Khó thu mua giá cao hạt điều Bình Phước
"Thủ phủ" điều Bình Phước và các vùng trồng điều trong nước lại thêm một mùa thu hoạch buồn, khi vừa mất mùa, vừa mất giá. Xuất khẩu thì tăng trưởng về sản lượng, nhưng lại giảm về giá bán.
Bà Trần Thị Yến - Giám đốc HTX Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) cho biết, thời tiết là nguyên nhân khách quan khiến giá điều thô năm nay không cao. Mưa nhiều từ đầu vụ cho đến khi thu hoạch làm ảnh hưởng đến chất lượng hạt.
Theo bà Yến, khi vùng trồng điều đạt tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ, đầu ra của hạt điều ổn định với giá bán cao hơn giá thị trường 1.000-1.500 đồng/kg.
Tuy nhiên, diện tích điều hữu cơ của HTX Bù Gia Mập cũng như trên toàn tỉnh còn khiêm tốn. Việc chứng nhận hữu cơ khó khăn, hạt điều của xã viên chưa thể bán được với giá tốt nhất. Vụ mùa 2020 và 2021, giá điều thô trong nước từ 29.000 đồng/kg đầu vụ xuống còn khoảng 15.000 đồng/kg cuối vụ.
"Giá này nhìn chung vẫn ở mức thấp, ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người trồng điều" - bà Yến nói.
"Muốn có thương hiệu phải có nhiều hơn nữa những sản phẩm chế biến sâu từ chính hạt điều của Bình Phước. Khi chưa tách bạch được thương hiệu hạt điều Việt Nam với thương hiệu hạt điều Bình Phước vì việc nâng cao giá trị còn gặp khó".
Bà Lê Thị Ánh Tuyết
- Phó Giám đốc Sở NNPTNT Bình Phước
Thời tiết, dịch bệnh là những nguyên nhân khách quan. Cùng với đó, giá xuất khẩu giảm cũng tác động đến giá thu mua nguyên liệu trong nước.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), nhu cầu thị trường thế giới giảm, các siêu thị nước ngoài không tăng giá mua. Từ đó, các nhà máy cũng không thể nào tăng giá mua điều nguyên liệu.
Ông Phạm Văn Công - Chủ tịch Vinacas cho rằng, mức giá vừa qua là phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay của thị trường trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp phải tự cân đối tài chính và kế hoạch kinh doanh để hạn chế thua lỗ.
Chia sẻ điều này, ông Tạ Quang Huyên - Giám đốc Công ty CP Hoàng Sơn 1 (huyện Bù Đăng, Bình Phước) cho rằng, trong kinh tế thị trường không thể có một mức giá ổn định.
"Khi thị trường có nhu cầu, việc tăng cường chế biến sâu, quảng bá tốt thương hiệu để bán hàng giá cao sẽ giúp tăng giá thu mua cho nguyên liệu tốt ở trong nước" - ông Huyên gợi ý.
Chế biến sâu và làm thương hiệu
Theo ông Nguyễn Hoàng Đạt - Giám đốc Công ty TNHH SX - TM - DV Vinahe (thị xã Phước Long), một trong những nguyên nhân khiến giá bán hạt điều Bình Phước không cao do chưa được nhiều người tiêu dùng thế giới biết đến.
Các doanh nghiệp chọn xuất khẩu hàng chế biến, phải đối mặt nhiều cam go từ thủ tục, vốn đầu tư, quảng bá thương hiệu đến việc tính toán đưa sản phẩm lên kệ hàng siêu thị.
Hạt điều Bình Phước thường đặc ruột (tỷ lệ thu hồi nhân cao) nên việc chẻ vỏ hạt điều cũng tốn chi phí đầu tư máy móc. Với mong muốn nâng cao giá trị hạt điều Bình Phước, góp phần hỗ trợ nông dân, 3 năm qua, ông Đạt đã đầu tư hơn 16 tỷ đồng thành lập Công ty Vinahe để tập trung vào mặt hàng chế biến.
Đến nay, Vinahe là một trong số ít những doanh nghiệp thu mua 100% nguyên liệu của nông dân Bình Phước để chế biến và xuất khẩu. Cùng với chiến lược quảng bá tốt thương hiệu, nhiều sản phẩm của công ty được thị trường đón nhận.
Theo ông Đạt, để nâng cao giá trị hạt điều cần hội đủ 3 điều kiện: người trồng có nguồn nguyên liệu tốt; doanh nghiệp có năng lực chế biến sâu. Và quan trọng nhất là các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đồng lòng làm thương hiệu cho hạt điều Bình Phước.
Quá trình gắn bó 20 năm trên địa bàn Bình Phước, Công ty Hoàng Sơn 1 là một trong những đơn vị đi đầu trong chế biến xuất khẩu điều.
Ông Tạ Quang Huyên nhìn nhận, trong khâu chế biến hiện có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì có rất nhiều doanh nghiệp cùng tham gia nên cũng cho ra rất nhiều loại sản phẩm có chất lượng khác nhau. Không tránh khỏi trường hợp sẽ có người làm sản phẩm có chất lượng kém đi để bán hàng với giá rẻ. Điều này làm thị giá thị trường bị kéo xuống.