Thứ Năm, ngày 16/01/2025 03:17 PM (GMT+7)
Bài toán khó trong xuất khẩu lao động tại Tủa Chùa
2024-12-09 20:09:54
Huyện Tủa Chùa, một trong những địa phương miền núi khó khăn của tỉnh Điện Biên, đang nỗ lực triển khai các chương trình xuất khẩu lao động (XKLĐ) nhằm tạo cơ hội việc làm và cải thiện đời sống người dân. Tuy nhiên, hành trình đưa lao động địa phương tham gia thị trường thế giới vẫn gặp không ít trở ngại.
Xuất khẩu lao động tại Tủa Chùa: Cơ hội lớn, rào cản không nhỏ
Một trong những khó khăn lớn nhất là nhận thức hạn chế của người dân về XKLĐ. Nhiều gia đình chưa hiểu rõ lợi ích lâu dài từ việc làm việc tại nước ngoài. Thay vào đó, họ lo ngại về chi phí ban đầu cao và rủi ro khi rời quê hương, đặc biệt với những lao động chưa từng xa gia đình hoặc không có kinh nghiệm làm việc trong môi trường chuyên nghiệp.
Ngoài ra, thông tin về các chương trình XKLĐ chưa được phổ biến sâu rộng. Phần lớn người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa như: Xá Nhè, Tả Phìn, Tủa Thàng… khó tiếp cận với thông tin tuyển dụng chính thức.
Chia sẻ với phóng viên, ông Lường Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Xuất khẩu lao động là hướng đi quan trọng giúp lao động địa phương thoát nghèo, nhưng hiện nay, huyện Tủa Chùa gặp phải nhiều rào cản trong việc triển khai chương trình này. Một trong những khó khăn lớn nhất là trình độ nhận thức của người dân còn thấp. Đa số bà con là người dân tộc thiểu số, chưa quen với việc làm ăn xa nhà, không am hiểu các quy định, chính sách XKLĐ, nên họ rất e dè khi tham gia chương trình".
Ông Lường Tuấn Anh cũng nhấn mạnh những hạn chế của lao động địa phương như: "Phần lớn lao động tại Tủa Chùa có trình độ văn hóa thấp, kỹ năng nghề nghiệp chưa đạt yêu cầu. Đặc biệt, ngôn ngữ là rào cản lớn. Người dân không chỉ gặp khó khăn khi học ngoại ngữ mà thậm chí còn không thành thạo tiếng Việt, khiến việc đào tạo nghề và tiếp cận các thông tin liên quan đến XKLĐ gặp nhiều trở ngại". Về vấn đề tài chính, ông Lường Tuấn Anh cho biết thêm: "Mặc dù huyện đã phối hợp với các ngân hàng chính sách để hỗ trợ vay vốn, nhưng các thủ tục vay vốn đôi khi vẫn còn phức tạp, làm cho người dân ngại tiếp cận".
Theo đó đa số lao động tại Tủa Chùa là người dân tộc thiểu số như Mông, Thái, Dao, có trình độ văn hóa thấp; điều này dẫn đến khó khăn lớn trong việc học ngoại ngữ, vốn là yêu cầu bắt buộc để làm việc tại nước ngoài.
Bên cạnh đó, kỹ năng nghề nghiệp của lao động địa phương cũng chưa đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế. Các chương trình đào tạo nghề còn hạn chế về nội dung, thời gian và thiếu sự kết nối với thị trường lao động nước ngoài.
Chi phí để tham gia XKLĐ, bao gồm học ngoại ngữ, đào tạo kỹ năng, làm thủ tục giấy tờ, thường dao động từ 50 - 150 triệu đồng. Đây là số tiền lớn đối với các hộ nghèo tại Tủa Chùa, nơi mà thu nhập chính dựa vào sản xuất nông nghiệp tự cung tự cấp.
Nhiều lao động trẻ tại Tủa Chùa lựa chọn làm việc tại các khu công nghiệp trong nước thay vì đi XKLĐ. Nguyên nhân là do thủ tục đơn giản hơn, không yêu cầu ngoại ngữ và chi phí ban đầu thấp.
