UBND huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình vừa tổ chức khai mạc ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các xã vùng cao huyện Tân Lạc và đón bằng công nhận cây di sản Việt Nam.
Dự ngày hội có các đồng chí: Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Cẩm Phương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hòa Bình.
Đến với ngày hội, Nhân dân và du khách được trải nghiệm các hoạt động văn hóa, thể thao mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như: Kéo co, bắn nỏ, đánh mảng, đánh cù, ném còn, đi cà kheo, thi đan lát, thi trưng bày ẩm thực, trại văn hoá, trình diễn làm bánh, cơm lam, thiêu rượu, đan lát thủ công,…
Bên cạnh đó, Hội đồng cây di sản Việt Nam công bố Quyết định công nhận Cây di sản Việt Nam đối với quần thể 3 cây vải cổ thụ tại xóm Chiến, xã Vân Sơn và 1 cá thể cây Chò Đãi tại xóm Bắc Thung, xã Quyết Chiến.
Việc được công nhận là cây di sản đã góp phần gìn giữ, bảo vệ nguồn gen của quốc gia, tôn vinh giá trị tài nguyên thực vật, bảo vệ cảnh quan quý hiếm của địa phương; góp phần tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ tài nguyên và môi trường; là nơi tham quan, tạo điểm nhấn phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông thôn mới tại 2 xã Vân Sơn, Quyết Chiến.
Ông Lò Văn Ngọc (du khách ở Sơn La) chia sẻ, được bạn bè ở Tân Lạc giới thiệu, tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần tôi đưa gia đình đến với ngày hội. Tại đây, gia đình tôi cũng như du khách được thưởng thức các tiết mục văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Ngoài ra, có nhiều món ăn ngon và trò chơi dân gian hấp dẫn.
Theo Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tân Lạc, ngày hội được tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc, kích cầu và thu hút khách du lịch đến với địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông về văn hóa và các danh lam thắng cảnh trong huyện.
Ngày hội sẽ bao gồm nhiều hoạt động phong phú, bắt đầu bằng chương trình khai mạc và bảy hoạt động thi đấu nổi bật như hoạt động thi trại văn hóa giới thiệu các sản phẩm văn hóa, du lịch, nông sản, cùng các vật dụng sản xuất, sinh hoạt truyền thống của nhân dân các xã vùng cao.
Mô hình trại văn hóa sẽ tái hiện không gian văn hóa và nét sinh hoạt hàng ngày của đồng bào dân tộc Mường.
Cùng với đó, các hoạt động thi ẩm thực, chương trình thi trình diễn trang phục dân tộc Mường cũng sẽ diễn ra, với sự tham gia của các cặp nam nữ. Các môn thể thao dân tộc như kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ sẽ được tổ chức, cùng với cuộc thi hát đối tiếng Mường giữa các nhóm và câu lạc bộ.