dd/mm/yyyy

BHYT - Lá “bùa hộ mệnh” bảo vệ sức khoẻ và cuộc sống của mỗi gia đình

“BHYT - lá “bùa hộ mệnh” bảo vệ sức khoẻ và cuộc sống của mỗi gia đình”. Đó là lời chia sẻ của anh Sùng A Của ở bản Nặm Giắt (xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La) khi trao đổi với phóng viên Báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt/Trang Trại Việt về lợi ích của bảo hiểm y tế (BHYT).

Từng có suy nghĩ, tuổi trẻ còn nhiều sức khoẻ nên không mặn mà với BHYT, tuy nhiên sau sự việc đáng tiếc xảy ra với con trai của mình, anh Sùng A Của ở bản Nặm Giắt, xã Phổng Lái quyết tâm tham gia BHYT cho các thành viên trong gia đình.

BHYT - lá “bùa hộ mệnh” bảo vệ sức khoẻ và cuộc sống của mỗi gia đình - Ảnh 1.

Anh Sùng A Của và con trai út Sùng A Việt trao đổi với PV về lợi ích khi tham gia BHYT. (Ảnh: Tuệ Linh).

Trao đổi với phóng viên Báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt/Trang Trại Việt, anh Của cho biết: Đầu tháng 5 vừa rồi, con trai út Sùng A Việt (sinh năm 2013) không may bị ngã, gây đau khuỷu tay. Người nhà đưa cháu xuống Bệnh viện Đa khoa huyện Thuận Châu khám và được bác sĩ chẩn đoán cháu bị trật khớp khuỷ tay phải. Do hoàn cảnh khó khăn nên gia đình đưa con về nhà băng bó bằng thuốc nam. Cơn đau cũng dịu dần. Tuy nhiên, sau vài tuần khuỷ tay phải của cháu sưng và không nhấc lên được.

Được gần một tháng, khuỷu tay của cháu Việt vẫn không khỏi. Thấy vậy, anh Của đưa con xuống chụp tại Bệnh viện Đa khoa cuộc sống ở thành phố Sơn La và được bác sĩ kết luận cháu Việt bị gãy bong lồi cầu ngoài xương cánh tay phải.

BHYT - lá “bùa hộ mệnh” bảo vệ sức khoẻ và cuộc sống của mỗi gia đình - Ảnh 2.

Khuỷu tay phải của cháu Việt đang dần hồi phục. (Ảnh: Tuệ Linh).

Anh Của tâm sự: Để lành lặn bắt buộc phải phẫu thuật đóng đinh cho con. Chi phí hết 10 triệu đồng. Bác sĩ bảo nếu có thẻ BHYT thì chỉ hết khoảng 4 triệu đồng – 5 triệu đồng. Nhưng do thẻ BHYT của con đã hết hạn từ cuối năm 2019, gia đình khó khăn, trong túi lúc này chỉ có vài trăm nghìn đi đường, lấy đâu ra 10 triệu đồng nộp cho con đây. Gọi điện về nhà vay mượn người thân nhưng họ cũng nghèo như mình nên chẳng ai có.

"May mắn, bố mẹ vợ ở trên xã vùng cao Co Mạ tích góp được ít tiền nên tôi phải phi xe máy quay ngược lại lấy tiền với quãng đường dài hơn 70km. Cả đi cả về hơn 140km. Thật may là sau đó các y bác sĩ đã tận tình mổ cho cháu. Giờ khuỷ tay phải của cháu đã đỡ hơn trước nhiều rồi", anh Của bảo vậy.

BHYT - lá “bùa hộ mệnh” bảo vệ sức khoẻ và cuộc sống của mỗi gia đình - Ảnh 3.

Theo anh Của, do suy nghĩ chủ quan về sức khoẻ của các thành viên trong gia đình nên không tham BHYT. (Ảnh: Tuệ Linh).

