Tuy nhiên, để được nhận bò, mỗi hộ nghèo và cận nghèo của xã Tả Van (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) phải nộp thêm số tiền đối ứng khác nhau cho nhà cung cấp giống. Và để nhận bò các hộ phải bốc thăm, trong khi chất lượng bò mang về lại không được như mong muốn.
Clip: Ông Giàng A Chắng, thôn Tả Chải Mông Sa Pa, Lào Cai) nói về con bò được Nhà nước hỗ trợ.
Bò hỗ trợ cho hộ nghèo ở Sa Pa đã đổi lấy con thứ 2, vẫn bị chết
Là 1 trong số 35 hộ nghèo và cận nghèo của xã Tả Van (thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai) được nhận bò sinh sản trong đợt khoảng tháng 3/2021 từ nguồn vốn 30a hỗ trợ, gia đình anh Hạng A Cá, thôn Tả Van Mông chia sẻ: Khi đi nhận bò do Nhà nước hỗ trợ tại UBND xã Tả Van chúng tôi phải bốc thăm chọn bò vì tất cả 35 con bò không đồng đều, nhiều con bé lắm. Không may mắn như các hộ khác, tôi bốc phải con bé, nhìn con bò nhỏ và gầy quá. Chúng tôi dắt bò về nhà nuôi một thời gian bò gầy quá nên con bò nhà tôi đã chết, xót của vô cùng.
Đau buồn nhất có lẽ là ông Giàng A Sèo, thôn Séo Mý Tỷ, xã Tả Van. ông Sèo cũng được hỗ trợ 1 con bò giống từ nguồn vốn 30a hỗ trợ. Ấy thế mà khi dắt về đến nhà nuôi được khoảng 10 ngày thì lăn ra chết. Ông Sèo nghĩ chắc do bò giống phải vận chuyển xa, bị đè hay như nào đó mới chết. Ông Sèo báo cho bên cung ứng để đổi lại con bò mới thì cũng được đổi con bò khá đẹp. Ông Sèo chăm sóc cẩn thận từng li, nhốt trong chuồng, lấy cỏ cho ăn... Không hiểu sao dần dần con bò kém ăn rồi nuôi đến khoảng 1 tháng thì cũng chết nốt.
"Gia đình tôi nghèo lắm, khi được Nhà nước hỗ trợ con bò giống để phát triển kinh tế mừng biết bao nhiêu. Tuy nhiên sau 2 lần nhận bò về nuôi đều bị chết hết tôi buồn, xót của và tôi cũng xấu hổ quá không nghĩ đến chuyện đổi lại lần nữa." Ông Sèo buồn rầu nói.
Sa Pa: Anh trai nhận nuôi bò hỗ trợ từ em trai
Gia đình anh Hạng A Súng, thôn Tả Van Mông, xã Tả Van thuộc hộ cận nghèo không có đủ số tiền để đối ứng nên anh chỉ đứng tên nhận bò còn số tiền đối ứng do người anh trai ứng ra để chi trả.
Anh Hạng A Số (anh trai Hạng A Súng), nói: Tôi cũng là một trong 36 hộ được hỗ trợ bò giống sinh sản từ Ngân sách Nhà nước (vốn theo Quyết định 275/QĐ-TTg). Tôi và em trai tôi cùng nằm trong danh sách hộ cận nghèo được cấp giống. Tuy nhiên, em trai tôi bảo vì con bò quá nhỏ so với số tiền nhà nước hỗ trợ mua bò và không có tiền để đối ứng nên không lấy.
Chính vì vậy tôi đã bỏ gần 6 triệu đồng để nhận thêm con bò của em trai về nuôi, còn em trai tôi chỉ đứng tên danh sách nhận thôi. Trước gia đình tôi đi bốc thăm nhận về, con bò bé quá, nhưng nhờ được chăm sóc tốt, hiện 2 con bò Nhà nước hỗ trợ đã lớn hơn rồi, may không bị chết như các hộ khác đấy.
Không chỉ lo lắng về chất lượng bò giống, các hộ còn rất băn khoăn cho rằng, giá trị con bò nhận về không tương xứng với số tiền được Nhà nước hỗ trợ. Các con bò tuy khối lượng, kích thước khác nhau, nhưng tất cả các gia đình đều phải đối ứng số tiền khác nhau mới được dắt bò về.