Tiếng nói từ người trong cuộc
Chị Giàng Thị Mùa, 25 tuổi, ở xã Tả Phìn, chia sẻ: "Gia đình tôi thuộc hộ nghèo, khi nghe xã tuyên truyền về xuất khẩu lao động, tôi rất muốn tham gia để có tiền gửi về cho bố mẹ. Nhưng chi phí ban đầu cao quá, lên tới cả trăm triệu đồng. Dù có vay vốn ngân hàng, tôi vẫn lo không trả được vì không biết công việc bên đó có ổn định hay không."
Nhiều lao động trẻ cũng gặp khó khăn trong việc học ngoại ngữ. Anh Lý A Súa, 28 tuổi, ở xã Xá Nhè, bộc bạch: "Tôi rất muốn đi LĐXK để tăng thu nhập gia đình. Nhưng vấn đề học ngoại ngữ đối với tôi nói riêng và đồng bào dân tộc nói chung rất khó khăn. Hơn nữa chúng tôi lao động chân tay quen rồi, giờ muốn XKLĐ phải học nghề, như vậy tốn kém mà không biết có được làm việc phù hợp hay không".
Ngoài rào cản về ngôn ngữ và chi phí, nhiều người còn lo lắng về tính minh bạch của các chương trình XKLĐ. Ông Vàng A Tòng, một phụ huynh ở xã Sính Phình, tâm sự: "Con tôi được một công ty tư vấn đi làm việc ở Đài Loan, nhưng họ yêu cầu đóng tiền trước mà không giải thích rõ. Tôi sợ bị lừa, nên không dám cho con đi. Chúng tôi rất cần có người hướng dẫn cụ thể, đáng tin cậy".
Một vấn đề khác cũng ảnh hưởng lớn đến quyết định đi XKLĐ là tâm lý e ngại xa nhà. "Nếu tôi đi làm ở các khu công nghiệp trong nước, cuối năm được về thăm nhà, hay nhà có việc gì thì có thể xin nghỉ được. Đi LĐXK nước ngoài phải vài năm mới được về. Đây là tâm lý của đông thanh niên trong xã tôi, chứ không riêng mình tôi" anh Vàng A Cở, xã Sính Phình chia sẻ.
Để người dân yên tâm XKLĐ, lao động ở Tủa Chùa rất mong có sự hỗ trợ cụ thể hơn từ chính quyền và các cơ quan liên quan. Chị Giàng Thị Mùa, xã Sín Chải chia sẻ: "Chúng tôi cần thêm các chương trình hỗ trợ học ngoại ngữ và đào tạo nghề phù hợp với trình độ. Nếu có thêm các buổi tư vấn trực tiếp từ các công ty uy tín, chắc chắn nhiều người sẽ tự tin hơn". Hay như anh Lý A Súa ở xã Trung Thu thì: Các cơ quan chức năng, đơn vị tuyển dụng lao động cần giảm bớt chi phí ban đầu hoặc có chính sách hỗ trợ tài chính tốt hơn. Những gia đình nghèo rất khó xoay xở khoản tiền lớn trong thời gian ngắn.
Bên cạnh đó, người dân cũng mong muốn được đảm bảo về quyền lợi khi làm việc ở nước ngoài. Ông Vàng A Tòng xã Tủa Thàng cho biết: "Chúng tôi cần chính quyền giúp kiểm tra, lựa chọn các công ty XKLĐ đáng tin cậy. Nếu có ai giám sát và bảo vệ quyền lợi của người lao động khi ra nước ngoài, bà con sẽ yên tâm hơn".
Xuất khẩu lao động là con đường dài nhưng đầy tiềm năng cho huyện Tủa Chùa. Để vượt qua những thách thức hiện tại, cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân. Những nỗ lực hôm nay sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong tương lai.
Tags:
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường ở Long An chịu trách nhiệm đứng đầu trong việc 4 cán bộ tham gia đánh bạc
Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy (UBKT) Long An cho biết, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường (QLTT) tỉnh Long An ông Phạm Đức Chinh phải chịu trách nhiệm người đứng đầu đối với hành vi tham gia đánh bạc tại trụ sở Đội QLTT số 3 (đóng tại TP.Tân An, Long An) của 4 cán bộ QLTT.