dd/mm/yyyy

Bộ đội Biên phòng Sơn La - nặng tình gieo chữ

Nơi rẻo cao biên giới Mường Lạn (Sốp Cộp, Sơn La) bao năm nay vẫn vang lên âm thanh từ những lớp học xóa mù chữ của Bộ đội Biên phòng Sơn La...
Dấu ấn những người lính quân hàm xanh vùng biên giới Sơn La - Ảnh 1.

Lớp học xóa mù chữ của thầy giáo quân hàm xanh Vàng Lao Lừ cho bà con người Mông bản Pá Kạch, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp. Ảnh: Tuệ Linh.

Biên phòng Sơn La lấy biên giới làm quê hương

Trò chuyện với chúng tôi, Trung uý Vàng Lao Lừ, nhân viên đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Mường Lạn - thầy giáo dạy lớp xoá mù chữ tại bản Pá Kạch, cho biết: Năm vừa qua, tôi được phân công dạy lớp học xóa mù chữ tại bản Pá Kạch có 22 học viên, với nhiều độ tuổi khác nhau từ 10 - 40 tuổi. Sau khi kết thúc năm học, nhiều học viên đã chuyển tiếp lên học lớp 4, 5 và bậc THCS trên địa bàn xã.

Chị Sồng Thị Sua (sinh năm 1996), hiện đã là bà mẹ của 3 đứa con, bảo: Trước kia, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tôi không được đi học. Khi lập gia đình, con cái ốm đau đưa đi viện mới hiểu được việc không biết chữ khổ đến nhường nào. Xuống đến bệnh viện chẳng biết đưa con vào phòng nào để khám. Mua được điện thoại mới cũng không biết sử dụng.  Sau khi tham gia lớp học xóa mù chữ của thầy Lừ, tôi đã biết đọc và viết được tên của mình. Tôi quyết tâm theo học hết chương trình để sau này có thể giao tiếp được bằng tiếng phổ thông.

Dấu ấn những người lính quân hàm xanh vùng biên giới Sơn La - Ảnh 2.

Những cán bộ, chiến sĩ không chỉ nắm chắc tay súng bảo vệ biên cương vì sự bình yên của nhân dân mà còn khéo léo trong từng nét chữ trên bảng xanh, phấn trắng. Ảnh: Tuệ Linh.

Còn chị Mùa Thị Khoa ở bản Huổi Men, xã Mường Lạn, chia sẻ: Tôi chưa bao giờ mơ đến sẽ biết cái chữ, cho đến khi được cán bộ Đồn biên phòng Mường Lạn đến mở lớp xóa mù tại bản và động viên đi học. Từng nét chữ được nắn nót trên trang vở, những tiếng tập đọc vang lên đầy phấn khởi, chứa đựng bao niềm tin và ước mơ của bà con chúng tôi.

“Sau 9 tháng học lớp xóa mù chữ, tôi đã biết đọc, biết viết, biết tính toán, có kiến thức sẽ giúp tôi biết làm ăn, cuộc sống ấm no hơn”, chị Khoa nói.

Dấu ấn những người lính quân hàm xanh vùng biên giới Sơn La - Ảnh 3.

Mỗi bài học ở lớp thường gắn việc học chữ với kiến thức lao động, sản xuất, sinh hoạt của bà con. Ảnh: Mùa Xuân.

Dân bản là người thân của Biên phòng Sơn La

Có lẽ đó cũng là cảm nhận chung của các học viên nơi đây. Đều đặn mỗi ngày, lớp học sáng đèn khi mặt trời khuất dần sau những dãy núi. Do cách trung tâm xã hơn 14 km, giao thông đi lại rất khó khăn, nên thầy giáo quân hàm xanh Vì Văn Liêm đã ở lại “cắm bản”, để vừa thuận tiện cho việc giảng dạy, vừa gắn bó, quan tâm động viên các hộ có con em trong độ tuổi đi học đầy đủ.

