dd/mm/yyyy

Bình Phước: Tại sao nông dân trồng điều phải xử lý cho cây rụng lá, giữ lại lá khô làm gì?

Nhiều vườn điều trên địa bàn tỉnh Bình Phước đang bị mất mùa, thất thu. Thế nhưng, nhờ chủ động chăm sóc, vẫn có nhiều vườn điều vẫn ra hoa đều, trĩu quả và cho năng suất cao.

Nhiều vườn điều Bình Phước mất mùa

Vụ thu hoạch điều mỗi năm được ví như cơ hội mưu sinh cho nhiều lao động các tỉnh thành khác đến Bình Phước làm việc, nhất là người dân từ các tỉnh miền Tây, miền Trung đến nhặt điều thuê. Thế nhưng năm nay, điều Bình Phước mất mùa, hầu hết các vườn trồng đều bị sụt giảm năng suất. Và vì thế, những vườn điều đã vào vụ thu hoạch cũng vắng bóng nhân công.

Ông Ngô Văn Mười trồng 2ha điều ở xã Đường 10 (huyện Bù Đăng) kể, sau tết, mưa trái mùa khiến nông dân không kịp trở tay. Mưa nhỏ, mưa dai dẳng khiến hoa điều bị dính nước, thối rụng. 

Cả 2 đợt ra hoa trước đó đều bị ảnh hưởng. Hoa điều bị khô, không thể đậu trái. Với những hoa điều đã đậu trái trong đợt 1, trái chưa kịp lớn đã héo quắt lại khi gặp các trận mưa tiếp theo.

Nông dân Bình Phước thấp thỏm vụ điều mới  - Ảnh 1.

Cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Gia Mập hướng dẫn chăm sóc vườn điều. Ảnh: Trần Khánh

Ông Lương Văn Đoàn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đường 10 cho biết từ sau tết, mưa trái mùa khiến người trồng điều điêu đứng. Hiện nay, chưa thể đánh giá hết thiệt hại trên các vườn. Tuy nhiên, đã có nhiều vườn điều sụt giảm năng suất khoảng 50% so với vụ điều trước.

Nguyên nhân do độ ẩm cao làm phát nấm bệnh thán thư và cả bọ xít muỗi chích hút làm trái khô đen. Ông Mười dự kiến năng suất điều năm nay chỉ đạt 1 tấn/ha, giảm khoảng phân nửa so với vụ trước.

Hiện vườn điều của ông bắt đầu cho thu hoạch nhưng sản lượng không đáng kể. Cứ 2-3 ngày, ông mới đi lượm trái 1 lần. 

"Gia đình không gọi nhân công lượm điều như mọi năm mà tự mình lượm điều, lấy công làm lời" - ông Mười kể.

Bà Trần Thu Thảo (nông dân trồng điều ở xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập) cho biết, vụ điều năm nay không những đến muộn, lại còn chịu ảnh hưởng bởi thời tiết. Thời điểm này các năm trước, điều đã bắt đầu chín rụng, nhưng năm nay có cây còn chưa ra bông. Những cây điều bắt đầu đậu quả thì số lượng chẳng bao nhiêu.

Cũng gặp mưa trái mùa nhưng vườn điều 3,8ha của ông Lương Văn Việt (ở xã Bình Thắng, huyện Bù Gia Mập) vẫn đang phát triển tốt. Các năm trước, vườn điều của ông Việt thu hoạch trung bình 8 tấn. Năm nay, nhờ chủ động chăm sóc nên ông Việt khắc phục tốt các rủi ro trên cây điều. Dù thời tiết thất thường, ông Việt dự tính năng suất vườn điều của mình không dưới 2 tấn/ha.

Chủ động chăm sóc vườn điều

Ở xã Phú Nghĩa (huyện Bù Gia Mập), vườn điều hơn 9ha của ông Võ Hùng Chiến cũng cho trái trĩu cành và bắt đầu thu hoạch.

Ông Chiến kể, năm 2021, trời mưa kéo dài. Ngay khi dứt mưa vào tháng 11, ông đã xử lý cho cây rụng lá. Lúc này, độ ẩm vẫn còn trong lòng đất, đủ để cung cấp nước cho cây ra hoa, đậu trái. Đến khoảng một tháng sau thì cây điều bắt đầu ra hoa. 

Ông thường xuyên thăm vườn, phun xịt thuốc dưỡng hoa. Nhờ chủ động chăm sóc mà vườn điều của ông đã trổ hoa sớm đồng loạt, cây đậu trái trước khi gặp mưa.

Cũng theo kinh nghiệm của mình, cứ mỗi ha điều, ông Chiến giữ lại khoảng 2 tấn lá khô cho mặt đất. Đây là cách tốt nhất giữ nước và tạo độ ẩm cho cây. Qua thời gian, lá khô sẽ thành phân hữu cơ tự nhiên, cung cấp lại dinh dưỡng cho cây điều. 

"Sau mỗi vụ thu hoạch, cây điều phải được tỉa cành cung cấp đủ dinh dưỡng cho đất" - ông Chiến lưu ý.

Trong khi đó, ông Trần Kim Chính đang trồng 4ha ở xã Tân Lập (huyện Đồng Phú) cho biết, vườn điều cao sản của ông đã được 6 năm tuổi. Nhờ áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật, nên dù trồng để chiết cành và nhân giống nhưng vườn điều của ông vẫn cho năng suất trung bình 2,5 tấn/ha.

Trò chuyện với phóng viên, ông Chính cho biết mình nguyên là kỹ sư nông nghiệp ở Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam. "Không chỉ mưa trái mùa, thời gian qua còn có những đợt không khí lạnh tràn về. Chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm tăng cao càng gây bất lợi cho cây điều, thời điểm ra hoa, đậu trái và nuôi trái. Nếu không có biện pháp chăm sóc kịp thời, hoa và trái điều dễ bị khô đen do thán thư và các sâu bệnh gây hại tấn công. Vườn điều mà bị bọ xít muỗi tấn công thì dễ mất trắng" - ông Chính nói.

Kinh nghiệm của ông Chính là phải thường xuyên thăm vườn để phòng ngừa sâu bệnh. Việc tỉa cành tạo tán cũng rất quan trọng vì cành lá càng dày thì bọ xít muỗi và sâu ăn lá càng nhiều.

Ông Kính thường tỉa cành theo tỷ lệ 70-30. Nghĩa là cắt bỏ 30% số lượng cành trên cây điều. Vườn điều thông thoáng vào mùa mưa, ít sâu bệnh, trái và hạt mẩy hơn. "Sau khi mưa xong, vườn điều thông thoáng sẽ khô nước nhanh hơn, giảm thiểu tình trạng hoa khô và cháy" - ông Chính nói.

Theo ông Phan Văn Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Gia Mập, mưa trái mùa không đều trên toàn huyện mà rải rác ở một số xã. Mưa làm xuất hiện nhiều loại nấm bệnh như bệnh thán thư cùng với các loại côn trùng khác. Vì khi trời đang nắng thì trứng của côn trùng chưa nở. Gặp điều kiện thuận lợi, trứng nở ra và bùng phát, làm ảnh hưởng đến năng suất vườn điều.

Năm nay, vụ điều đến trễ hơn 1 tháng so với định kỳ. Hiện tại, nhiều vườn điều vẫn đang trong giai đoạn ra hoa, đậu trái và nuôi trái. "Vì thế, người trồng quan tâm theo dõi vườn điều, có biện pháp chăm sóc, phòng bệnh kịp thời để bảo vệ trái, giữ năng suất cho cây" - ông Hà lưu ý. 


Trần Khánh