưa vào sử dụng, thậm chí đất khu biệt thự, bất động sản mua nhưng dưới dạng là đầu tư vào đấy như một tài sản để chờ thị trường giá tăng lên.

Bộ trưởng Bộ TN&MT: Sẽ đánh thuế dự án bỏ hoang - Ảnh 1.

Bộ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

“Về vấn đề này, chúng tôi sẽ không đánh thuế vào nhiều nhà, nhưng đánh vào hạn mức sử dụng và nhiều đất đai nhưng không sử dụng. Như ở Mỹ, nếu có 5 nhà, cho thuê cả 5 và đều đóng thuế kinh doanh thì không đóng thuế chồng thuế nữa. Còn nếu nhà bỏ hoang thì sẽ bị đánh thuế rất cao là thuế không sử dụng. Như ở Anh, nếu nhà không phát sinh tiền điện nước, không có đóng góp gì cho Nhà nước, được gọi là lãng phí, thì phải đánh thuế cao. Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ học tập các nước như vậy. Về các loại đất, thì đất nào không sử dụng cũng lãng phí. Về đất nông nghiệp hiện nay thuế bằng không, theo quy định của Quốc hội, nhưng nếu không sử dụng sẽ bị cộng hệ số”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu quan điểm.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp.HCM Lê Hoàng Châu cho rằng, việc “ôm đất” bỏ hoang chính là có những doanh nghiệp xí phần các dự án có quy mô diện tích lớn nhưng không triển khai. Điều này đã dẫn đến lãng phí nguồn lực, đất đai không thể trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Theo quy định, đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này.

Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.

La liệt dự án treo

Tại Hà Nội cũng như tại Tp.HCM hàng chục dự án ôm đất rồi bỏ hoang cả chục năm không triển khai gây lãng phí tài nguyên đất.

Cụ thể trên địa bàn Tp.Hà Nội: Dự án khu nhà ở Văn La, tại phường Phú La, quận Hà Đông (Hà Nội) của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển đô thị & KCN Sông Đà (Sudico). Dự án được giao đất từ năm 2007 dự kiến trở thành khu nhà ở Văn La, gồm 2 toà chung cư cao tầng, khu biệt thự, liền kề và khu công trình công cộng khác. Điều đáng nói đến nay, sau khoảng 15 năm, vẫn chưa triển khai.

Bộ trưởng Bộ TN&MT: Sẽ đánh thuế dự án bỏ hoang - Ảnh 2.

Khu "đất vàng" rộng hơn 5000 m2 của Vietcombank nằm tại ngã 5 Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội bỏ hoang 13 năm nhưng vẫn chưa bị thu hồi.

Tại đây vẫn là bãi đất trống bỏ hoang. Khu đất rộng lớn khoảng 12ha cỏ mọc um tùm, ở ngay góc phía ngoài cổng là một bãi trông xe, một vài xưởng sửa chữa… Máy móc xây dựng, cọc thép cũng nằm ngổn ngang.

Dự án Trung tâm thương mại, chợ, siêu thị và văn phòng cho thuê Xuân La (gọi tắt là Dự án chợ Xuân La, nằm tại phường Xuân La, quận Tây Hồ) chậm tiến độ hơn 10 năm. Dự án này thuộc quy hoạch phân khu A6 của TP.Hà Nội, phía đông tiếp giáp ngõ 28 Xuân La, phía Tây Nam giáp mặt đường Xuân La. Dự án có diện tích 2.065m2, tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu là 380 tỉ đồng.

Năm 2008, Công ty Cổ phần Xây dựng Sông Hồng trúng thầu để trở thành nhà đầu tư dự án này. Giá trúng thầu dự án là 16 triệu đồng/m2; tổng giá trị trúng thầu là 46,04 tỉ đồng. Trong đó, đơn vị trúng thầu phải nộp tiền sử dụng đất tạm tính theo diện tích 2.065m2 là 33,04 tỉ đồng; hoàn trả ngân sách đầu tư xây dựng chợ Xuân La là 2 tỉ đồng và cam kết hỗ trợ ngân sách địa phương là 11 tỉ đồng.

Đến nay, sau hàng chục năm, dự án vẫn "treo" chưa thực hiện, hiện trạng khu đất được rào tôn. Theo báo cáo mới đây của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Hà Nội, nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ là do hiện Công ty Cổ phần Xây dựng Sông Hồng chưa nộp nghĩa vụ tài chính khi trúng đấu giá là hơn 33 tỉ đồng và nghĩa vụ tài chính bổ sung là 20,6 tỉ đồng.

Tại một báo cáo mới đây, UBND Tp.Hà Nội cho biết, hiện Công ty Cổ phần Xây dựng Sông Hồng mới nộp 2 tỉ đồng tiền hoàn trả ngân sách và 11 tỉ đồng hỗ trợ ngân sách địa phương. Sự chậm trễ trong việc triển khai dự án khiến người dân tại khu vực rất bức xúc và liên tục có ý kiến phản ánh.

Trong khi đó, tại khu đất của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Long Giang cùng chung cảnh ngộ, không khá hơn mặc dù máy móc đã được bố trí sẵn. Dự án trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng cao cấp nằm trên ô đất rộng hơn 12.000m2, thuộc Khu đô thị mới Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) được UBND Thành phố Hà Nội giao đất cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Long Giang (Tập đoàn Long Giang) vào ngày 8/11/2011.

Dự án này chậm tiến độ tới 66 tháng, tức hơn 5 năm. Năm 2019, dự án này đã được Hà Nội gia hạn 24 tháng (theo Quyết định số 4260/QĐ-UBND ngày 9/8/2019). Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn trong tình trạng “đắp chiếu”.

Hơn 5.000m2 "đất vàng" của Vietcombank tại ngã 5 Trần Thái Tông, Cầu Giấy bỏ hoang 13 năm không bị thu hồi. Đây là khu đất  được Tp.Hà Nội giao cho Vietcombank từ năm 2008 để xây dựng trụ sở với mục đích xây dựng trụ sở làm việc. Đơn vị này đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với 265 tỉ đồng, đã được bàn giao đất và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thế nhưng, sau hơn 13 năm nay, khu đất vàng này vẫn nằm bất động và không có thông tin gì liên quan đến dự án. Phía đằng sau của dự án vẫn còn dòng chữ Vietcombank và logo cũ của ngân hàng này để đánh dấu sở hữu.


Hoàng Nhung