Theo những hộ dân được hỗ trợ bò từ 2 nguồn vốn hỗ trợ ở Sa Pa thì đối với các hộ nghèo được nhận giống bò sinh sản chỉ phải nộp thêm 300 nghìn đồng và 400 nghìn đồng/1 con nên không có ý kiến gì vì được Nhà nước hỗ trợ số tiền hơn chục triệu mua bò giống rồi.
Thế nhưng đối với những hộ cận nghèo, mới thoát nghèo phải nộp đối ứng, với các mức 2,9 triệu đồng và 4,9 triệu đồng nên đã không hài lòng vì bò nhận về không tương xứng với số tiền đối ứng và tiền Nhà nước hỗ trợ mua.
Khoảng hơn chục con bò dự án đã chết và bị bán đi
Ông Hạng A Sàng, Trưởng thôn Tả Van Mông, khẳng định: Thôn có 167 hộ, với hơn 800 nhân khẩu. Trong 2 đợt cấp phát bò giống do Nhà nước hỗ trợ thì thôn Tả Van Mông có 25 hộ nghèo, cận nghèo được nhận hỗ trợ bò giống sinh sản. Trước xã cũng nói hộ nào thích con bò to hơn sẽ phải đối ứng thêm tiền rồi đến chủ trang trại lấy về nhưng sau này xã nói đơn vị cung ứng giống sẽ tự chở bò ra tận xã Tả Van cho bà con.
Hôm chứng kiến bà con nhận giống bò tôi thấy có con rất bé, giống như chưa cai sữa vậy. Chính vì vậy nên những hộ cận nghèo trong thôn, người dân phải đối ứng thêm tiền đã không đồng tình.
Theo anh Sàng 4 trong số 25 con bò do Nhà nước hỗ trợ của thôn đã bị chết do gầy yếu và chết do thả trên đồi. Còn việc hộ Hạng A Súng vì không có điều kiện cũng như thấy con bò lúc nhận về bé quá đã trao cho anh trai nhận nuôi.
Anh Lù A Tính thuộc hộ mới thoát nghèo thôn Tả Chải Dao, cho hay: Con bò của gia đình tôi nhận về nuôi được định giá gần 15 triệu đồng. Bò bé và gầy, nhưng vì bốc thăm phải con bé nên đành chấp nhận thôi. Chúng tôi cũng không biết về chất lượng, kích thước, cân nặng của bò giống được hỗ trợ. Không được đổi bò, gia đình còn phải bỏ thêm gần gần 5 triệu đồng nữa mới mang được bò về.
Thế nhưng không biết vì lý do gì mà gia đình tôi nuôi được hơn 3 tháng thì con bò phát bệnh, nổi nhiều nốt trên da. Rồi con bò chậm ăn, lông bị rụng... do đó gia đình tôi đã bán đi chỉ được có 4 triệu đồng.
Theo Quyết định số 1447/QĐ/-UBND của UBND thị xã Sa Pa về việc phê duyệt mô hình phát triển chăn nuôi đàn bò hàng hóa trên địa bàn xã Tả Van năm 2020. 36 con bò hỗ trợ cho hộ nghèo và cận nghèo, mới thoát nghèo ở xã là bò cái vàng, trọng lượng 130kg/con. Đây phải là các hộ có đủ điều kiện và khả năng chăn nuôi, có kinh nghiệm chăm sóc, phòng bệnh cho đàn gia súc tại các thôn Tả Chải Dao, Tả Van Mông, Tả Van Dáy 1, với tổng kinh phí hơn 888 triệu đồng từ Ngân sách Nhà nước (vốn theo Quyết định 275/QĐ-TTg).
Cũng tại Quyết định số 1316/QĐ/-UBND của UBND thị xã Sa Pa phê duyệt dự án phát triển bò hàng hóa trên địa bàn xã Tả Van năm 2020. Hỗ trợ 35 con bò cái sinh sản có trọng lượng 130kg/con cho 35 cho hộ nghèo, cận nghèo tại các thôn Tả Van Mông, Tả Chải Mông, Séo Mý Tỷ, với tổng kinh phí trên 860 triệu đồng từ Ngân sách Nhà nước (nguồn vốn 30a).
Như vậy, tổng số con bò dự án phát triển bò hàng hóa trên địa bàn xã Tả Van là 71 con. Đến thời điểm này, theo thống kê chưa đầy đủ thì đã có khoảng 11 con bị chết và bị người dân bán đi vì nhiều lý do khác nhau...
Báo NTNN/Điện tử Dân Việt/Trang Trại Việt sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về nội dung này.