Trước đây, cũng như nhiều hộ khác, gia đình anh Việt được Nhà nước cấp thẻ BHYT miễn phí. Tuy nhiên, sau khi xã Phổng Lái đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2017, người dân không được ngân sách Nhà nước hỗ trợ BHYT miễn phí như trước nữa mà phải tự bỏ tiền đóng BHYT. Vì gia cảnh khó khăn nên khi thẻ BHYT của cháu Việt hết hạn anh Của không không tham gia đóng nữa.

Theo anh Của, cũng phải nói thật là trước kia được Nhà nước cấp thẻ BHYT miễn phí nên mình cũng chẳng quan tâm lắm. Hằng năm, đồng chí Trưởng bản đến từng hộ gia đình phát thẻ BHYT cho bà con. Ngoài ra, viên chức Ngành Bảo hiểm xã hội, cán bộ xã đã nhiều lần vào bản tuyên truyền về lợi ích khi tham gia BHYT, nhưng tuổi trẻ thường hay chủ quan với sức khoẻ nên khi thẻ BHYT hết hạn vẫn chưa mặn mà tham gia lại. Bên cạnh đó, hai vợ chồng làm nông nghiệp là chính, mỗi tháng kiếm được vài trăm nghìn đã khó chứ chưa nói đến tiền triệu. Vì vậy, việc bớt ra một phần thu nhập để tham gia BHYT là điều vợ chồng anh chưa nghĩ tới.

BHYT - lá “bùa hộ mệnh” bảo vệ sức khoẻ và cuộc sống của mỗi gia đình - Ảnh 4.

Anh Của cho biết: Cháu Việt tham gia BHYT từ năm 2014 đến năm 2019. Tuy nhiên, sau khi BHYT của cháu hết hạn, gia đình không đóng thì lại xảy ra chuyện cháu bị thương ở khuỷu tay phải. (Ảnh: Tuệ Linh).

"Luôn nghĩ rằng bản thân có sức khoẻ tốt. Từ nhỏ đến lúc lập gia đình cho đến nay cũng chưa bao giờ ốm đau hay đi bệnh viện. Mặt khác, tài chính gia đình còn gặp nhiều khó khăn. Mỗi năm, bỏ ra khoảng vài triệu đồng đóng bảo BHYT cho 4 thành viên trong gia đình mà không ốm đau thì mất không số tiền này. Tiếc lắm!

Nhưng sau sự việc xảy ra với con trai, tôi mới nghiệm ra rằng không ngờ BHYT lại thuận lợi như vậy, nhất là đối với người nông dân vùng cao. Trong thời gian tới, tôi sẽ đóng BHYT đầy đủ cho 4 thành viên trong gia đình. Phải luôn yên tâm về sức khoẻ thì mới lao động, sản xuất và ổn định cuộc sống được. BHYT - Lá "bùa hộ mệnh" bảo vệ sức khoẻ và cuộc sống của mỗi gia đình. Bởi vậy, tôi chân thành khuyên mọi người dù cuộc sống có khó khăn thì hãy tham gia BHYT cho các thành viên trong gia đình", anh Của thật thà chia sẻ.

BHYT - lá “bùa hộ mệnh” bảo vệ sức khoẻ và cuộc sống của mỗi gia đình - Ảnh 5.

Nếu anh Của đóng BHYT đầy đủ cho cháu Việt thì đã không phải mất 10 triệu đồng để phẫu thuật khuỷu tay cho cháu Việt. Bởi, số chi phí còn lại sẽ được Quỹ bảo hiểm chi trả, qua đó giúp giảm gánh nặng tài chính cho gia đình anh Của. (Ảnh: Tuệ Linh).

Tham gia BHYT là cách tốt nhất để mọi người chia sẻ rủi ro khi ốm đau, bệnh tật. Khi đó, người tham gia sẽ được hỗ trợ thanh toán chi phí khi đi khám, chữa bệnh theo phạm vi quyền lợi quy định. Hiện nay có rất nhiều trường hợp khi đi khám chữa bệnh đã được quỹ BHYT chi trả đến cả tỷ đồng mỗi năm. Đây là một giải pháp tối ưu giúp người dân, đặc biệt là bà con ở vùng cao giảm bớt gánh nặng tài chính nếu không may bị ốm đau, tai nạn.

Tuệ Linh