“Đây là lớp thứ 2 tôi lên giảng dạy cho bà con. Bản thân trực tiếp đến từng nhà để vận động từng bà con lên lớp. Rất khó khăn là độ tuổi đi học thấp nhất 15 tuổi, cao nhất trên 50 tuổi, hầu như trụ cột chính trong gia đình, nên bà con còn phải đi làm nương, về nấu nướng. Tôi cũng tuyên truyền, vận động tầm quan trọng của học chữ nên bà con hiểu được, nên tham gia lớp học đông đủ”, thầy Liêm bày tỏ.

Dấu ấn những người lính quân hàm xanh vùng biên giới Sơn La - Ảnh 4.

Các học viên chăm chú đọc theo thầy giáo quân hàm xanh Vì Văn Liêm bản Huổi Men. Ảnh: Mùa Xuân.

Không chỉ trở thành những người thầy giáo, người cha nuôi, các cán bộ, chiến sĩ biên phòng Mường Lạn còn gắn bó với bà con, sẵn sàng xắn tay áo lên nương với dân thu hoạch vụ mùa; hướng dẫn phương pháp trồng trọt, chăn nuôi sao cho đạt hiệu quả, năng suất cao; tham gia sửa nhà, dựng lán, làm đường… hay bất cứ công việc nào mà bà con cần hỗ trợ.

“Gia đình tôi hoàn cảnh rất khó khăn. Được các cán bộ, chiến sĩ biên phòng tham gia dựng nhà cho gia đình, rồi giúp đỡ trong lao động sản xuất, chúng tôi mừng và cám ơn nhiều lắm”, ông Sồng Tộng Nênh, bản Huổi Men, xã Mường Lạn cho biết.

“Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” - Phương châm ấy đã trở thành động lực giúp tập thể cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Lạn nỗ lực vượt khó để hoàn xuất sắc nhiệm vụ, bảo vệ tuyệt đối tuyến biên giới có chiều dài lớn nhất ở Sơn La, với hơn 54km, đấu tranh với các loại tội phạm và trở thành lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19 vùng biên. 

Dấu ấn những người lính quân hàm xanh vùng biên giới Sơn La - Ảnh 5.

Các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Lạn còn tích cực triển khai mô hình "Con nuôi Đồn biên phòng" và "Nâng bước em đến trường". Ảnh: Mùa Xuân.

Trong 5 năm qua, đơn vị đã kêu gọi, phối hợp với các nhà hảo tâm hỗ trợ vật chất, tinh thần cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, với giá trị trên 600 triệu đồng; nhận nuôi 5 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của xã, đỡ đầu 1 học sinh của nước bạn Lào; mở 5 lớp xóa mù chữ cho hơn 140 học viên ở các bản vùng cao; tổ chức 17 đợt ra quân xóa nhà tạm cho bà con… Giáo viên đứng lớp là cán bộ, chiến sỹ của đơn vị và đã được phòng GDĐT tập huấn kỹ năng sư phạm.

Theo Thiếu tá Vì Văn Chương, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mường Lạn, mỗi mô hình, phần việc ý nghĩa được triển khai đều gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh”.

Dấu ấn những người lính quân hàm xanh vùng biên giới Sơn La - Ảnh 6.

Hình ảnh những người lính quân hàm xanh giúp đỡ bà con thu hoạch sắn trên nương. Ảnh: Mùa Xuân.

“Gắn việc thực hiện chỉ thị 05 với thực hiện nhiệm vụ chính của đơn vị, trong thời gian qua, đơn vị chúng tôi đã đẩy mạnh thực hiện chỉ thị với việc làm, cách làm cụ thể. Có thể khẳng định rằng, qua 5 năm triển khai, các mô hình đã đem lại hiệu quả cao, góp phần cùng với địa phương tham gia phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống, từng bước xóa đói, giảm nghèo”, Thiếu tá Vì Văn Chương cho hay.

Không chỉ làm tốt công tác canh giữ, bảo vệ chủ quyền biên giới, những người lính biên phòng, Đồn Biên phòng Mường Lạn, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp còn trở thành những thầy giáo quân hàm xanh mang tri thức đến với bà con đồng bào Mông miền biên ải. Tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới bà con.


PV Tây Bắc